Ráo riết chống lại giải phóng Idlib: Mỹ - Phương Tây sợ mất phần trong "miếng bánh Syria"?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Có thể nói Idlib là trận chiến đấu cuối cùng trước khi tuyên bố kết thúc cuộc khủng hoảng tại Syria, ít nhất về mặt quân sự.

Ngày 7/9/2018, Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đã được tổ chức tại Thủ đô Tehran của Iran với sự tham gia của Tổng thống Vladimir Putin, Hassan Rouhani và Recep Erdogan.

Đây là cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba của các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - ba nước bảo đảm ngừng bắn tại các khu vực giảm leo thang căng thẳng tại Syria trong vòng chưa đầy một năm nay.

Về phía Nga còn có Bộ trường Quốc phòng Sergey Shoigu, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và Trợ lý Tổng thống Youri Ushakov tham dự. Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ba nhà lãnh đạo trên diễn ra vào tháng 11/2017 tại Sochi, hội nghị thượng đỉnh thứ hai được tổ chức vào tháng 4/2018 tại Ankara.

Chủ đề chính của thượng đỉnh Tehran là tình hình ở tỉnh Idlib, khu vực cuối cùng của Syria nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng khủng bố. Tình hình tại đây đang hết sức căng thẳng khi một bên là Mỹ, Anh, Pháp và một bên là Nga và Syria đang tập trung một lực lượng quân sự lớn nhất kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Syria năm 2011 đến nay.

Quân đội Syria được sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang Nga và Iran đang chuẩn bị mở cuộc tổng tấn công giải phóng Idlib, còn Mỹ, Anh và Pháp đang tạo cớ cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học để tấn công nước này.

Ráo riết chống lại giải phóng Idlib: Mỹ - Phương Tây sợ mất phần trong miếng bánh Syria? - Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ vừa được tổ chức ngày 7/9 vừa qua. Ảnh: AP.

Tuyên bố chung Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một Tuyên bố chung 12 điểm với nội dung chủ yếu là cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt tận gốc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mặt trận Al-Nusra và tất cả các nhóm khác có liên hệ với Al-Qaida và IS đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc coi là khủng bố.

Tuyên bố nêu rõ "cuộc khủng hoảng Syria không thể giải quyết được bằng quân sự và chỉ có thể đi đến giải pháp thông qua một tiến trình chính trị và đàm phán trong khuôn khổ Đại hội đối thoại dân tộc và nghị quyết 2254 ngày 18/12/2016 của Hội đồng Bảo an."

Ba nhà lãnh đạo cũng khẳng định tiếp tục hợp tác nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị, đồng thời cam kết hỗ trợ việc thành lập và bắt đầu hoạt động của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Syria.

Tuyên bố Tehran cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải ủng hộ tất cả các nỗ lực nhằm giúp đỡ người tị nạn Syria hồi hương và họ kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là LHQ và các tổ chức nhân đạo tăng viện trợ nhân đạo cho Syria, tạo điều kiện cho việc khôi phục cơ sở hạ tầng, trong đó có các công trình kinh tế - xã hội và bảo tồn di tích lịch sử của đất nước.

Syria và Nga hạ quyết tâm giải phóng Idlib

Hiện nay, Idlib còn lại là khu vực duy nhất ở Syria nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm khủng bố. Một số lượng lớn các chiến binh đồng ý rút khỏi các khu vực giảm leo thang căng thẳng khác đã tập trung về đây. Theo ước tính, tại tỉnh Idlib có khoảng 10 ngàn chiến binh kiểm soát hầu hết khu vực với dân số trên dưới 3 triệu người.

Các nhóm khủng bố hiện tập trung tại khu vực giảm leo thang căng thẳng ở tỉnh Idlib đang tìm cách phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn. Chúng không chỉ khủng bố dân thường, mà còn nhiều lần dùng máy bay không người lái tấn công các căn cứ quân sự của Nga tại Syria.

Ngày 4/8/2018, các lực lượng này đã thành lập một liên minh dưới cái tên "Mặt trận Giải phóng Quốc gia", chuẩn bị cho kế hoạch tấn công các lực lượng chính phủ. Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các chiến binh với sự giúp đỡ tình báo của một số nước phương Tây đang chuẩn bị dàn dựng việc sử dụng vũ khí hóa để đổ lỗi cho chính phủ.

Mặc dù không đạt được đồng thuận với Thổ Nhĩ Kỳ tại thượng đỉnh Tehran và sự đe dọa của Mỹ và phương Tây, các lực lượng chính phủ Syria và Nga vẫn tiếp tục không kích các vị trí đóng quân của các nhóm khủng bố.

Syria, Nga và Iran quyết tâm quét sạch các lực lượng khủng bố tại Idlib. Tổng thống R. Erdogan đang đứng trước sức ép của các đảng đối lập trong nước, đứng đầu là đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải hợp tác với chính quyền của Tổng thống B. Al-Assad để giải quyết vấn đề Idlib.

Ráo riết chống lại giải phóng Idlib: Mỹ - Phương Tây sợ mất phần trong miếng bánh Syria? - Ảnh 3.

Lực lượng quân đội Syria. Ảnh: Sputnik

Syria quyết tâm giải phóng Syria để củng cố thắng lợi và vị thế của mình trên chiến trường trước khi nối lại các cuộc đàm phán với các lực lượng đối lập nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột có lợi cho mình.

Đối với Nga, giải phóng Idlib sẽ khẳng định vai trò cường quốc của Nga không những ở khu vực Trung Đông mà còn trên trên phạm vi toàn cầu.

Mặt khác, việc duy trì sự có mặt quân sự lớn lâu dài tại Syria sẽ hết sức tốn kém, đặc biệt trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn do Mỹ và phương Tây cấm vận và chưa thể phục hồi một cách vững chắc. Nga muốn giải quyết sớm tình hình Syria để có thể rút quân dần dần về nước.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối cuộc tấn công của quân đội Syria vào Idlib?

Tỉnh Idlib nằm ở phía Tây-Nam Syria sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt năm 2017, Ankara đã duy trì sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Idlib nằm gần khu vực của người Kurd ở Afrin, nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự "nhành Ô liu" tháng 1/2018.

Thổ Nhĩ Kỳ là nước đảm bảo an ninh cho tỉnh Idlib, là một trong bốn khu giảm leo thang căng thẳng theo thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga năm 2017.

Năm 2017 Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thiết lập bốn khu vực giảm leo thang căng thẳng trên lãnh thổ Syria trong đó có Idlib. 

Ba nước cam kết bảo đảm việc chấp hành ngừng bắn tại các khu vực này. Đồng thời, việc ngừng bắn không áp dụng cho các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Al- Nusra.

Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Nga và Iran dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục chính quyền của Tổng thống B. Al-Assad ngừng cuộc tấn công vào Idlib.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay cuộc tấn công vào Idlib là đi ngược lại thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran được Damascus chấp thuận về việc thành lập các khu vực giảm leo thang căng thẳng, đồng thời sẽ "mang lại rủi ro nghiêm trọng về mặt an ninh và nhân đạo".

Ankara lo ngại một hành động quân sự như vậy có thể tạo ra một làn sóng người tị nạn tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn các bên tôn trong lệnh ngừng bắn trên địa bàn tỉnh Idlib. Sau cuộc tấn công của không quân Nga ngày 4/9/2018 vào Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với Nga rằng họ coi những hành động này là vi phạm thỏa thuận về ngừng bắn và các khu giảm căng thẳng.

Ankara cho rằng, cuộc tổng tấn công của quân đội Syria vào Idlib sẽ làm mất đi tất cả những thành tựu của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. 

Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là tìm cách thuyết phục nhóm khủng bố tự giải giáp hoặc rút khỏi Idlib để tránh đổ máu và giữ được thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thống Nga V. Putin đã chuyển tải các thông tin này tới các đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để làm rõ sự cần thiết phải loại bỏ mối đe dọa khủng bố ở Idlib bằng bất kỳ giá nào, đặc biệt cần thuyết phục Tổng thống R. Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ là người rất lo ngại cuộc tấn công của quân đội Syria sẽ gây ra một dòng người tị nạn mới tràn vào đất nước mình.

Ông R. Erdogan đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống V. Putin để bàn phương cách tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình hình xung quanh khu vực giảm căng thẳng ở Idlib.

Vì sao Mỹ và phương Tây ráo riết chống lại việc giải phóng Idlib?

Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, Anh và Pháp có lợi ích lớn ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng đang ráo riết tìm cách ngăn cản quân đội Syria tấn công Idlib.

Có thể nói, việc giải phóng Idlib, dinh lũy cuối cùng của các lực lượng khủng bố sẽ dẫn đến khả năng kết thúc của cuộc xung đột quân sự kéo dài tám năm ở Syria, Mỹ và phương Tây sẽ không có phần hoặc được phần rất nhỏ trong chiếc bánh Syria.

Đối với Mỹ và phương Tây, giải phóng Idlib còn có nghĩa là kế hoạch chia cắt Syria của họ đứng trước nguy cơ thất bại.

Ráo riết chống lại giải phóng Idlib: Mỹ - Phương Tây sợ mất phần trong miếng bánh Syria? - Ảnh 6.

Mặt khác, Mỹ và phương Tây không thích kịch bản này vì sẽ không còn con bài nào nữa để gây sức ép lật đổ chính quyền của Tổng thống B. Al-Assad và để mặc cả về việc rút quân Iran, đồng thời ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Iran ở Syria và khu vực.

Mục đích chính của Washington ở Syria là loại bỏ chế độ B. Al-Assad và rút các lực lượng Iran khỏi Syria.

Có thể nói Idlib là trận chiến đấu cuối cùng trước khi tuyên bố kết thúc cuộc khủng hoảng tại Syria, ít nhất về mặt quân sự.

Tình hình tại Syria hiện nay cho phép thực hiện một bước ngoặt về chất theo chiều hướng tốt hơn tiến tới tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng khủng bố tại nước này để bước vào một tiến trình chính trị nhằm tìm ra giải pháp đem lại hòa bình cho nhân dân Syria.

Vì những mục tiêu lớn hơn Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thỏa hiệp về Idlib. Để tránh đổ máu và khỏi bị tiêu diệt, các lực lượng đối lập đang tính khả năng hạ vũ khí và thỏa thuận với chính quyền Damascus về Idlib như đã từng diễn ra tháng 4/2018 tại Đông Ghouta.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Video người dân xếp đồ đạc rời khỏi Idlib (nguồn: Al-Zahraa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại