Thù địch Nga để "lấy lòng" Mỹ, EU và Nato: Bài học "chơi dao 2 lưỡi" cho Ukraine

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Vụ việc đụng độ vũ trang giữa Nga và Ukraine đã đẩy không chỉ 2 nước láng giềng này mà còn EU, Nato và Mỹ, vào tình thế mới, cục diện quan hệ mới và tương quan lực lượng mới.

Mỹ, EU không muốn tin Nga, cũng không tin Ukraine

Nó làm thay đổi cả mức độ lẫn bản chất mối quan hệ song phương giữa Nga và Ukraine, đồng thời cũng làm cho mối quan hệ của Nga với các đối tác kia không còn được như trước nữa, đặc biệt với EU và Nato.

Vì không muốn tin Nga nhưng lại không thể nhắm mắt tin Ukraine trong diễn giải và biện minh về vụ việc nên Mỹ và EU hiện chỉ có thể tập trung vào việc yêu cầu phía Nga thả những binh lính Ukraine bị Nga bắt giữ. 

Ở đây có sự dụng ý tạo sự mập mờ về pháp lý quốc tế. Việc họ yêu cầu Nga thả những binh lính kia được hiểu ngay và trước hết vì lý do nhân đạo và sẽ nhận được sự đồng tình rộng rãi trên thế giới. 

Nhưng phía Nga đưa ra lý do cho hành động nổ súng và bắt giữ những binh lính này là tầu chiến của Ukraine đã vi phạm lãnh hải của Nga - cho dù Ukraine không công nhận phạm vi lãnh hải ấy. Tức là vì phía Ukraine vi phạm luật pháp quốc tế nên nếu phía Nga đáp ứng ngay yêu cầu của Mỹ, EU và Ukraine thì đâu có khác gì thú nhận rằng đã sai nên phải sửa sai. 

Cho nên tổng thống Nga Vladimir Putin mới thẳng thừng bác bỏ yêu cầu nói trên của Mỹ, EU và Ukraine. 

Cho nên phía Nga chắc rồi sẽ chỉ thả những binh lính kia của Ukraine sau khi toà án Nga đã xét xử và kết tội họ, hoặc trong khuôn khổ thoả thuận song phương nào đấy sau này với Ukraine hay để tỏ thiện chí và vì lý do nhân đạo vào thời điểm khác chứ không phải hiện tại.

Ông Putin tỏ ra không khoan nhượng và sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump huỷ cuộc gặp đã được dự kiến với ông Putin ở bên lề hội nghị cấp cao vừa rồi của nhóm G20 tại Argentina thì lại càng cần phải thế nếu muốn có được tác động mong muốn của thông điệp dằn mặt tất cả các đối tác kia.

Bài học "con dao hai lưỡi" cho Ukraine

Điều chi phối diễn biến tình hình tiếp theo đây ở nơi này và trong mối quan hệ của Nga với Ukraine, Mỹ, EU và Nato là bài học mà các đối tác này có thể và phải rút ra được cho họ từ vụ việc mới xảy ra kia.

Đối với Ukraine, Mỹ, EU và Nato, bài học đó là Nga sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự để khẳng định quyền về chủ quyền đối với Crimea. Đối phó với sự sẵn sàng này của Nga, Ukraine hiện không có đủ tiềm lực về quân sự, Nato không dám can thiệp quân sự và Mỹ không muốn dính líu sâu hơn. 

Những biện pháp chính sách mới của Ukraine đối với Nga càng làm cho Ukraine khó đạt được thoả thuận chính trị nào với Nga hơn trước và càng không giúp Ukraine xoay chuyển tình thế hay cải thiện được tình trạng của mình ở vùng Eo biển Kerch và Biển Azov nói riêng và trong vấn đề Crimea nói chung. 

Ukraine càng tỏ ra thù địch với Nga thì tình thế và tình trạng ấy sẽ chỉ càng thêm bất lợi cho Ukraine cho dù có thể có lợi hơn cho nước này trong quan hệ với Mỹ, EU và Nato. Chiêu thức dùng tăng cường thù địch với Nga để tăng cường quan hệ với Mỹ, EU và Nato là con dao hai lưỡi và rất dễ chuyển thành lợi bất cập hại hay phản tác dụng đối với Ucraine.

Đối với Mỹ, EU và Nato, bài học đấy là phải vừa tăng cường tiềm lực quân sự ở châu Âu, vừa tiếp tục gia tăng áp lực chính trị cũng như kinh tế và thương mại đối với Nga lại vừa phải duy trì các kênh tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Nga. Các đối tác này ý thức được rằng giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine càng thêm cần thiết cấp bách và liên quan đến vấn đề Ukraine thì ủng hộ Nga chứ không phải ngược lại.

Thù địch Nga để lấy lòng Mỹ, EU và Nato: Bài học chơi dao 2 lưỡi cho Ukraine - Ảnh 3.

Đối với Nga bài học đấy là có thể nhượng bộ chuyện khác chứ không thể nhượng bộ trong vấn đề Crimea và phải sử dụng biện pháp quân sự ở mức độ nhất định trực tiếp với Ukraine thì mới ngăn cản được ý đồ của Mỹ và Nato tăng cường vũ trang cho Ukraine để biến Ukraine thành tên lính lê dương trong đối phó Nga ở châu Âu.

Cũng vì những bài học ấy mà có thể thấy Ukraine và Nga tuy còn thù địch nhau dài dài nữa nhưng sẽ kiềm chế để chuyện đụng độ vũ trang vừa rồi không tái diễn trên thực địa. Giữa hai bên sẽ không xảy ra chiến tranh, nhưng cũng còn lâu mới có hoà bình và toàn bộ vấn đề Ukraine càng cách xa thêm giải pháp. 

Vì vụ việc vừa rồi không bị Mỹ đánh giá nghiêm trọng như EU và Nato nên tác động của nó không tiêu cực nhiều tới mối quan hệ giữa Mỹ và Nga bằng tới quan hệ của EU và Nato với Nga. Ông Trump và ông Putin rồi sẽ lại gặp nhau chứ không phải vì chuyện này mà mãi không gặp lại nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại