Việt Nam vs Nhật Bản: Ngày Công Phượng chứng minh mình có thể làm tốt hơn việc phát tờ rơi

HIẾU LƯƠNG (TỪ UAE) |

Công Phượng từng tới Nhật Bản chơi bóng cách đây 3 năm. Đến hiện tại, anh vẫn giữ niềm khát khao quay trở lại xứ sở mặt trời mọc chơi bóng, là chơi bóng đích thực, không phải để người đời chỉ nhớ đến hình ảnh một Công Phượng phát tờ rơi tại ga tàu điện.

Công Phượng có lẽ sẽ không bao giờ quên những ký ức tại Nhật Bản vào năm 2016. Năm ấy, chàng trai mới bước sang tuổi 21 khăn gói sang Nhật Bản đầu quân cho CLB Mito Hollyhock ở J.League 2, giải hạng 2 dành cho các CLB ở xứ sở mặt trời mọc.

Dĩ nhiên, Phượng không cô đơn. Đi cùng anh còn có người đồng đội Tuấn Anh thân thiết. Phượng khăn gói lên đường với hành trang là cầu thủ trẻ tài năng bậc nhất bóng đá Việt Nam ở thời điểm đó cùng một chiếc hôn của bầu Đức mang niềm tin và sự tự hào.

Đặt chân đến CLB mới, Phượng cô đơn thật. Anh phải đối chọi khó khăn một mình, bằng chính đôi chân và không thể cưỡng lại được thực tế về khoảng cách trình độ với những cầu thủ bản địa.

Việt Nam vs Nhật Bản: Ngày Công Phượng chứng minh mình có thể làm tốt hơn việc phát tờ rơi - Ảnh 2.

Hình ảnh Phượng phát tờ rơi ở ga tàu điện được nhớ rõ hơn việc anh thi đấu ra sao cho CLB Mito Hollyhock. Ảnh: Mito Hollyhock.

Thế nhưng, sau 3 năm, Công Phượng vẫn muốn quay trở lại đất nước ấy. "Tôi muốn quay lại Nhật Bản thi đấu. Mong muốn của tôi là năm tới có thể được thi đấu ở nơi ấy", Công Phượng không ngần ngại bày tỏ tham vọng.

Đáng chú ý hơn là tính thời điểm, anh nói ở cuộc họp báo trước trận Việt Nam gặp Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019, trước mắt anh có hàng chục phóng viên đến từ xứ sở mặt trời mọc.

Trước đó, Công Phượng nói đến khao khát chiến thắng: "Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần và thể lực để đánh bại Nhật Bản", cùng một sự háo hức lớn vô cùng: "Tôi rất háo hức chờ đợi trận đấu này vì trước kia tôi từng thi đấu ở Nhật Bản".

Phượng nói vậy, bởi lẽ, trong anh cháy bỏng mong muốn được thể hiện để khẳng định bản thân trước Nhật Bản.

Công Phượng của hiện tại đang có quãng thời gian tươi đẹp. Anh là một trong 5 nhân tố gây ấn tượng nhất của đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019 cùng Quế Hải, Quang Hải, Trọng Hoàng và Văn Lâm.

Phượng ghi 2 trong số 5 bàn thắng cho đội, trong đó pha lập công quan trọng vào lưới Jordan ở vòng 1/8 vừa mới kết thúc cách đây 4 ngày.

Hai năm liên tiếp vừa qua, Công Phượng trở thành cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất trong một năm dương lịch khi chạm ngưỡng tuổi 22 và 23.

Sau những con số ấy, Công Phượng không tệ như nhiều người nghĩ. Đạt được con số ấy, tại sao không phải một ai khác mà lại là Công Phượng?

Việt Nam vs Nhật Bản: Ngày Công Phượng chứng minh mình có thể làm tốt hơn việc phát tờ rơi - Ảnh 3.

Phượng muốn ghi bàn để đánh bại đội tuyển Nhật Bản. Ảnh: Hiếu Lương.

Việt Nam vs Nhật Bản: Ngày Công Phượng chứng minh mình có thể làm tốt hơn việc phát tờ rơi - Ảnh 4.

Phượng giữ nguyên hoài bão ra nước ngoài thi đấu. Nhật Bản vẫn là lựa chọn của tiền vệ mới bước sang tuổi 24. Ảnh: Hiếu Lương.

Năm 2016, Công Phượng ra sân vỏn vẹn 5 lần, thi đấu 80 phút, 0 bàn thắng, 0 kiến tạo, 0 dấu ấn trong màu áo Mito Hollyhock. Ở CLB của Nhật Bản, Phượng như một người học việc. Điều quý giá nhất là anh không phủ nhận điều ấy bởi Phượng cũng nhận lại được những giá trị tốt cho bản thân.

"1 năm ở Nhật Bản giúp tôi học hỏi rất nhiều, ví dụ như sự tự tin của bản thân, có những khó khăn để vượt qua chính mình, cải thiện rất nhiều thể lực, học hỏi cách chơi bóng của họ", Công Phượng giãi bày.

Trong những ký ức mơ hồ về Công Phượng ở Mito Hollyhock, nhiều người hâm mộ lại nhớ như in hình ảnh anh phát tờ rơi ở ga tàu điện ngầm. Công Phượng nói đó là việc bình thường khi gia nhập CLB nhưng người hâm mộ thì khác.

Họ kỳ vọng quá nhiều vào việc được chứng kiến anh chứng minh bản thân trên sân cỏ và bởi vì yếu tố đó nhạt nhoà nên câu chuyện hậu trường lại trở nên đậm sâu.

Sau 3 năm, Công Phượng vừa bước sang tuổi 24 đã chững chạc hơn nhiều tuổi 21. Trong tiềm thức về việc bản thân đã mạnh mẽ lên về nhiều mặt, Phượng khao khát được quay trở lại nơi đầu tiên anh xuất ngoại để chứng minh bản thân.

Đó là khát khao và suy nghĩ đáng trân trọng của một cầu thủ Việt Nam dù hiện thực thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Những ngày qua, phóng viên Nhật Bản trong một sự khách quan cao độ đều dò hỏi về những cầu thủ Việt Nam. Đội hình này khác đội hình ở ASIAD thế nào và cầu thủ Việt Nam có muốn sang Nhật Bản chơi bóng không?

Họ tò mò muốn biết và chiều qua Công Phượng đã hồi đáp bằng những câu trả lời chứa đựng nhiều hoài bão nhất.

Trận đấu với đội tuyển Nhật Bản, tứ đại anh hào của bóng đá châu Á, là cơ hội không thể bỏ qua nếu Công Phượng muốn hiện thực hoá giấc mơ Đông du lần thứ hai trong sự nghiệp.

Anh vẫn muốn rời Việt Nam, nơi cho anh nhiều hào quang và tình cảm từ người hâm mộ. Phượng muốn đến một vùng đất mới, được phát tờ rơi như lần đầu tiên nhưng khác biệt trên sân cỏ, để trên mặt báo hay những cuộc thảo luận bóng banh, người hâm mộ nhìn thấy anh đang chạy và thi đấu.

Việt Nam vs Nhật Bản: Ngày Công Phượng chứng minh mình có thể làm tốt hơn việc phát tờ rơi - Ảnh 5.

Lịch thi đấu tứ kết Asian Cup 2019. Ảnh: Quý Sáng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại