'Độc chiêu' trụ vững chốn hậu cung của vị phi tần thọ nhất nhì Thanh triều

Trần Quỳnh |

Sở hữu kỹ năng vào hàng thượng thừa gần như không có đối thủ trong hậu cung, phi tần này đã trở thành ngoại lệ hiếm hoi của Thanh triều khi không đắc sủng mà vẫn thọ tới 96 tuổi.

Trong ấn tượng của hậu thế, hậu cung vốn là một "chiến trường" nhuốm đầy máu tanh và mưu kế của các phi tần tranh sủng.

Nhìn lại mấy ngàn năm lịch sử Trung Hoa, số phi tần vì thất sủng mà mất mạng vốn không thiếu, số người vì đắc sủng mà bị hãm hại cũng không hề ít.

Thế nhưng trong số đó, lại có một nhân vật được xếp vào ngoại lệ. Vị phi tử này dù không được sủng ái nhưng vẫn an nhàn sống tới gần trăm tuổi.

Nhân vật ngoại lệ trên chính là Thuần Khác Hoàng Quý phi Cảnh thị - phi tần của vua Ung Chính thời nhà Thanh.

Vị phi tần trụ vững nơi hậu cung nhờ tửu lượng mà không cần tranh sủng

Độc chiêu trụ vững chốn hậu cung của vị phi tần thọ nhất nhì Thanh triều  - Ảnh 1.

Chân dung Thuần Khác Hoàng Quý phi Cảnh thị và hình tượng của bà trên phim ảnh. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Thuần Khác Hoàng Quý phi Cảnh thị là con gái của Quản Lĩnh Cảnh Đức Kim, vốn mang dòng dõi Bao y thuộc Tương Hoàng Kỳ.

Vào năm Khang Hi thứ 42 (năm 1702), Cảnh thị được ban hôn làm thứ thiếp cho Ung Thân vương Dận Chân, tức Ung Chính đế sau này.

Vì xuất thân không mấy cao quý, bà chỉ được phong làm Cách Cách. Vào thời bấy giờ, Cách Cách không chỉ là cách gọi cho con gái của Hoàng đế mà còn dùng để chỉ cấp bậc dành cho thị thiếp có địa vị thấp trong hoàng tộc.

Sau khi Ung Chính kế thừa ngai vị, bà được sắc phong làm Dụ tần. Mặc dù đã theo hầu Hoàng đế từ khi còn ở tiềm đệ nhưng chỉ được phong làm Tần vị, điều này cho thấy Cảnh thị lúc sinh thời không mấy có được sự ưu ái từ Ung Chính.

Thế nhưng mặc dù không mấy được sủng ái, vị phi tử này cũng chưa từng làm ra điều gì khiến nhà vua ghét bỏ. Thậm chí, bà còn có một thế mạnh "ăn đứt" nhiều đối thủ của mình và rất được Hoàng đế đánh giá cao.

Thế mạnh đặc biệt của Cảnh thị chính là tửu lượng được xếp vào hàng thượng thừa ở chốn hậu cung. Chính bởi khả năng uống rượu vượt mặt nhiều phi tần, Ung Chính thi thoảng sẽ gọi bà tới bồi rượu.

Năm 1711, Cảnh thị sinh hạ Hoàng ngũ tử Hoằng Trú. Đây cũng là người con duy nhất được bà hạ sinh trong suốt cả cuộc đời sống trong hậu cung.

Thế nhưng ngay cả khi đã sinh được con trai, phải tới gần 20 năm sau, Cảnh thị mới miễn cưỡng được phong làm Dụ phi. Có ý kiến cho rằng điều này ít nhiều nhờ vào mối quan hệ thân thiết giữa bà và Sùng Khánh Hoàng Thái hậu (mẹ vua Càn Long).

Người con trai độc nhất là Hoằng Trú do Cảnh thị thân sinh cũng được mẹ Càn Long nhận nuôi từ khi còn nhỏ.

Mẹ không màng danh lợi, con giả điên để khỏi tranh ngôi và kết cục viên mãn cho Cảnh thị

Độc chiêu trụ vững chốn hậu cung của vị phi tần thọ nhất nhì Thanh triều  - Ảnh 2.

Đứng ngoài những cuộc tranh đấu nơi hậu cung, Cảnh thị là số ít trong các phi tần có thể an hưởng tuổi già và thọ gần trăm tuổi. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Khi Ung Chính đột ngột qua đời, Dụ phi cũng vì vậy mà trở thành một trong số các phi tần thuộc về thời Tiên đế.

Theo luật lệ của Mãn Thanh, các phi tần từng hầu hạ Tiên đế sẽ không được gặp mặt vị Hoàng đế mới cho tới trước năm họ tròn 50 tuổi. Luật định này được đặt ra để hạn chế phát sinh những mối quan hệ trái với luân thường đạo lý giữa hậu phi đời trước và Hoàng đế đời này.

Cứ như vậy, Dụ phi Cảnh thị phải sống trong cảnh cô đơn tịch mịch ở chốn thâm cung tới tận khi bước vào tuổi ngũ tuần. Khác với những phi tử thích tranh giành đấu đá, bà luôn giữ một thái độ bình thản đối với mọi việc, lại tự tìm thú vui hằng ngày thông qua những việc như vẽ tranh, thêu thùa…

Người con ruột của Cảnh thị là Hoàng tử Hoằng Trú cũng được thừa hưởng nét tính cách ôn hòa từ mẹ mình.

Năm xưa để tìm cách tránh xa cuộc chiến tranh giành giữa những người anh em của mình, vị Thân vương này đã giả vờ điên dại và tỏ ra nữ tính, yêu thích "làm giả tang sự, ăn tế phẩm", người đời khi ấy thường gọi ông là Hoang đường Vương gia.

Độc chiêu trụ vững chốn hậu cung của vị phi tần thọ nhất nhì Thanh triều  - Ảnh 3.

Tính cách của Hoàng Quý phi Cảnh thị còn ảnh hưởng sâu sắc tới Hoàng tử Hoằng Trú - người em trai không màng danh lợi được Càn Long rất mực yêu quý sau này. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Phải tới năm Càn Long thứ 43 (năm 1778), gần nửa thế kỷ sau khi Ung Chính qua đời, Dụ phi mới được sắc phong thành Hoàng Quý phi trong Đại thọ lần thứ 89 của mình.

Có lẽ chính tâm tính bình hòa và thái độ không màng tranh đua đã trở thành bí kíp giúp vị phi tần không được sủng ái ấy trở thành người thọ nhất trong số các thê thiếp của Ung Chính đế.

Qua đời ở tuổi 96, Thuận Khác Hoàng Quý phi Cảnh thị đã trở thành nhân vật sống thọ thứ hai trong lịch sử hậu cung Thanh triều và chỉ xếp sau Định phi của Khang Hi – người sống thọ tới 97 tuổi.


Cũng theo ghi chép của Thanh cung, vương triều này chỉ từng ghi nhận 3 vị hậu phi sống tới qia tuổi 90. Đó là Định phi của Khang Hi, Hoàng Quý phi Cảnh thị và Uyển Quý phi của vua Càn Long.

Mùa đông năm Càn Long thứ 49 (năm 1784), Dụ Hoàng Quý phi Cảnh thị lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà được Hoàng đế ban thụy hiệu là Thuần Khác Hoàng Quý phi và an táng tại nơi dành cho phi tử ở Thái lăng, với vị trí đứng đầu trong các hậu phi thuộc Phi viên tẩm của Ung Chính đế.

*Theo KKNews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại