Tại sao khi trưởng thành, người ta lại muốn xin một tấm vé trở về tuổi thơ? Quên những câu trả lời hoa mỹ đi, chấp nhận câu trả lời phũ phàng, bạn mới có thể thành công

Đình Trọng |

Đến một độ tuổi nhất định, nhiều người sẽ hối tiếc tất cả những điều mình đã làm ngày trước!!!

(1)

Những người trẻ mà tôi từng được gặp hoặc nghe kể lại, bên cạnh những giai thoại tiệc tùng đàn đúm, những buổi đốt tiền thoả sức cho các thương hiệu họ ưa chuộng, đều trả lời khá chung chung khi được hỏi tương lai mình muốn làm gì. 

Điểm chung của tất cả các bạn, đó là mong muốn một cuộc sống ổn định, với một công việc ổn định, vợ đẹp con ngoan, thế là đủ. 

Với những người may mắn có được một việc làm ít va chạm, họ thậm chí còn cảm thấy mình đã nắm trọn hạnh phúc trong tay, hoặc chí ít cũng phần nào cảm thấy mình tài giỏi hơn những bạn bè đồng trang lứa – những người vẫn còn đang phải dựa dẫm vào đồng tiền của bố mẹ, hay những người đang phải vật lộn kiếm miếng ăn qua ngày.

Khi hỏi sâu hơn: "Định hướng tương lai của em, khi 30 tuổi em muốn cuộc sống mình thế nào?", thì họ trả lời chung chung chỉ cần đủ sống là được. Tôi hỏi thế nào là đủ sống, họ bảo họ hài lòng với mức lương 10 triệu.

Với họ, không quan trọng mình làm công việc gì, cho dù là chủ doanh nghiệp hay nhân viên bán nước, miễn là đồng tiền kiếm được đủ nuôi sống bản thân, niềm hạnh phúc sẽ không thay đổi. 

Nhận thức như vậy, họ lao vào đời, chờ đến tháng nhận lương, rồi trong tháng tiêu sạch sành sanh cho những nhu cầu cá nhân như quần áo, điện thoại, phụ kiện, bao giờ hết tiền thì thấp thỏm ngồi chờ lương về…

Cứ như vậy, họ luẩn quẩn trong vòng tròn khép kín không lối thoát. Họ tự vạch ra cho mình một giới hạn, quyết không bứt phá để có thể thực sự tận hưởng cuộc sống.

Nếu họ không mau chóng tỉnh ngộ, họ đang tự mua dây buộc mình. 

Và sau khoảng 5 đến 10 năm, họ sẽ dùng chính sợi dây thòng lọng đó để đu mình xuống hố, rồi ấm ức nhìn những người thành công khác và tự nhủ: "Âu cũng là cái số, số mình không giàu thì phải chịu thôi."

Tại sao khi trưởng thành, người ta lại muốn xin một tấm vé trở về tuổi thơ? Quên những câu trả lời hoa mỹ đi, chấp nhận câu trả lời phũ phàng, bạn mới có thể thành công - Ảnh 1.

(2)

Tôi từng ngồi ăn với hội công nhân viên chức. Trong số những người có mặt hôm đó, phần lớn đều hăng hái tìm việc ngay sau khi học xong, thậm chí có những người còn làm việc ngay từ khi còn ở trong trường, và tích luỹ được cho mình nhiều năm kinh nghiệm.

Có người than thở, khối lượng công việc quá nhiều, không thể giải quyết xong trong giờ làm việc. Mọi người thắc mắc, nếu trong giờ không làm sao, tại sao không mang về nhà để làm tiếp.

Người đó đáp: "Công việc là công việc, gia đình là gia đình. Tôi không muốn lẫn lộn 2 điều này. Mình phải có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, vợ con. 

Nếu lúc nào đầu cũng căng ra vì công việc, thì cuộc sống mình liệu còn ý nghĩa, và khi đó, liệu mình còn làm việc hiệu quả? 

Vậy nên, sau khi đi làm về, tôi tắm rửa cho sạch sẽ, rồi xem TV hoặc đi chơi với bạn bè vào buổi tối. Hôm sau đi làm sẽ giải quyết tiếp công việc còn tồn đọng."

Người khác đồng tình: "Tôi với ông cùng chung suy nghĩ. Nào, châm tửu, anh em làm một ly."

Sau khi đi nhiều buổi tụ họp khác, tôi mới giật mình để ý rằng: Đây là cuộc sống của đại đa số người trẻ bây giờ.

Người trẻ đi làm bây giờ, khôi hài lắm. 

Mỗi ngày đi làm là mỗi ngày họ mong đến giờ về để được cuộn tròn trong chăn, xem các bộ phim đình đám trên Netflix, chém gió trên các diễn đàn mạng xã hội, hoặc ngồi nơi quán xá vỉa hè với đám bạn để nói xấu một người nào đó. 

Khi tan ca, trong đầu họ tuyệt nhiên không nghĩ về cách giải quyết công việc còn tồn đọng nữa, họ sẽ chọn bừa một thú vui giải trí của mình và thực hiện nó.

Không thể phủ nhận sự năng động, nhiệt huyết, tận tâm của người trẻ. 

Nhưng thật đáng buồn, những mặt tốt ấy chỉ thể hiện trong giờ làm việc, còn khi về nhà, họ tự biến mình thành những người lười biếng, làm những hoạt động giải trí rập khuôn như xem phim, đi cùng bạn bè. 

Rồi hôm sau, họ cuống cuồng chạy tới chạy lui vì khối lượng công việc quá nhiều, quá áp lực.

Rất nhiều người than vãn vì mình không đủ thời gian để làm việc gì, nhưng họ lại quá keo kiệt trong việc hi sinh quỹ thời gian rảnh rỗi còn đang dồi dào của mình.

Tại sao khi trưởng thành, người ta lại muốn xin một tấm vé trở về tuổi thơ? Quên những câu trả lời hoa mỹ đi, chấp nhận câu trả lời phũ phàng, bạn mới có thể thành công - Ảnh 2.

(3)

Quản lý thời gian là chiếc chìa khoá bị đánh mất của người trẻ. Đây chính là nỗi khổ tâm khiến người trẻ không thể mở chốt và sử dụng khoảng thời gian rảnh rỗi dồi dào của mình một cách hợp lý.

Trước đây tôi có đọc tài liệu thống kê những việc nhân viên văn phòng thường làm khi ở nhà. Hai việc nhiều người làm nhất là xem phim và sử dụng các trang mạng xã hội.

Tôi không có ý phê phán những hành động này, nhưng hãy thử nghĩ xem, nếu ngày nào cũng xem phim và sử dụng các trang mạng xã hội, phải chăng chúng ta đang quá lãng phí cuộc đời mình.

Sắp xếp và phân bổ thời gian cho những hoạt động trong ngày là những việc bạn cần phải học hỏi để không phải lỡ dở tuổi trẻ, rồi khi về già lại hối tiếc, ước muốn được một tấm vé trở về tuổi thơ để làm lại từ đầu.

Hãy mua tấm vé hạng sang cho chuyến đi hướng về tương lai của mình, thay vì lùng sục khắp nơi để tìm một tấm vé mang tên "Tiếc nuối", các bạn nhé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại