NATO khoe có 5.000 chiến đấu cơ sẵn sàng chiến đấu, vì sao Tổng thống Putin vẫn thờ ơ?

Hồng Anh |

Theo báo Toutiao (Trung Quốc), NATO cho rằng họ có lợi thế hơn về không lực so với Nga khi sở hữu 5.000 chiến đấu cơ sẵn sàng đợi lệnh chiến đấu.

Vừa qua, báo Pravda (Sự thật) của Nga đã trích dẫn bài viết được đăng tải trên trang Jinri Toutiao của Trung Quốc bàn về những căng thẳng gần đây trong mối quan hệ của Nga và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Cụ thể, theo bài viết này, trong những năm gần đây NATO đã tăng cường lực lượng quân đội đồn trú tại các khu vực gần biên giới với Nga, với hơn 30.000 quân và hơn 100 xe tăng tại các nước Đông Âu. Trong khi đó, Nga đã bố trí gần 80.000 quân và gần 800 xe tăng tại các căn cứ của nước này ở khu vực biên giới.

Như vậy, nếu so sánh về số lượng binh lính và khí tài trên bộ thì NATO có vẻ yếu thế hơn Nga, nhưng khối liên minh quân sự này lại cho rằng họ có lợi thế lớn hơn về không lực. Theo số liệu của NATO công bố thì liên minh này hiện đang sở hữu khoảng 5.000 chiến đấu cơ sẵn sàng chiến đấu và có thể được huy động "chỉ trong thời gian cực ngắn".

Tuy nhiên, thực tế là các nước thành viên châu Âu của NATO không hề mạnh về không lực. Theo Toutiao, ngay cả nước Đức vốn được coi là "gã khổng lồ" quân sự đáng gờm của châu Âu, hiện nay cũng không thể "đọ" được với Nga về không lực.

Cuối tháng 6 vừa qua, chính Tư lệnh Không quân Đức Ingo Gerhartz cũng đã phải thừa nhận rằng nước này đang thiếu hụt trầm trọng về khí tài và khả năng chiến đấu của quân đội, theo hãng thông tấn Reuters.

Theo báo cáo của Tướng Gerhatz được công bố hồi tháng 6, Không quân Đức sở hữu 128 tiêm kích Typhoon và 93 cường kích Tornado, nhưng hiện nay chỉ có 39 chiếc Typhoon và 26 chiếc Tornado đủ điều kiện sẵn sàng chiến đấu.

Trong khi đó, theo một bài viết trên báo Đức Spiegel hồi tháng 5 năm nay, thì nước này chỉ còn 10 chiếc Typhoon đủ điều kiện tham chiến. Vậy ai sẽ cung cấp số chiến đấu cơ còn lại nếu NATO định tấn công Nga?

Toutiao cho rằng, nếu như ngay cả "gã khổng lồ" Đức hung hăng nhất và sở hữu hầu bao lớn nhất còn lâm vào tình trạng này, thì các thành viên châu Âu khác của NATO có lẽ còn tệ hơn. Ngoài ra, mỗi nước châu Âu lại có những vấn đề và mục tiêu riêng, như vấn đề Brexit của Anh, hay mối quan tâm đối với châu Phi của Mỹ.

Bởi vậy, nên nếu như kịch bản Nga-NATO đối đầu xảy ra, thì có lẽ Mỹ sẽ phải gần như "tự thân vận động" trong cuộc chiến ấy chứ không thể trông chờ vào các đồng minh còn lại, Toutiao nhận định.

Những vũ khí khiến Nga lo sợ trước NATO (P2)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại