Trần Anh tiếp tục lỗ dù đã về với Thế giới di động

Nguyễn Việt |

Báo cáo tài chính quý I bắt đầu từ ngày 1/4 của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh ghi nhận hàng loạt khoản mục biến động theo chiều giảm mạnh.

Bên cạnh việc doanh thu thuần sụt 7% chỉ còn 976 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp về bán hàng cũng bị ảnh hưởng lớn sau khi công ty sáp nhập vào Thế Giới Di Động.

Hầu hết chi phí được cắt giảm đáng kể, điển hình là lãi vay giảm hơn 7 tỷ đồng xuống còn 160 triệu, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm năm lần xuống còn khoảng 2 tỷ đồng... Tuy nhiên, khoản lợi nhuận gộp xấp xỉ 107 tỷ đồng vẫn không đủ bù đắp nên buộc công ty phải báo lỗ ròng quý thứ tư liên tiếp.

Điều này khiến lũy kế lỗ sau thuế chưa phân phối tiến sát mức 60 tỷ đồng. Một trong những điểm sáng hiếm hoi của Trần Anh giai đoạn này là khoản lỗ dần được thu hẹp so với quý liền kề trước đó.

Từng đứng đầu trong làng điện máy Hà Nội nhưng hiện nay, Trần Anh không những không giữ được vị trí của mình mà còn trượt dài với những khoản lỗ xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh sự trỗi dậy của Thế giới di động và sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ khác, nguyên nhân khiến Trần Anh đi lùi là "biết" vay vốn ngân hàng và không duy trì chiến lược cạnh tranh về giá.

Trần Anh bắt đầu có mối quan hệ nợ vay với ngân hàng từ quý 2/2013. Đó là thời điểm công ty này ôm mộng mở rộng quy mô hoạt động. Trong năm đầu tiên đi vay vốn, lợi nhuận sau thuế của Trần Anh giảm sâu từ 31 tỷ đồng của năm 2012 xuống chỉ còn 3,1 tỷ đồng.

Kể từ đó đến nay, Trần Anh không ngừng đi vay. Tính tới cuối năm 2016, tổng nợ tại Trần Anh lên tới 1.126 tỷ đồng trong khi lợi nhuận thu về chỉ đạt 21,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2012 - thời gian Trần Anh chưa đi vay.

Khi soi kỹ vào một số chỉ số tài chính của Trần Anh, ông Trần Kinh Doanh, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế Giới Số Trần Anh (TAG) từng đánh giá, nếu so sánh một cửa hàng của Điện máy Xanh và Trần Anh, để tạo ra một doanh thu như nhau, lãi gộp Điện Máy Xanh cao hơn Trần Anh từ 5 - 6%. Chi phí của Trần Anh cũng cao hơn Điện Máy Xanh khoảng 3%.

Chi phí khác biệt nhất theo ông Doanh là chi phí thuê mặt bằng. Chẳng hạn, để tạo ra 10 tỷ doanh thu, Điện Máy Xanh chỉ cần một siêu thị diện tích 700 - 800 m2 nhưng Trần Anh cần tới 1.500 - 2.000 m2.

Ở một “diễn biến” khác, trong một buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT của Thế giới di động từng cho biết, bài toán lớn nhất của công ty này sau vụ M&A là làm thế nào để “ông nhất” Trần Anh.

Ông Tài tiết lộ, công ty cam kết giữ lại 100% nhân viên ở khối siêu thị nhưng không đưa ra lời hứa nào với khối quản lý trở lên. Kết quả sau phỏng vấn thì 99,9% không giữ lại đội ngũ quản lý nhưng giữ lại 99,9% đội ngũ nhân viên, dù cũng bị hao hụt sau đó vì văn hoá khác biệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại