Chi 245 triệu USD cho cái bắt tay ngoài vũ trụ với Liên Xô, Mỹ suýt ôm hối hận 43 năm

Trang Ly |

Chiến tranh Lạnh dù chưa kết thúc nhưng Mỹ và Liên Xô đã có cái bắt tay vươn tầm vũ trụ qua sứ mệnh cách đây 43 năm.

Cách đây tròn 61 năm, vào ngày 4/10/1957, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử nhân loại có tên Sputnik 1 lên quỹ đạo Trái Đất. Ngày 4/10 năm đó trở thành ngày mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. 

Ra đời trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang diễn ra căng thẳng, "màn khai hỏa" của Liên Xô làm thức tỉnh người Mỹ, buộc Washington phải bước vào cuộc chạy đua mới trong hành trình phát triển công nghệ không gian và khai phá vũ trụ.

18 năm sau khi cùng Liên Xô bước vào cuộc chạy đua không gian đầy tốn kém, cả hai cường quốc đều khiến thế giới đi từ ngạc nhiên này đến thán phục khác: Nếu như người Liên Xô "có công" đưa người bay vào vũ trụ lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 1961(đọc tại đây) - thì người Mỹ lại "đáp trả" bằng sự kiện lần đầu tiên đưa người đổ bộ Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn vào năm 1969(đọc tại đây)

Thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ 20 khép lại với những thành tựu vũ trụ rực rỡ cũng là lúc cuộc đua vào không gian của hai cường quốc Chiến tranh Lạnh cũng kết thúc. Năm 1975 đánh dấu sự kiện cuộc đối đầu mang tầm vũ trụ này tàn canh. 

Sứ mệnh hàn gắn Mỹ - Xô thời Chiến tranh Lạnh và sự cố khí độc khiến Mỹ  suýt hối hận - Ảnh 1.

Vào tháng 10/1970, 5 năm sau khi người Liên Xô thực hiện được cú hích vũ trụ là đưa người "đi bộ" ngoài không gian đầu tiên trong sứ mệnh của con tàu Voskhod 2, Chủ tịch Viện Khoa học Liên Xô Mstislav Keldysh đã trả lời thư của Giám đốc điều hành NASA Thomas O. Paine bàn về sứ mệnh hợp tác không gian giữa hai nước.

Kế hoạch này được Henry Kissinger - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ủng hộ tuyệt đối. Kết quả, vào tháng 4/1972, Mỹ-Xô ký một Thỏa thuận liên quan đến hợp tác trong thăm dò và sử dụng không gian bên ngoài vì mục đích hòa bình, trong đó có việc cam kết triển khai Dự án thử nghiệm Apollo – Soyuz năm 1975. Phía Mỹ đã chi 245 triệu USD cho dự án này.

Tháng 7/1975, tạm gác những căng thẳng chính trị vẫn còn tiếp diễn trong cục diện Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô lần đầu tiên hợp tác với nhau trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ bằng Dự án thử nghiệm kết nối phi thuyền Apollo và tàu vũ trụ Soyuz ngoài không gian (ASTP).

Theo kế hoạch, Dự án thử nghiệm Apollo – Soyuz thực hiện sứ mệnh kết nối mô-đun chỉ huy Apollo của Mỹ với tàu vũ trụ Soyuz 7K-TM (hay Soyuz 19) của Liên Xô bên ngoài không gian.

Sứ mệnh hàn gắn Mỹ - Xô thời Chiến tranh Lạnh và sự cố khí độc khiến Mỹ  suýt hối hận - Ảnh 2.

5 phi hành gia trực tiếp tham gia Dự án thử nghiệm Apollo – Soyuz. Nguồn: Smithsonian National Air & Space Museum.

Những phi hành gia trực tiếp tham gia sứ mệnh có 1-0-2 trong lịch sử hàng không Mỹ-Xô là: Phi hành đoàn của Apollo gồm 3 người: Chỉ huy Thomas P. Stafford - Phi công mô-đun chỉ huy Vance D. Brand - Phi công Donald K. Slayton. 

Phi hành đoàn 2 người của Soyuz gồm: Chỉ huy Alexey A. Leonov (phi hành gia đầu tiên trong lịch sử "đi bộ" ngoài không gianđọc chi tiết) - và Kỹ sư tàu Valery N. Kubasov.

1. Ngày 15/7/1975: Khởi hành: Tàu vũ trụ Soyuz và mô-đun chỉ huy Apollo được phóng vào không gian. 

Lúc 17 giờ 20 phút giờ địa phương, con tàu Soyuz mang theo hai phi hành gia được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur tiến thẳng vào vùng quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Trong khi đợi kết nối với mô-đun chỉ huy tàu Apollo, Soyuz thực hiện các chuyến bay vòng quanh Trái Đất ở độ cao 221,9km.

7,5 giờ đồng hồ sau khi Soyuz khởi hành, tên lửa đẩy tại sân bay vũ trụ John F. Kennedy cũng đưa Apollo lên đường. Apollo tiến vào vùng quỹ đạo Trái Đất tầm thấp ở độ cao 173,3km.

2. Ngày 17/7/1975: Gặp nhau tại điểm hẹn - Kết nối

8 giờ 51 phút sáng ngày 17/7, Apollo bay lên độ cao 229,4 km cho phù hợp với quỹ đạo của tàu vũ trụ Soyuz để chuẩn bị cho việc kết nối ngoài không gian.

Ngay sau đó, phi hành đoàn hai bên đã có những giao tiếp chào hỏi ban đầu. Tất cả các cuộc hội thoại giữa 5 thành viên trực tiếp tham gia sứ mệnh ASTP đều được thực hiện bằng ngôn ngữ của người nghe, nghĩa là, phi hành đoàn Mỹ nói tiếng Liên Xô, còn phi hành đoàn Liên Xô nói tiếng Anh.

Chỉ huy Apollo Thomas P. Stafford thốt lên trong khoảng khắc hai tàu liên lạc với nhau rằng: "Chúng tôi đã thành công. Mọi thứ đều rất tuyệt vời!"

Vào lúc 15 giờ 17 phút, Soyuz và mô-đun chỉ huy Apollo kết nối thành công. Chỉ huy hai tàu Soyuz và Apollo dành cho nhau cái bắt tay ngoài vũ trụ đi vào lịch sử: "Rất vui được gặp anh" - Chỉ huy Apollo Thomas P. Stafford nói tiếng Liên Xô với Chỉ huy Alexey A. Leonov; "Tôi cũng rất rất vui được gặp anh" - Alexey A. Leonov vui vẻ đáp lại bằng tiếng Anh.

Sứ mệnh hàn gắn Mỹ - Xô thời Chiến tranh Lạnh và sự cố khí độc khiến Mỹ  suýt hối hận - Ảnh 3.

Cái bắt tay lịch sử giữa Thomas P. Stafford (Mỹ) và Alexey A. Leonov (Liên Xô). Nguồn: NASA.

Vào 5 giờ 5 phút sáng ngày 18/7, phi công mô-đun chỉ huy Vance D. Brand (Mỹ) bước vào tàu vũ trụ Soyuz của Liên Xô; đổi lại, chỉ huy Alexey A. Leonov (Liên Xô) cũng bước vào Apollo.

Đến 16 giờ 49 phút cùng ngày, phi hành gia hai đoàn trở về tàu của mình. Trước khi cánh cửa hai tàu khép lại, phi công mô-đun chỉ huy Vance D. Brand nói với phi hành đoàn tàu Soyuz rằng: "Chúng tôi chúc các anh trở về Trái Đất thành công. Tôi chắc chắn rằng chúng ta đã cùng nhau mở ra một kỷ nguyên vũ trụ mới trong lịch sử. Cuộc hội ngộ tiếp theo sẽ diễn ra trên mặt đất."

Sứ mệnh hàn gắn Mỹ - Xô thời Chiến tranh Lạnh và sự cố khí độc khiến Mỹ  suýt hối hận - Ảnh 4.

5 phi hành gia gắn liền với sứ mệnh ASTP đi vào lịch sử. Nguồn: NASA

Hành trình Soyuz và Apollo thực hiện sứ mệnh ASTP đều được truyền trực tiếp trên truyền hình dưới mặt đất qua vệ tinh ATS 6 của NASA phóng ngày 30/5/1974. Cả Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid I. Brezhnev và Tổng thống Gerald Ford chúc mừng các phi hành đoàn và thể hiện niềm tin về một sứ mệnh vũ trụ có 1-0-2 trong lịch sử hai nước sẽ thành công tốt đẹp.

Cuối ngày 18/7, cả Soyuz và Apollo đều hoàn thành sứ mệnh kết nối ngoài không gian thành công mỹ mãn với tổng thời gian kết nối là 19 giờ 55 phút. 

Sứ mệnh cuối cùng cả hai phi hành đoàn phải thực hiện đó là trở về Trái Đất an toàn nữa thôi.

Thế nhưng,

Sứ mệnh hàn gắn Mỹ - Xô thời Chiến tranh Lạnh và sự cố khí độc khiến Mỹ  suýt hối hận - Ảnh 5.

3. Ngày 19/7/1975: Hoàn thành sứ mệnh kết nối - Trở về Trái Đất:

Sau khi tách khỏi mô-đun chỉ huy của Apollo, tàu vũ trụ Soyuz tiếp tục ở ngoài quỹ đạo thêm 30 giờ đồng hồ để các phi hành gia tiến hành các thí nghiệm sinh học với vi sinh vật và nấm.

Vào ngày 21/7, Soyuz hạ cánh thành công xuống mặt đất, cách điểm hạ cánh dự kiến tại sân bay vũ trụ Baikonur khoảng 11km về phía đông bắc, lúc 6 giờ 51 phút. Soyuz hoàn thành sứ mệnh sau 142 giờ 31 phút ngoài không gian. 

Phi hành gia Valery N. Kubasov là người đầu tiên bước ra khỏi tàu, kế đến là chỉ huy Alexey A. Leonov. Sức khỏe của phi hành đoàn đều trong trạng thái tốt. Sau đó, phi hành đoàn được đội cứu hộ đưa về sân bay vũ trụ Baikonur để kiểm tra y tế và thực hiện các cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước.

Không suôn sẻ như các đồng nghiệp của tàu vũ trụ Soyuz, phi hành đoàn trên Apollo gặp phải sự cố nghiêm trọng ngày trở về.

Cũng giống như Soyuz, sau khi hoàn thành sứ mệnh kết nối với tàu vũ trụ của Liên Xô, Apollo và phi hành đoàn ở lại quỹ đạo Trái Đất thêm một thời gian để thực hiện các nhiệm vụ bên lề.

Apollo đã hoàn thành hầu hết 110 nhiệm vụ quan sát Trái Đất được giao. Họ quan sát và chụp ảnh các dòng hải lưu, ô nhiễm đại dương, địa lý sa mạc, xói mòn bờ biển, núi lửa, chuyển động của tảng băng trôi và các kiểu thảm thực vật.

17 giờ 18 phút ngày 24/7/1975, Apollo hạ cánh xuống Thái Bình Dương ở vùng biển cách quần đảo Hawaii 500km về phía tây, và cách tàu cứu hộ U.S.S. New Orleans khoảng 7km.

Dưới sự hỗ trợ của đội cứu hộ, phi hành đoàn của Apollo bước ra ngoài trong sự chào đón của mọi người. Đích thân Tổng thống Gerald Ford gọi điện chúc mừng.

Tuy nhiên, sau khi bước ra khỏi khoang chỉ huy, sức khỏe của cả phi hành đoàn đều có vấn đề, đặc biệt là phần mắt và phổi.

Dữ liệu Apollo và các cuộc hội thoại của phi hành đoàn cho thấy, trước khi đổ bộ xuống Trái Đất họ đã gặp phải sự cố nghiêm trọng, suýt nữa cướp đi tính mạng của 3 phi hành gia.

Theo đó, hệ thống hạ cánh đã gặp phải sự cố kỹ thuật, khiến cho nhiên liệu trong đó có khí độc Nitrogen tetroxide (còn gọi là Dinitrogen tetroxide - Công thức hóa học: N2O4) tràn vào khoang chỉ huy. 

Phi công Donald K. Slayton về sau cho biết, nồng độ khí độc Nitrogen tetroxide đủ cao để giết cả phi hành đoàn. Tuy nhiên, việc chỉ huy tàu hạ lệnh đeo mặt nạ oxy đồng thời kích hoạt hệ thống thông gió đã kịp thời giúp họ thoát nạn trong gang tấc.

Sau khi ra khỏi mô-đun chỉ huy Apollo, phi hành đoàn 3 người nhanh chóng được đưa đến bệnh viện Tripler ở Hawaii để điều trị cho đến ngày 8/8/1975 thì bình phục. NASA và người dân Mỹ như thở phào nhẹ nhõm sau sự cố mà phi hành đoàn gặp phải. 

Trước sự trở về bình an của phi hành đoàn Soyuz bên phía Liên Xô, sự an toàn của phi hành đoàn Apollo ngày trở về lại càng khiến Mỹ nôn nóng. Nếu có bất cứ điều bất trắc gì xảy ra, có lẽ Mỹ sẽ là người ôm hối hận nhất. Bởi chính họ là những người đề xuất thực hiện sứ mệnh hợp tác ngoài không gian có 1-0-2 này.

Sứ mệnh hàn gắn Mỹ - Xô thời Chiến tranh Lạnh và sự cố khí độc khiến Mỹ  suýt hối hận - Ảnh 6.

Sứ mệnh vũ trụ cùng nhau thực hiện và thực hiện thành công giữa Mỹ và Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc này chưa chấm dứt chứng minh một điều: Khi có cùng chung mục đích to lớn ngoài vũ trụ, những căng thẳng chính trị hoàn toàn có thể đặt sang một bên.

Dự án thử nghiệm Apollo – Soyuz đã chính thức khép lại cuộc đua tốn kém vào không gian của Mỹ-Xô, đồng thời mở ra kỷ nguyên hợp tác vũ trụ mới cho toàn nhân loại. Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là một minh chứng.

Đó là câu chuyện của hai quốc gia. Vậy còn đối với đội phi hành gia 5 người trực tiếp thực hiện sứ mệnh lịch sử này thì sao? 

Chỉ huy Apollo và Soyuz là Thomas P. Stafford và Alexey A. Leonov về sau trở thành đôi bạn rất thân. Chính Leonov sau này còn là cha đỡ đầu cho đứa trẻ nhà Stafford. 

Năm 1977, nhà thiên văn học Nikolai Stepanovich Chernykh phát hiện một hành tinh nhỏ và giới khoa học Liên Xô lấy tên sứ mệnh năm 1975 đặt cho nó - gọi là hành tinh 2228 Soyuz-Apollo.

43 năm sau sứ mệnh lịch sử của Mỹ và Liên Xô, người ta vẫn còn nhắc nhiều đến những ngày tháng 2 bên đồng lòng hợp tác, còn nhắc đến khoảnh khắc hai bàn tay nắm chặt giữa không gian, và không thể quên phút cận tử kinh hoàng của phi hành đoàn Apollo...

Ở một khía cạnh nhân văn, Chiến tranh Lạnh đã sản sinh ra những người hùng vũ trụ mà nhờ có họ, loài người mới có những bước tiến vượt bậc về sau.

Sứ mệnh hàn gắn Mỹ - Xô thời Chiến tranh Lạnh và sự cố khí độc khiến Mỹ  suýt hối hận - Ảnh 7.

Thomas P. Stafford (phải) và Alexey A. Leonov trở thành đôi bạn thân về sau. Nguồn: Artem Savateev

       Bài viết sử dụng các nguồn: NASA/History, Smithsonian National Air & Space Museum

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại