Người dân sống cạnh bãi rác Nam Sơn: Giao thừa không dám mở cửa

Hoàng Trần - Trường Phong |

Đã nhiều năm, người dân sống bên bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đón Tết trong mùi hôi thối nồng nặc. Năm nay, tình trạng đó vẫn không hề thay đổi, người dân vẫn chuẩn bị đón Tết trong cảnh “sống chung với rác”.

Bà Nguyễn Thị Thân, 76 tuổi, ở xã Nam Sơn, bán hàng cạnh đường lớn, cách khu xử lý rác thải Nam Sơn khoảng 500 mét. Cuộc sống những ngày này vẫn diễn ra bình thường. Bà Thân vẫn ngồi bán đậu phụ, nói chuyện cùng những người cao tuổi trong thôn.

Từng trải qua quá nhiều cái Tết ngập trong mùi rác thải, bà Thân kể, giữa ngày Tết, đang ngồi tiếp khách, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, cả chủ, cả khách đều không thể chịu được.

Mấy ngày nay, do trời nổi gió Đông, không có mưa phùn, cuộc sống dân làng dễ chịu hơn đôi chút.

Tuy nhiên, Tết năm nay cũng không ngoại lệ, khi Tết đến, xuân về trong cảnh mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều đêm giao thừa, chẳng nhà nào dám mở cửa.

Trong mấy ngày đầu năm, họ hàng, làng xóm đến thăm hỏi, những người thân ở xa về thăm, cũng không khỏi bất tiện. “Nhà tôi có người thân ở Sơn Tây, năm nào về chơi Tết cũng khổ không nói hết”, bà Thân nói.

Cách nhà bà Thân không xa, gia đình anh Vũ Công Bộ, chị Nguyễn Thị Hảo đang chuẩn bị đón Tết. Cây đào để ngoài hiên nhà đã nở, báo hiệu mùa xuân về. Nhưng anh Bộ, chị Hảo còn nhiều nỗi lo. Nhà anh chị cách chân bãi rác chỉ 300 mét.

Hầu như ngày nào cũng xuất hiện mùi hôi, thối. Chị Hảo nói, cũng may hai vợ chồng đi làm nửa ngày ở khu vực khác nên chỉ hít mùi nửa ngày thôi. Nhưng các con chị vẫn phải sống hàng ngày, hàng giờ với mùi của bãi rác.

Nhà chị Hảo xây dựng khá kiên cố và đẹp, đầu tư khá nhiều, nên cũng không ai muốn phải di dời đi. Anh chị và người dân trong xóm nhiều lần kiến nghị di dời bãi rác ra chỗ khác, để nhân dân được sinh sống bình thường.

Nhưng điều đó có lẽ khó. Chị Hảo nói, nếu di dời, gia đình chị chỉ được trả khoảng 2 tỷ đồng, có lẽ chỉ đủ mua một căn nhà, không đất đai, vườn tược...

Sống chung với rác

Về nỗi khổ sống cạnh bãi rác, chị Hảo nói, nhiều người dân trong khu vực bị mắc bệnh ung thư chưa rõ nguyên nhân, trong đó, gia đình chị cũng có người bị bệnh. Trước mắt, trong mấy ngày Tết, nếu gió Tây Bắc thổi, trời nồm thì nhà chị và những hộ xung quanh “sống dở, chết dở” vì mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà, khách quen thì không nói, chứ người ở xa về chơi Tết thì không chịu được. “Nhiều lần bạn đến chơi, thấy ở cạnh bãi rác bốc mùi thế này, khuyên chúng tôi nên bán nhà đi nơi khác, nhưng bán cũng khó”, chị Hảo nói.

Người dân sống cạnh bãi rác Nam Sơn: Giao thừa không dám mở cửa - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Khoa sống ngay dưới chân bãi rác Nam Sơn nhưng chưa đồng ý phương án đền bù để di dời. Ảnh: Hoàng Trần

Cách bãi rác Nam Sơn khoảng 300 mét, nhà ông Hứa Văn Quý (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) ngày 31/1 ngập ngụa mùi rác thối. Ông Quý cùng bạn đang thịt lợn để đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Có vẻ như mùi rác đã quen, nên ông Quý và những người thân trong nhà chẳng ai đeo khẩu trang cả. “Mùi mãi quen rồi”, ông Quý nói.

Ông bảo, dù sống cạnh bãi rác, hôi thối là thế, nhưng Tết thì vẫn là Tết, người ta tưng bừng thì mình cũng phải tưng bừng. “Mấy ngày Tết, nhiều khi trong cuộc rượu, nâng ly lên cũng chỉ bàn về mùi rác mấy hôm nay sao nặng thế...”, ông Quý đùa.

Phía bên kia cầu Lai Sơn, ông Phạm Văn Khoa, 70 tuổi và vợ Nguyễn Thị Tâm, 66 tuổi (xã Hồng Kỳ) đang dọn dẹp vườn tược đón Tết. Nhà ông Khoa ở ngay dưới chân bãi rác, khoảng cách chỉ chừng 100m.

Hàng chục năm sống cạnh bãi rác, hai ông bà bảo đã quen mùi như vậy rồi, nên giờ cũng không thấy mùi mấy, dù mùi hôi tỏa ra nồng nặc. Ông Khoa cho biết, những ngày thời tiết thay đổi, nhà ông mới nặng mùi. Tết cũng không thoát khỏi cảnh đó.

Trong vườn nhà ông Khoa, một số cây trồng cũng bị ảnh hưởng, nhiều khi lúa mất mùa, cây bị chết...

Dù bị ảnh hưởng nặng nề như vậy, nhưng ông Khoa cho biết, chắc sẽ còn vài cái Tết ở đây, vì chưa thống nhất được phương án giải phóng mặt bằng với chính quyền. Ngay cả số tiền đền bù ảnh hưởng môi trường cũng chưa được nhận.

Đã cải thiện nhiều?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Triệu Tuấn Đức, Giám đốc Chi nhánh Urenco 8 (Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) cho biết, dự kiến trong dịp Tết, lượng rác đổ về sẽ tăng cao, lên đến gần 7.000 tấn rác/ngày đêm (so với trung bình 4.000 tấn rác hàng ngày).

Cty đã huy động công nhân viên ứng trực, có 2 hố rác đổ đảm bảo xử lý hết rác thải đến hết đêm 30 Tết, dự kiến đến mùng 1 Tết lượng rác sẽ giảm đi đáng kể.

Ông Đức cho biết, không khí xung quanh khu vực bãi rác được cải thiện rất nhiều bởi đơn vị mới ứng dụng công nghệ mới để xử lý mùi.

Một lớp thuốc xử lý mùi được phun lên trên bề mặt những hố rác đã được chôn lấp, tạo một lớp màng phủ khiến mùi hôi từ rác khó phát tán ra ngoài. “Hiện nay chỉ còn các hố đang chôn lấp là còn để hở”, lãnh đạo Urenco 8 cho hay.

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đến nay Trung tâm quỹ đất của huyện đã phối hợp với các xã hoàn thành việc đo đạc bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 trình các sở, ngành liên quan.

Dự kiến đến hết tháng 3/2019, hoàn thành việc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở cũng như tài sản khác gắn liền với đất đối với từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất trong phạm vi cần thu hồi.

Từ ngày 1/4/2019, đơn vị sẽ tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho các hộ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m.

Để hạn chế việc người dân bức xúc tiếp tục chặn xe chở rác, lãnh đạo huyện cho biết đã tuyên truyền vận động người dân về việc di dời. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh công tác GPMB.

Trong vườn nhà ông Khoa, một số cây trồng cũng bị ảnh hưởng, nhiều khi lúa mất mùa, cây bị chết...

Dù bị ảnh hưởng nặng nề như vậy, nhưng ông Khoa cho biết, chắc sẽ còn vài cái Tết ở đây, vì chưa thống nhất được phương án giải phóng mặt bằng với chính quyền. Ngay cả số tiền đền bù ảnh hưởng môi trường cũng chưa được nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại