Thực hư Triều Tiên nắm khối tài sản vùi dưới lòng đất trị giá 6 ngàn tỷ USD?

Minh Thu |

Triều Tiên được cho sở hữu khối tài nguyên thiên nhiên nằm dưới lòng đất nhưng chưa được khai thác có giá trị lên tới 6 ngàn tỷ USD.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội trong hai ngày 27 – 28/2 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un kết thúc mà hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Theo Business Insider, sự viện này khiến nhiều người hoài nghi về triển vọng phát triển kinh tế trong tương lai của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, cả thế giới vẫn đang dõi theo bằng cách nào Chủ tịch Kim Jong-un có thể hiện thực hóa lời cam kết giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng từng đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Trump hồi tháng 6/2018 tại Singapore. Và để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Triều Tiên chắc chắn cần phải cải cách chính sách để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Nhà phân tích của ngân hàng Credit Suisse có trụ sở tại Thụy Sĩ, bà Trang Thuy Le ước tính Triều Tiên có thể trở thành nền kinh tế có quy mô 100 tỷ USD trong vòng 10 năm nếu quốc gia này đi theo con đường hiện đại hóa.

Cũng theo bà Le, một số chuyên gia công nghiệp nhận định Triều Tiên còn đang nắm trong tay số lượng lớn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác.

“Công ty khai thác than quốc doanh của Hàn Quốc Korea Resources ước tính trữ lượng tài nguyên gồm than, quặng sắt, nhôm, chì, kẽm và các nguyên liệu hiếm của Triều Tiên có giá trị lên tới 6 ngàn tỷ USD”, bà Le cho hay con số này cao hơn GDP năm 2016 của Triều Tiên (32 tỷ USD) tới 190 lần.

“Khai khoáng đóng góp 13% GDP năm 2016 của Triều Tiên nhưng sản lượng khai thác của Triều Tiên đang thấp do thiếu người mua vì sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như thiếu khoản đầu tư cho thiết bị khai thác”, bà Le chia sẻ.

Liên quan tới việc đưa ra những hình mẫu tăng trưởng để Triều Tiên học hỏi nếu đi theo con đường mở cửa kinh tế, bà Le đã chỉ ra 3 quốc gia.

“Triều Tiên có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong thập niên 70, Trung Quốc hồi đầu những năm 1990 và Việt Nam vào cuối thập niên 90 để làm bài học phát triển kinh tế”, bà Le nhận định.

Theo bà Lê, dựa trên kinh nghiệm của 3 quốc gia trên, Triều Tiên có thể đạt mức tăng trưởng GDP là 7 – 8%/năm.

Ngoài ra, nền kinh tế của Triều Tiên có thể đặt quy mô 100 tỷ USD. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng từ 1.258 USD lên thành 4.000 USD.

Tuy nhiên, theo bà Le, vấn đề thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ không thể sớm xảy ra bởi dưới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Triều Tiên vẫn sẽ trở thành vùng đệm ngăn cách biên giới Trung – Hàn.

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc sẽ xem việc sáp nhập Hàn – Triều một cách nhanh chóng tạo ra gánh nặng tài chính và gây ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động của Hàn Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại