Mưu sinh trên những ngọn dừa ở đảo dừa Tam Hải

ĐỖ VẠN |

Hái hết bãi Nam rồi qua bãi Bắc, hết xóm trên rồi xuống xóm dưới, ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), không ai là không biết vợ chồng ông Lê Lâm và bà Võ Thị Huệ mỗi khi nhắc đến đôi vợ chồng mưu sinh bằng nghề hái dừa thuê.

Ở Tam Hải, người ta vẫn thường hay gọi là đảo ngọc, hoặc đảo dừa, bởi lẽ, nơi đây, cây dừa đã mọc thành rừng, đâu đâu cũng thấy bóng dừa thay hàng cây phi lao xanh ngắt đương đầu với sóng, và gió biển.

Mưu sinh trên những ngọn dừa ở đảo dừa Tam Hải - Ảnh 1.
Mưu sinh trên những ngọn dừa ở đảo dừa Tam Hải - Ảnh 2.

Màu xanh của Tam Hải được tạo bởi những rừng dừa bạt ngàn. Ảnh: Đ.V

Chìa đôi bàn tay chai sần sau khi quầng thảo trên ngọn dừa cao hơn 15 mét, quần áo ướt sũng như ai vừa dội nước, ông Lê Lâm (ở thôn Thuận An) chia sẻ: Tất cả cũng vì kế sinh nhai thôi, chứ nghề này nguy hiểm lắm.

Theo bà Huệ - vợ ông Lâm - ở miệt biển này, nhà nào cũng chọn nghề đi biển. Lớp trẻ bây giờ, dần dà cũng không còn mặn mà với nghề biển nữa, vừa cực, vừa nguy hiểm. Đa phần đều chọn vào làm ở các công ty, xí nghiệp.

Còn với vợ chồng ông bà, trước đây, cũng có thời gian đi biển. Nhưng rồi có những lý do khác nhau, gia đình phải bỏ biển và gắn với cây dừa.

Mưu sinh trên những ngọn dừa ở đảo dừa Tam Hải - Ảnh 3.

Đã ngũ tuần nhưng ông Lâm vẫn rất nhanh nhẹn. Ảnh: Đ.V

Ngót nghét cũng đã gần 20 năm, vợ chồng ông Lâm mưu sinh và nuôi bầy con ăn học trưởng thành. Giờ ở khắp cái đảo dừa này, hễ ai muốn hái dừa đều gọi ông Lâm.

Dứt cuộc trò chuyện ngắn ngủi với tôi, ông Lâm, bà Huệ lại xách sợi dây thừng, con dao chạy sang vườn bên cạnh để hái nốt cây dừa cuối cùng trong ngày.

Mưu sinh trên những ngọn dừa ở đảo dừa Tam Hải - Ảnh 4.

Dụng cụ hái dừa của vợ chồng ông Lâm, bà Huệ. Ảnh: Đ.V

Người đàn ông tuổi ngũ tuần nhưng nhanh nhẹn như sóc. Thoắt một cái, chưa đầy một phút, ông đã tót lên tận ngọn cây dừa cao vút bằng đôi tay và chân trần mà hề có sự bảo hộ nào.

Khi đã yên vị trên ngọn dừa, ông Lâm bắt đầu dùng tay kiểm tra từng trái dừa để xem trái nào non, già mà hái.

Khi chọn được buồng đúng theo yêu cầu của thương lái, ông Lâm cắt nguyên cả buồng rồi buộc sợi dây thừng. Ở dưới đất, bà Huệ nhịp nhàng nới sợi dây như cái ròng rọc để đưa buồng dừa “tiếp đất” an toàn.

Mưu sinh trên những ngọn dừa ở đảo dừa Tam Hải - Ảnh 5.
Mưu sinh trên những ngọn dừa ở đảo dừa Tam Hải - Ảnh 6.

Dụng cụ hái dừa của vợ chồng ông Lâm, bà Huệ. Ảnh: Đ.V

Bà Huệ cho biết, khi gặp hai cây dừa gần nhau, thay vì cây này tụt xuống rồi trèo lên cây bên cạnh, chồng bà lần theo tàu lá rồi chuyền qua để hái tiếp, đỡ mất sức.

“Công việc hái dừa nguy hiểm nhưng mỗi trái dừa xuống đất, tiền công được trả từ 3 - 5 nghìn. Làm cật lực, cố gắng cả ngày thì cũng kiếm được vài trăm ngàn. 

Vào gần Tết hoặc mùa hè, người ta kêu hái dừa nhiều, một ngày có khi làm được cả triệu đồng. Giờ treo quen rồi, cứ như tập thể dục thôi…” - ông Lâm cười hiền.

Dẫu nụ cười hiện hữu. Nhưng trên khuôn mặt, bàn tay và bàn chân đã chi chít những vết sẹo. Cũng vì miếng cơm manh áo buộc vợ chồng ông Lâm phải chấp nhận nguy hiểm, rủi ro của nghề.

Nhưng từ lúc bắt đầu đến bây giờ, may mắn luôn mìm cười với ông Lâm khi chưa gặp phải tai nạn nào. Và, nghề cũng không phụ khi đã nuôi sống ông và cả gia đình.

“Lượng thấy sức khỏe của mình mà làm. Khi không còn dẻo dai thì dừng lại. Chứ không thể cứ mãi ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời mãi được…” - bà Huệ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại