Điều tra bổ sung vụ Giám đốc “bảo kê” cho 16 nhà xe để chiếm đoạt 1,9 tỷ đồng

NGUYỄN HƯNG |

Phương và đồng bọn dùng chiêu trò “bảo kê” xe vi phạm giao thông ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 16 nhà xe số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Sau hai ngày mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn Phương (43 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Giám đốc Công ty CP Xây dựng và thương mại PNV (viết tắt là Công ty PNV) và 5 bị cáo đồng phạm trong vụ “bảo kê” cho lái xe qua địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để chiếm đoạt tài sản, ngày 8-11, TAND tỉnh Bắc Ninh đã trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung có hay không hành vi nhận hối lộ và đề nghị làm rõ tội danh đối với bị cáo chủ mưu và các đồng phạm.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Phương tự nói với nhiều lái xe rằng, anh ta có quan hệ với một số cán bộ của Phòng CSGT và Thanh tra giao thông của tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Vì thế anh ta có thể “bảo kê” cho các xe ô tô vi phạm luật giao thông chạy trên các tuyến đường thuộc địa phận hai tỉnh này.

Tưởng thật, nhiều lái xe đã gặp Phương để nhờ giúp đỡ. Phương cam kết, nếu các xe ô tô lưu thông trên đường bị người có thẩm quyền kiểm tra thì chủ xe, lái xe thông báo đó là xe ô tô của Công ty An Hùng sẽ được tha.

Trường hợp không được tha thì lái xe hoặc chủ xe gọi điện cho Phương hoặc nhân viên của anh ta để can thiệp. Nếu vẫn bị xử phạt thì lái xe hoặc chủ xe gửi biên lai phạt đến, Phương sẽ nhận trách nhiệm nộp phạt thay.

Sau đó Phương chỉ đạo hai nhân viên Công ty PNV là Phùng Đức Ngọc (32 tuổi) và Lê Văn Hiếu (30 tuổi) thu mỗi xe “bảo kê” từ 1,3 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng một tháng hoặc 200 ngàn đồng một xe, một ngày.

Thời gian thu tiền từ ngày 20 đến 30 hàng tháng. Từ tháng 4 đến tháng 7-2016, Phương và đồng phạm đã thu của 16 nhà xe số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. 

Hành vi vi phạm tội của Phương và đồng phạm được phát hiện khi tổ công tác của Bộ Công an bắt quả tang Ngọc đang nhận 48 triệu đồng của một chủ xe trong một quán cà phê trên đường Lý Thái Tổ, TP Bắc Ninh.

Quá trình điều tra, lúc đầu Phương khai số tiền “bảo kê” thu được đã đưa cho một số cán bộ CSGT. Nhưng sau đó Phương thay đổi lời khai, không thừa nhận việc đưa tiền cho một số cán bộ CSGT như lời khai ban đầu.

Cơ quan tố tụng xác định, không đủ chứng cứ chứng minh hành vi nhận hối lộ của số cán bộ CSGT như lời khai của Phương. 

Với hành vi phạm tội như trên, Phương bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngọc và Hiếu bị truy tố về tội môi giới hối lộ. 

Liên quan đến vụ án này còn có hai bị cáo Trần Huy Lâm (38 tuổi), Ngô Sĩ Bảo (31 tuổi), cùng ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang và Đinh Văn Hải (50 tuổi, ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh) bị truy tố về tội đưa hối lộ.

Tại phiên toà, bị cáo Phương khai, được một cán bộ CSGT ở Bộ Công an giới thiệu với CSGT Công an hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. 

Từ đó, bị cáo Phương đã đưa tiền, nhờ những CSGT ở hai tỉnh này bỏ qua cho các xe quá tải. Các CSGT được Toà triệu tập đều phủ nhận lời khai của bị cáo Phương.

Họ cho biết, bị cáo Phương và nhân viên của Phương nhiều lần gọi điện mời họ ăn nhậu để nhờ không xử lý xe vi phạm nhưng họ đều từ chối.

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Ngọc và bị cáo Hiếu khai, không biết việc bị cáo Phương lừa đảo mà họ chỉ nghĩ Phương có mối quan hệ với CSGT và TTGT nên có thể lo cho các xe quá tải không bị lập biên bản xử lý. 

Vì thế khi Phương chỉ đạo đi thu tiền “bảo kê” của các lái xe thì các bị cáo làm theo.

Ba bị cáo Lâm, Bảo, Hải khai, họ đưa tiền cho hai bị cáo Ngọc và Hiếu để chuyển tới CSGT nhưng không biết số tiền ấy đã bị Phương chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích riêng.

Tiến hành luận tội, đại diện Viện KDND tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên toà nêu quan điểm, bị cáo Phương không đưa được chứng cứ thể hiện đã đưa tiền “bảo kê” cho CSGT. Các CSGT cũng bác bỏ lời khai của bị cáo Phương.

Thực tế thì bị cáo Phương đã dùng chiêu trò “bảo kê” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lái xe và chủ xe chứ không làm trung gian môi giới hối lộ giữa lái xe, chủ xe với CSGT và TTGT như lời khai của Phương.

“Trong tổng số tiền 1,9 tỷ đồng đã thu của 16 nhà xe, riêng bị cáo Phương chiếm đoạt gần 1,7 tỷ đồng. Vì thế, bị cáo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về số tiền đã chiếm đoạt”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.

Sau khi phân tích đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phương từ 13-14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Các đồng phạm của Phương tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị Viện kiểm sát đề nghị mức từ 2 đến 7 năm tù về tội môi giới hối lộ hoặc tội đưa hối lộ.

Sau khi tranh luận và nghị án, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề chưa sáng tỏ. 

Trên cơ sở đó, cơ quan tố tụng vừa không bỏ lọt tội phạm vừa xác định đúng tội danh đối với các bị cáo để ra phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại