Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn - người từng được biết đến với biệt danh "cựu trùm đả hổ" đang ở thăm Nga và tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg từ ngày 24-29/5.
Ngày 24/5, ông Vương Kỳ Sơn đã có buổi diện kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Phó chủ tịch Trung Quốc sau khi ông nhậm chức vào tháng 3 vừa qua.
Đáng chú ý, một sự cố nhỏ đã xảy ra tại cuộc tiếp xúc giữa hai ông Vương-Putin. Cụ thể, bước vào phòng họp, sau khi tươi cười bắt tay với nhà lãnh đạo Nga, ông Vương đã nhanh chóng bước về phía ghế ngồi của mình.
Dường như phát hiện cựu trùm đả hổ Trung Quốc vô tình quên "thủ tục" chụp ảnh lưu niệm, Tổng thống Putin đã lập tức níu tay đối phương, đồng thời ông Vương Kỳ Sơn cũng nhận ra tình hình nên đã lưu lại chụp ảnh lâu hơn.
Tổng thống Putin gặp gỡ Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn
Tại cuộc gặp, Phó chủ tịch Trung Quốc đã truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Tổng thống Putin. Theo đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá cao mối quan hệ Trung-Nga, trân trọng tình hữu nghị với Tổng thống Putin, đồng thời mong muốn hai bên cùng hoạch định kế hoạch phát triển cho mối quan hệ song phương và Tổ chức hợp tác Thượng Hải.
Đối với mục đích chuyến công du của Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, ông Vương sẽ trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề phát triển quan hệ song phương, nghiên cứu các hạng mục xây dựng thuộc sáng kiến Vành đai và con đường.
Giới phân tích thì cho rằng, việc cử ông Vương Kỳ Sơn với tư cách Phó Chủ tịch Trung Quốc sang thăm Nga lần đầu tiên sau khi nhậm chức chứng tỏ Bắc Kinh rất coi trọng quan hệ với Moscow. Trên thực tế, chuyến công du đầu tiên của các lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đều chọn địa điểm đến là Liên Xô/Nga.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) nhận định, do đang tìm cách né tránh rủi ro trong quan hệ với Mỹ nên động thái lần này của Bắc Kinh cho thấy tính địa chính trị quan trọng khi hai nước mong muốn tăng cường quan hệ nhằm tránh những nguy cơ từ sự khuếch trương sức mạnh của Mỹ trong giao dịch thương mại và sự vụ quốc tế.
Ông Lý Hưng - chuyên gia về Nga thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng, chuyến công du đầu tiên này cũng cho thấy vai trò quan trọng của ông Vương Kỳ Sơn - người có kinh nghiệm phong phú về giải quyết tranh chấp kinh tế chính trị - trong nền ngoại giao Trung Quốc.
Ông này cũng chỉ ra, do Bắc Kinh và Washington là đối thủ chiến lược, mâu thuẫn giữa hai nước không chỉ tồn tại trong các vấn đề song phương cụ thể; trong khi Trung Quốc cần bảo đảm các mục tiêu "phục hưng dân tộc" của ông Tập nên trong bối cảnh này, rất dễ hiểu tại sao Trung Nam Hải lại muốn có quan hệ tốt với một số nước lớn, đặc biệt là Nga.