Vũ khí Mỹ diễu võ dương oai trong tay tử địch: Đồng minh Saudi-UAE "đâm sau lưng"?

Hải Võ |

Một số vũ khí mà Mỹ chuyển giao cho đồng minh Saudi Arabia và UAE đã lọt vào tay Iran cùng các nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qaeda - điều tra của CNN cho hay.

Theo phóng sự điều tra được CNN đăng tải ngày 5/2, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen đã tuồn vũ khí cho Mỹ sản xuất cho các nhóm có liên hệ với al-Qaeda, cùng một nhóm vũ trang Salafi có thủ lĩnh từng "phục vụ" cho chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Yemen.

CNN cho hay, vũ khí Mỹ đã được chuyển tới tay các chiến binh phe đối lập Houthi tại Yemen - lực lượng do Iran hậu thuẫn chống lại liên minh Saudi.

Saudi và UAE can thiệp vào Yemen từ năm 2015 bằng một liên minh quân sự nỗ lực khôi phục chính quyền của tổng thống bị lật đổ Abd-Rabbu Mansour Hadi. Hai quốc gia vùng Vịnh muốn đưa Hadi trở lại nắm quyền sau khi cuộc nội chiến nổ ra giữa những người ủng hộ ông và lực lượng trung thành với Houthi.

Tuy nhiên, điều tra của CNN lại thể hiện rằng liên minh đã cố ý sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất "như một hình thức tiền tệ để mua lòng trung thành của các nhóm vũ trang hoặc bộ lạc, củng cố các bên vũ trang được lựa chọn, và tác động đến tình hình chính trị phức tạp" - theo lời các nhà phân tích và các thủ lĩnh vũ trang.

Theo Lầu Năm Góc, đồng minh vùng Vịnh đã phá vỡ quy định thỏa thuận vũ khí với Washington. Quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng đang có một cuộc điều tra được tiến hành liên quan tới vấn đề này.

Liên minh Saudi ủng hộ kẻ bị Mỹ coi là khủng bố

Vũ khí Mỹ diễu võ dương oai trong tay tử địch: Đồng minh Saudi-UAE đâm sau lưng? - Ảnh 1.

Xe bọc thép Oshkosh của Mỹ được cho là đã lọt vào tay lực lượng al-Abbas ở Yemen (Ảnh: Eastern News)

Đề cập tình hình tại thành phố Taiz, một điểm nóng trong chiến sự Yemen, CNN cho biết al-Qaeda đã thiết lập được "những liên minh có lợi với các nhóm thân Saudi mà họ sát cánh chiến đấu cùng".

Theo đó, Lữ đoàn Abu al-Abbas, bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đã sở hữu các xe bọc thép Oshkosh do Mỹ sản xuất.

Al-Abbas, thủ lĩnh nhóm vũ trang trên, bị Mỹ ban hành lệnh cấm vận vào năm 2017 với cáo buộc tài trợ al-Qaeda và các nhóm khủng bố chi nhánh của IS.

"Liên minh [Saudi Arabia] vẫn ủng hộ tôi," al-Abbas nói trong cuộc phỏng vấn tháng 12/2018 với tờ Washington Post. "Nếu tôi thực sự là khủng bố thì họ đã phải bắt tôi để thẩm vấn rồi."

CNN ngày 5/2 tái xác nhận, lực lượng của Abbas vẫn được liên minh Saudi ủng hộ và đã gia nhập vào Lữ đoàn 35 thuộc quân đội Yemen do liên quân hậu thuẫn.

"Mỹ không ủy quyền cho vương quốc Saudi Arabia hay UAE tái chuyển giao bất kỳ thiết bị nào cho các bên ở Yemen," phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ Johnny Michael trả lời CNN, cho biết thêm Mỹ chưa thể bình luận gì về các vụ điều tra đang chờ đợi kết quả liên quan đến tình trạng vi phạm này.

Vũ khí Mỹ trong tay lực lượng được Iran hậu thuẫn

Theo báo cáo của CNN, vũ khí Mỹ cũng lọt vào tay các tay súng lực lượng Houthi ở Yemen.

Tháng 9/2017, một kênh truyền hình của lực lượng này phát sóng hình ảnh thủ lĩnh cấp cao Mohammed Ali al-Houthi ngồi sau tay lái một xe bọc thép chở quân kháng mìn (MRAP) của Mỹ tại thủ đô Sanaa, trong khi đám đông xung quanh hô to "cái chết cho nước Mỹ".

CNN còn thu được một hình ảnh thể hiện số serie của chiếc MRAP thứ hai nằm trong tay quan chức cấp cao của Houthi vào năm ngoái ở Houdeidah. Chiếc xe này nằm trong đơn hàng trị giá 2.5 tỉ USD mà Mỹ bán cho UAE vào năm 2014.

Tài liệu mua bán mà phóng viên CNN được tiếp cận chứng nhận có "một quyết định đã được đưa ra rằng bên nhận (UAE) có thể cung cấp mức độ bảo vệ tương tự [như Mỹ] đối với công nghệ nhạy cảm".

Hiram Al Assad, thành viên hội đồng chính trị Houthi, xác nhận với CNN rằng các xe MRAP Mỹ vẫn đang nằm trong tay lực lượng này, nhưng bác bỏ thông tin những phương tiện này đã được tình báo Iran tiếp cận điều tra.

MRAP là phần quan trọng trong nỗ lực quân sự của Mỹ nhằm bảo vệ binh sĩ Mỹ trước các thiết bị nổ tự tạo - nguyên nhân chiếm tỉ lệ lớn trong các vụ thiệt mạng của binh lính tác chiến mỗi năm.

"Điều quan trọng là kiến thức về điểm yếu của MRAP không lọt vào tay kẻ thù," CNN nói. "Nhưng đã quá muộn."

Cho đến nay Mỹ là nhà cung cấp vũ trang lớn nhất cho cả Saudi và UAE. Sự hỗ trợ của Mỹ là nhân tố thiết yếu để Riyadh duy trì liên minh quân sự tại Yemen.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đạt thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỉ USD với Saudi . Thỏa thuận được cho là để củng cố an ninh "trước mối đe dọa Iran".

Tiết lộ của CNN làm dấy lên nhiều câu hỏi xoay quanh việc liệu Saudi có đủ trách nhiệm để được cho phép tiếp tục mua các loại vũ khí tân tiến của Mỹ hay các khí tài quân sự khác. Trong số hơn 18.000 cuộc tấn công mà liên minh Saudi-UAE phát động kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Yemen, gần 1/3 lượng bom đã đi nhầm vào các mục tiêu dân thường - theo Yemen Data Project, một tổ chức giám sát cuộc chiến tại Yemen.

Diễn biến trên cũng xuất hiện trong bối cảnh Quốc hội Mỹ cân nhắc giải pháp buộc chính quyền Trump ngưng hỗ trợ quân sự cho Saudi-UAE, liên quan đến nghi vấn Riyadh đứng sau âm mưu sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm ngoái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại