Vừa đáp xuống Paris, ông Trump đã "mắng" Tổng thống Pháp vì ý tưởng "thành lập quân đội riêng của châu Âu"

Hồng Anh |

Air Force One vừa chạm đất Pháp, Tổng thống Trump liền tweet "phủ đầu" người đồng cấp, chỉ trích lời đề nghị thành lập đội quân châu Âu được cho là "rất xúc phạm" của ông Macron.

Dòng tweet "phủ đầu" của ông Trump dành cho Tổng thống Pháp

Hôm thứ 6 vừa qua (9/11 - theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường tới Paris để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I.

Tuy nhiên, ngay khi chuyên cơ Air Force One vừa hạ cánh xuống đất Pháp, thì "vị khách quý" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại bất ngờ có lời chỉ trích gay gắt đối với chủ nhà trên tài khoản Twitter cá nhân:

"Tổng thống Macron của nước Pháp vừa đề xuất rằng châu Âu nên xây dựng lực lượng quân đội riêng để tự bảo vệ họ trước Mỹ, Trung Quốc và Nga. [Điều đó] rất xúc phạm, nhưng có lẽ châu Âu nên đóng góp cho đủ phần mình trong NATO trước đã, thay vì để Mỹ phải gồng gánh một khoản lớn đến vậy."

Trước đó, hôm thứ 3 (6/11), trên đài phát thanh Europe 1, Tổng thống Macron đã công khai kêu gọi EU xây dựng "đội quân thực sự của châu Âu".

"Chúng ta phải bảo vệ bản thân trước Trung Quốc, Nga, và thậm chí cả Mỹ", ông Macron lập luận.

Ngoài ra, ông Macron còn cho rằng nước Mỹ ngày càng trở nên không đáng tin kể từ sau khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống.

"Khi tôi thấy Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi [Hiệp ước INF], thì ai là nạn nhân chính? Đó chính là châu Âu và an ninh của toàn châu Âu", ông Macron nói. Điều này cũng đã được ông đề cập nhiều lần trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Pháp cho biết ông Trump đã hiểu phát ngôn của ông Macron "ngoài ngữ cảnh", bởi vậy nên ông Macron sẽ đích thân bình luận về dòng tweet trên trong buổi gặp gỡ trực tiếp ông Trump vào thứ 7 tuần này (10/11).

Theo lời quan chức trên, nhà lãnh đạo Pháp không hề có ý nói đến một đội quân riêng của châu Âu, mà muốn thể hiện mong muốn các nước cần hợp tác với nhau tốt hơn, đồng thời cần tài trợ cho các nguồn lực hiện có của châu Âu.

Người này còn giải thích rằng điều ông Macron muốn nói là châu Âu cần có tổ chức tốt hơn để tự bảo vệ chính mình. Một dự án về quốc phòng của châu Âu đã được thiết lập từ trước khi có tuyên bố trên, và sự thực là ông Macron muốn thấy được nhiều khả năng hơn từ dự án này.

"Không phải là đội quân châu Âu. [Tổng thống Macron] không có ý nói rằng châu Âu nên thành lập một đội quân riêng", vị quan chức cho biết. "Tất cả những điều đó là để bổ sung cho lực lượng của NATO, chức không phải để [châu Âu] tách lẻ".

Ngỡ đồng minh định đánh lẻ, TT Trump mắng Pháp té tát: Nhưng tất cả chỉ là... hiểu lầm? - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters.

Căng thẳng leo thang trong mối quan hệ Trump-Macron

Dòng tweet của ông Trump về phát biểu của Tổng thống Pháp cho thấy sự xa cách giữa ông Trump và các nước đồng minh của Mỹ trong những cuộc gặp cấp cao sắp tới. Điểm khác biệt so với lần hội nghị thượng đỉnh G7 đầy căng thẳng hồi tháng 6 vừa qua, đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ tham dự sự kiện kỉ niệm tại Pháp cuối tuần này.

Mối quan hệ giữa hai ông Trump và Macron đã có những bước tiến triển khá nồng ấm sau khi ông Trump đắc cử, nhưng gần đây, dường như mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này ngày càng lạnh nhạt hơn.

Hồi tháng 6 vừa qua, hai ông đã có cuộc điện đàm về vấn đề thương mại và người nhập cư, tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận, cuộc điện đàm này đã diễn ra không mấy tốt đẹp.

"Tệ lắm, [cuộc điện đàm đó] rất tệ", nguồn tin trên cho biết. "Ông Macron thì nghĩ rằng có thể thoải mái nói lên suy nghĩ của mình, nhờ vào mối quan hệ của hai người. Thế nhưng ông Trump lại không chịu được những lời chỉ trích như vậy".

Gần đây, trong cuộc gặp song phương hồi tháng 9, ông Trump thậm chí đã "nổi trận lôi đình" về vấn đề thương mại với Tổng thống Macron, theo một nguồn tin ngoại giao cấp cao.

Giữa hai ông vẫn có mối liên kết, nhưng nó "không còn được như trước nữa", nguồn tin trên nói.

Ông Macron không phải là lãnh đạo châu Âu đầu tiên từng kêu gọi châu Âu phải tích cực và chủ động hơn trong vấn đề quốc phòng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã từng đưa ra đề xuất tương tự hồi tháng 5 vừa qua, sau khi ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định Khí hậu Paris, đe dọa hàng loạt tranh chấp thương mại với châu Âu, và hơn nữa còn thường xuyên chỉ trích NATO.

"Châu Âu cần làm tất cả những gì có thể, trong quyền hạn của mình, để bảo vệ mối liên kết xuyên Đại Tây Dương. Đồng thời, chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những tình huống mà chúng ta phải tự mình hành động", ông Tusk tuyên bố.

Ngoài ra, ông này cho rằng EU cần phải "thấy biết ơn" ông Trump, bởi "nhờ có ông Trump, chúng ta đã thoát khỏi mọi ảo tưởng".

"Nhìn vào những quyết định gần đây của Tổng thống Trump, ai cũng có thể nghĩ rằng: Với những người bạn như vậy, thì ai quan tâm đến kẻ thù nữa chứ?" Sau đó, ông Tusk còn nhấn mạnh: "Ông ấy [ông Trump] đã giúp chúng ta nhận ra rằng, nếu ta cần người giúp đỡ, thì ta phải dựa vào chính mình trước đã".

Dòng tweet của ông Trump hôm thứ 6 vừa qua cho thấy ông vẫn tiếp tục hiểu nhầm về cách hoạt động của NATO, theo CNN. Ông Trump luôn than phiền rằng các thành viên khác của NATO không đóng góp đủ theo thỏa thuận về chi tiêu quốc phòng của liên minh, và cho rằng 28 thành viên khác của NATO đều nợ Mỹ.

Thực tế, xét theo điều khoản đóng góp 2% GDP cho quốc phòng, thì chỉ có một vài thành viên NATO thực hiện được điều đó. Tuy nhiên, trong những năm qua, hầu hết các thành viên còn lại đều đang nỗ lực tăng mức chi tiêu quốc phòng, và đã gần đạt đến mức 2% đúng theo cam kết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại