Giải mã bức hoành trong Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình

Xuân Ba |

Chớm đặt chân lên các bậc thềm đá dẫn vào dinh thự nhà Vương, một bức hoành nền đỏ chữ vàng rờ rỡ bốn chữ Biên Chính Khả Phong. Phải bắc ghế lên thì mới đọc được hai dòng lạc khoản phía bên trái và phải của bức hoành.

Cung tụng

Bang tá Vương Công Chính Đức Đức Chính

Khải Định Bát Niên Mạnh Đông Sướng Nguyệt Phúc Đán công lập

Tạm hiểu:

Việc trị vì bằng Đức của vị Bang tá tên Chính Đức

Hoành phi được lập vào tháng 10, tháng 11 năm Khải Định thứ 8 (1923)

Vua Khải Định phong cho vua Mèo hàm (tượng trưng) là Bang tá phụ trợ triều đình trong việc đặc trách điều hành xứ miền cao này, mặc dù trong thực tế, vua Mèo là vị vua toàn quyền toàn xứ.

Nội dung bức hoành Biên Chính Khả Phong nghĩa là.

Giải mã bức hoành trong Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình - Ảnh 1.

Bức hoành: Biên Chính Khả Phong.

Cách trị vì (của ông) ở miền biên cương này đáng làm mẫu mực để mà lan toả khắp vùng.

Về ngữ nghĩa của bức hoành, hiện tại vẫn còn nhiều văn bản, bài viết với cách đọc thuận miệng nhưng không chính xác thành Biên Chinh Khả Phong.

Vì đọc sai hiểu lệch nên bốn chữ trên bức hoành thành nghĩa là Triều đình khen ngợi vua Mèo trong việc chinh chiến bình định nơi biên cương!?

Nhưng Chinh Chính là hai chữ với nghĩa biệt lập và kiểu viết khác nhau. Chinh là chinh chiến. Chính, nghĩa là hành chính kỷ cương.

Tại bức hoành này, Biên là biên cương. Chính là hành chính. Biên chính là việc kỷ cương hành chính tại miền biên viễn. Bốn chữ Biên Chính Khả Phong với nghĩa Cách trị vì (của ông) ở miền biên cương này đáng làm mẫu mực để mà lan toả khắp vùng.

Phía dưới bức hoành Biên chính khả phong có một liễn đối nay đã mờ nhòe. Nhớ năm 1999, được hầu ông Vương Quỳnh Sơn lên Đồng Văn ghé Nhà Vương, liễn đối này còn khá rõ.

Vậy mà mới 18 năm nay đã lòe nhòe rêu phong. Nếu chưa biết, giờ khó mà luận ra! May mà hồi ấy tôi còn chép lại được.

Môn củng tử thần, gia tăng phước thọ

Đại khai hoàng đạo, đường hiện trinh tường

(Tạm hiểu : Cửa được trổ đất sinh thiên tử, gia đình được tăng phước thọ

Hoàng đạo khai thông rộng mở, chốn quan hiển hiện điềm lành)

Cặp câu đối này có ý khen tặng cái thế đất mà ông thầy địa lý, phong thủy nào đó đã chọn cho cụ Vua Mèo Vương Chính Đức xây dinh thự. Cái hay hoặc điểm nhỡn của liễn đối là chữ tử thần.

Tiếp ngay sau đó là chữ gia. Tử đây là sắc tía. Thần là nơi ở của bậc cao minh cỡ vua chúa. Có tích cũ rằng, nơi ở cỡ vua chúa thường có cây phong. Tiết thu sương, lá phong thường ánh lên sắc đỏ tía.

Chốn ấy được gọi là cung cấm và có tên phong thần là vậy. Nhưng vừa chót vót cao sang là thế thoắt trở nên dung dị bởi chữ gia hiền lành.

Gia là nhà, là gia đình. Thế đất tuy cửa trổ ra phía có khí mạch vượng địa tầm cỡ đế vương nhưng với địa vị của nhà ta khiêm nhường chỉ là tăng thêm phần phước thọ mà thôi.

Có người hiểu và chuyển ngữ chữ Đường thành chốn quan trường để đối với gia ở trên. Nhưng theo thiển ý của người viết bài này đường ở đây cũng hàm nghĩa chữ nhà.

Tổ hợp từ Phúc mãn đường (phúc lành đầy nhà) vốn đã phổ biến rộng khắp. Trên câu đầu (nóc gian giữa dưới thượng lương nhà) các nhà cổ thường có mười chữ Phú quý thọ khang ninh/ Càn nguyên hanh lợi trinh. Trinh hàm nghĩa điềm lành.

Trinh tường trong liễn đối nhà Vương cũng hàm nghĩa ấy. Vậy nên tạm phiên ra để hiểu là một việc. Còn dịch cho rành rẽ thông tỏ quả hơi bị khó?

Phía tiền dinh còn một liễn đối nữa. Khác với liễn đối dưới bức hoành đã mờ nhòe, nó được tô khá nét.

Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/ Môn phong lưu quý khách vãng lai.

(Tạm hiểu: Nhà tích thiện người hiền qua lại/ Cửa (nhà) phong lưu khách quý vãng lai)

Liễn đối này có số phận cũng lận đận. Như ông Vương Quỳnh Sơn từng bộc bạch năm 1999 rằng, vế thứ 2 đã bị thay đi hai chữ. Hai chữ ấy là hào kiệt.

Nguyên tác từ khi dựng nhà Vương giữa những năm 20 của thế kỷ trước là Môn phong lưu hào kiệt vãng lai.

Cứ như lời cụ Vương Quỳnh Sơn, quãng cuối những năm 30 ấy, Pháp bãi bỏ chế độ người Mông tự quản. Mấy lần viên công sứ ghé nhà Vương ở Sà Phìn.

Vốn thông thạo tiếng ta và cả chữ Hán nên viên công sứ nọ mỗi khi ngà ngà rượu lẫn vài bi thuốc phiện được khoản đãi, ông ta khẩn khoản gần xa với cụ Vương Chính Đức rằng hai chữ hào kiệt trong vế đối kia bị hơi chuế? Cụ nghĩ sao?

Chủ nhà khi ấy thừa biết viên công sứ có ý răn, ngăn cái chí của cụ Vương luôn hào phóng thịnh tình chiêu hiền đãi sĩ, tụ tập môn khách của vị vua Mèo có tiếng là bất trị này!

Môn khách mà cụ Vương chiêu hiền đãi sĩ là những dạng hào kiệt. Hào kiệt thì mới có thể làm loạn, làm cộng sản được. Rằng, viên bang tá muốn cảnh báo, làm gì thì làm nhưng đừng có mà làm loạn! Huống hồ chế độ tự trị đã được bãi bỏ…

Để tránh rắc rối, cụ Vương cho bỏ hai chữ hào kiệt thay bằng quý khách. Thì hào kiệt cũng là dạng quý khách vậy!

Viết đến đây chợt nhớ, vừa mới rồi, trên các phương tiện truyền thông ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang đã thừa nhận cơ quan chức năng cấp sổ đỏ nhà Vương cho Phòng văn hóa thông tin Đồng Văn là sai lầm.

Nhưng ông Quý cũng cho biết với đề nghị “trả lại quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự” của ông Vương Duy Bảo, lãnh đạo Hà Giang nói “sẽ tính sau”. Và nữa “Nếu gia đình ông Bảo chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp thì mới được cấp sổ đỏ”.

Tất nhiên ông Vương Duy Bảo và người nhà Vương thiếu chi những chứng cứ để chứng minh quyền thừa kế? Nhưng theo thiển ý của người viết bài này, nội bức hoành và đôi liễn đối ở nhà Vương như vừa mạo muội nói trên thì nó có giá trị như một thứ chứng cứ để phục vụ cho quyền thừa kế để cấp sổ đỏ cho nhà Vương được lắm?

Bức hoành cùng liễn đối ấy như một thứ tộc phả, gia phả như một thứ bằng khoán điền thổ cô đọng hàm súc về ngôi nhà Vương, chủ nhân là các vua Mèo.

(Còn nữa)

Bức hoành và cặp liễn đối hiện diện ở nhà Vương đã hơn một thế kỷ không chỉ từng đượm, nhuốm cái không khí, hơi hướng của chủ nhà và các thành viên nhà Vương, mà ngữ nghĩa của bức hoành cùng liễn đối đã toát lên cái gia thế địa vị riêng có của các thế hệ vua Mèo chả thể đem treo ở một nhà khác nơi khác được?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại