Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Brunei, báo Nhật tiết lộ tầm nhìn rộng của Bắc Kinh

Thủy Thu |

Theo giới quan sát, mục đích chuyến thăm Brunei của ông Tập Cận Bình xuất phát từ lệnh trừng phạt Iran của Mỹ.

Theo hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã, vào lúc 18 giờ 50 phút chiều tối ngày 18/11 (giờ địa phương), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đoàn tháp tùng đặt chân xuống sân bay quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan, bắt đầu chuyến thăm chính thức Brunei.

Brunei cũng là điểm dừng chân thứ hai của ông Tập sau chuyến công du Papua New Guinea. Đồng thời sau khi kết thúc chuyến thăm Brunei, ông Tập sẽ sang thăm Philippines và trở lại Bắc Kinh dự kiến vào ngày 21/11.

Trước đó, trước thềm chuyến thăm Brunei, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có bài phát biểu được đăng tải trên các kênh truyền thông của Brunei. Ông Tập cho biết, hai nước là những người hàng xóm thân thiện cách biển và Brunei từ xưa vốn là một phần quan trọng của Con đường tơ lụa trên biển.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: "Sáng kiến Vành đai và Con đường do tôi đề xuất đã nhận được phản hồi tích cực và ủng hộ mạnh mẽ từ Brunei, hai bên đã ký một bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa sáng kiến này với chiến lược Tầm nhìn 2035 của Brunei, tạo động lực mới cho sự phát triển của quan hệ song phương".

Đối với chuyến thăm Brunei của ông Tập, tờ Nikkei (Nhật Bản) nhận định, mục đích của Bắc Kinh là nhằm tăng cường quan hệ với các nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú.

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Brunei, báo Nhật tiết lộ tầm nhìn rộng của Bắc Kinh  - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc hội đàm với Quốc vương Brunei vào hôm nay 19/11. Ảnh: Infofoto

Tờ này cho hay, để ngăn chặn việc gián đoạn nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt Iran của Mỹ nên Bắc Kinh phải tìm nguồn dầu thay thế, do đó dẫn tới chuyến thăm Brunei của ông Tập.

Được biết, vào ngày 5/11 vừa qua, Mỹ đã chính thức khởi động lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí và ngân hàng của Iran. Cùng ngày, Washington công bố danh sách miễn trừ - có thể mua dầu thô từ Iran mà không bị phạt - đối với 8 quốc gia và khu vực, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày tuyên bố, Washington tạm thời đồng ý cho 8 quốc gia và khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ... được phép nhập khẩu từ Iran nhưng Washington cũng hy vọng những quốc gia và khu vực này tiếp tục giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran trong những tháng tới.

Ông Lý Thiệu Tiên - chuyên gia về vấn đề Trung Đông, Đại học Ninh Hạ (Trung Quốc) trong cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle (Đức) đã chỉ ra sự bất cập trong lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Phía Mỹ hiểu rất rõ rằng Trung Quốc và Ấn Độ có rất nhiều công ty lọc dầu, họ lắp đặt công nghệ dây chuyền chủ yếu phục vụ chế biến dầu thô của Iran, nếu thay thế bằng nguồn dầu thô có thành phần khác ở những giếng dầu khác thì những thiết bị này không phù hợp, do đó không thể đột ngột cắt đứt nguồn cung cấp dầu thô từ Iran", ông này nói.

Theo luật pháp Mỹ, thời gian miễn trừ lệnh trừng phạt có hiệu lực trong 180 ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại