Thách thức lớn vây TQ từ mảnh giấy nhỏ của ông Vương Kỳ Sơn đặt ở Bức tường than khóc

Thủy Thu |

Hiện nay Bắc Kinh vẫn thể hiện sự thận trọng giữa hai mối quan hệ với Israel và Palestine bởi nếu chọn ủng hộ Israel, có thể Bắc Kinh sẽ phải đối đầu với cả thế giới Ả rập.

Ngày 24/10, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã ký một thỏa thuận về hợp tác khoa học kỹ thuật với chính phủ Israel - đây là thành quả trong chuyến công du Trung Đông lần này của ông.

Trước chuyến thăm đầu tiên trong vòng 18 năm qua của quan chức cấp cao chính phủ Trung Quốc, truyền thông Israel đã đưa tin rất đậm, tuy nhiên, một số ý kiến lại bày tỏ sự lo ngại khi nước này tiếp cận quá gần Trung Quốc.

Thách thức của Trung Quốc

Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, các hãng truyền thông lớn ở Israel như The Times Of Israel, Voice of Israel, The Jerusalem Post... đã đưa tin tường tận về chuyến công du của ông Vương, bao gồm việc ông hội đàm Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Reuven Rivlin, đặt mảnh giấy với lời cầu nguyện về hòa bình trong một khe hở của Bức tường Than khóc khi tới tham quan thánh địa của người Do Thái ở Jerusalem...

Thách thức lớn vây TQ từ mảnh giấy nhỏ của ông Vương Kỳ Sơn đặt ở Bức tường than khóc  - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tiến hành thăm Israel từ ngày 22-25/10. Ảnh: Ảnh AP

Hãng thông tấn Pháp AFP cho rằng, ông Vương Kỳ Sơn là quan chức cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc tiến hành công du Israel trong vòng 18 năm qua, điều này phản ánh sự liên kết trong mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước không ngừng gia tăng. Cách đây 18 năm, vào năm 2000, Chủ tịch Trung Quốc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã tới thăm Israel.

Tuy nhiên, chuyến thăm lần này của ông Vương Kỳ Sơn đã gây ra những lo ngại vì những nguy cơ mà Trung Quốc có thể mang tới cho nước bản địa.

Tờ Haaretz nhận định, nếu chỉ để thu hút đầu tư mà gần gũi với Trung Quốc, Isreal có thể sẽ sao nhãng trong mối quan hệ với Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể chuyển nhượng lại cho Iran những công nghệ mà Israel bán cho họ, điều này sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Israel.

Trả lời phỏng vấn tờ The Economist, một số quan chức Israel cho biết, việc các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn có thể giúp Bắc Kinh do thám được một số "tài sản nhạy cảm" của Israel, thậm chí có thể tạo điều kiện cho kế hoạch đóng quân của quân đội Trung Quốc.

Ngoài ra, quan chức Israel còn lo ngại rằng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật mạng được bán cho Trung Quốc có thể được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích thu thập và giám sát thông tin tình báo. Điều này có thể đe dọa mối an ninh quốc gia Israel.

Theo Đa chiều, sự lo ngại của Israel phản ánh nỗi sợ của đồng minh Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Tuy nhiên hiện nay, cùng với sự thất thế của Mỹ trong cuộc chiến Syria, an ninh của Israel ngày càng trở nên khó nắm bắt, không chỉ đối mặt với sức đe dọa từ Iran, mà còn do vấn đề Israel-Palestine và sự đối đầu với các quốc gia Ả rập khác thì trong trường hợp này, gần gũi với nước lớn như Trung Quốc, để ngăn chặn nguy cơ từ sự thất thế của Mỹ có thể là sự lựa chọn sáng suốt", Đa chiều bình luận.

Hãng thông tấn Al-Jazeera cho rằng, rất khó để dung hòa hai chính sách của chính phủ Trung Quốc: Một là yêu cầu duy trì quyền lợi chính đáng của người Palestine, chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trên lãnh thổ của người Palestine. Hai là, tăng cường hợp tác với Israel, tăng cường hợp tác trong dự án Vành đai và con đường và hợp tác công nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, hiện nay Bắc Kinh vẫn thể hiện sự thận trọng giữa hai mối quan hệ với Israel và Palestine bởi nếu chọn ủng hộ Israel, có thể Bắc Kinh sẽ phải đối đầu với cả thế giới Ả rập trong khi sáng kiến Vành đai và con đường rất cần sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực này.

Trái ngược với truyền thông Israel, truyền thông Trung Quốc lại đưa tin khá nhạt nhòa về chuyến thăm Israel của Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn.

Các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc như Nhân dân nhật báo, Tân Hoa Xã chỉ đưa tin thông tấn về chuyến công du Israel của ông Vương Kỳ Sơn, đặc biệt không đưa tin ông tới thăm Bức tường Than khóc.

Với các thông tin khiêm tốn này cho thấy, chính phủ Trung Quốc vẫn còn rất nhạy cảm với lựa chọn ngả về Israel hay ủng hộ Palestine. Trước đây, nhắc tới xung đột Israel-Palestine, bộ Ngoại giao Trung Quốc thường lên án hành vi bạo lực của Israel.

Hơn nữa, do Israel là đồng minh quan trọng của Mỹ, để tránh tạo ấn tượng Bắc Kinh lựa chọn đứng về phía Israel nên truyền thông Trung Quốc mới cố ý đưa tin "nhạt nhòa" về chuyến công du của ông Vương Kỳ Sơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại