Hành vi giết thịt chó, mèo trên thế giới: Bị ngồi tù, phạt tiền hàng trăm triệu đồng

SONG HY |

Những người giết chó, mèo lấy thịt ở Đài Loan có thể bị phạt tới hàng trăm triệu đồng trong khi các hành vi tương tự ở Hồng Kông nếu bị phát hiện sẽ phải ngồi tù vài tháng.

Trong khi ở nhiều nước vẫn coi thịt chó, mèo là món ăn bổ dưỡng, thì một số quốc gia lại coi hành vi này là vô nhân đạo và có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đi kèm.

Từ năm 1950, Hồng Kông ra pháp lệnh cấm giết chó, mèo làm thực phẩm. Bất cứ cá nhân nào nếu vi phạm có thể bị phạt số tiền lên tới 650 USD (15 triệu đồng) và 6 tháng tù giam.

Các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển hay ngược đãi chó mèo thậm chí còn phải chịu mức xử phạt nghiêm khắc hơn với số tiền lên tới 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) và 3 năm tù giam.

Tuy nhiên, Hồng Kông lại không đưa ra quy định cụ thể về cấm ăn thịt chó, mèo.

Hành vi giết thịt chó, mèo trên thế giới: Bị ngồi tù, phạt tiền hàng trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Ăn thịt chó, mèo ở Đài Loan có thể bị phạt tiền lên tới 186 triệu đồng. (Ảnh: AP)


Sau Hồng Kông, Đài Loan trở thành khu vực thứ 2 ở châu Á đưa ra các khung xử phạt nặng đối với hành vi giết chó mèo ăn thịt.

Tháng 4/2017, Đài Loan chính thức thông qua đạo luật bảo vệ động vật, áp dụng mức phạt 250.000 đô la Đài Loan (khoảng 186 triệu đồng) nếu bị phát hiện ăn thịt chó, mèo và 2 triệu đô la Đài Loan (gần 1,5 tỷ đồng) đi kèm với 2 năm tù giam với các hành vi đối xử tàn nhẫn hoặc giết mổ chó, mèo.

Ở Thái Lan, các hành động đánh đập, đâm, thiêu, làm bỏng, bỏ đói, bỏ độc hay bất cứ hành vi ngược đãi nào gây ra nỗi đau về thể chất hoặc tinh thần cho chó, mèo, gây bệnh hoặc khiến chúng tử vong sẽ bị quy thành tội danh hành hạ động vật và đối mặt với án phạt 2 năm tù giam cùng mức nộp phạt 1.663 USD (gần 387 triệu đồng).

Tại thủ đô Manila của Philippines, lệnh cấm giết mổ chó mèo làm thịt bắt đầu có hiệu lực từ năm 1982. Tuy nhiên, điều luật này có một lỗ hổng là cho phép giết mổ chó mèo vào các dịp lễ truyền thống tại địa phương.

Lệnh cấm chỉ mang tính chất răn đe, không có nhiều hiệu quả, tới năm 1998 giới chức Philippines phải tăng hình phạt đối với các hành vi mua bán, giết mổ chó, mèo. Cụ thể, các hành vi vi phạm sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền.

Mặc dù vậy hiện nay, nhiều tỉnh phía Bắc Philippines vẫn coi thịt chó là một món ăn bổ dưỡng và ngang nhiên giết mổ chó công khai.

Giống như Philippines, một số quốc gia châu Á mặc dù ban hành lệnh cấm ăn thịt chó mèo, nhưng lại không có hiệu quả vì các hình thức xử phạt lỏng lẻo. Theo luật pháp Thụy Sỹ giết chó mèo làm thực phẩm là phạm pháp, nhưng thịt chó, mèo vẫn là món ăn phổ biển ở các vùng nông thôn nước này.

Chính quyền Hawaii, Mỹ thông qua điều luật cấm ăn thịt mèo trên đảo từ nhiều năm trước, nhưng không thể xét xử các đối tượng vi phạm vì không tìm được bằng chứng kết tội. Lệnh cấm vì vậy cũng bị nhanh chóng chìm vào quên lãng.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại