Những bậc thiên vương tuấn tú, hoàng hậu đẹp nghiêng nước nghiêng thành... thế nhưng "tình trường khó nói"

Min |

Nhìn họ người ta nghĩ đến những câu chuyện tình diễm lệ, ngôn tình. Thế nhưng thực tế thì rối ren, phức tạp hơn nhiều...

Khi tình tiết trong phim Diên Hi công lược có cảnh hoàng hậu và Thuần Phi thường đóng cửa trong phòng bất kể ngày đêm, không cho phép ai quấy rầy, rồi Thuần Phi còn giúp hoàng hậu trút bỏ xiêm y, người ta đã dấy lên nghi ngờ: Có hay không chuyện tình yêu đồng tính thời phong kiến Trung Quốc - cái thời vô cùng khắc nghiệt ấy?

Thế nhưng, sự thật trong lịch sử, chuyện tình yêu cùng giới vẫn xảy ra nhan nhản. Thậm chí chính những vị hoàng đế phong kiến cũng cổ súy chuyện này.

"Thành viên" của cộng đồng LBGT đã xuất hiện từ thời Xuân Thu

Thời Xuân Thu, vua nước Vệ là Vệ Linh Công đã đem lòng sủng ái một người đàn ông tên Di Tử Hà. Di Tử Hà sở hữu vẻ đẹp khôi ngô tuấn tú, thông minh, ông là họ hàng thân thích của Tử Lộ - một học trò giỏi của Khổng Tử.

Sử sách kể lại một số dẫn chứng về tình cảm mà Vệ Linh Công đã dành cho Di Tử Hà. Một ngày, Di Tử Hà vô cùng lo lắng khi nhận được tin mẹ lâm trọng bệnh. Ông vội vã lấy xe của Vệ Linh Công về thăm mẹ.

Theo luật lệ lúc bấy giờ, nếu lấy trộm xe của vua phải chịu hình phạt chặt chân.

Nhưng trái lại, khi Vệ Linh Công biết rõ sự tình, vua không những không giận mà còn lớn tiếng ca ngợi chàng là người hiếu thuận, vì mẹ sẵn sàng chịu nguy hiểm.

Một lần khác, Di Tử Hà theo Vệ Linh Công đi tản bộ trong vườn hoa. Khi thấy một quả đào trên cây đã chín, ông liền hái xuống ăn ngon lành ngay trước mặt vua.

Sau đó, Di Tử Hà mới đưa trái đào đã cắn dở cho vua ăn. Vệ Linh Công vừa thưởng thức đào vừa khen " người tình ": "Khó mà có được tấm lòng trung như ái khanh".

Những bậc thiên vương tuấn tú, hoàng hậu đẹp nghiêng nước nghiêng thành... thế nhưng tình trường khó nói - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chỉ một sự việc nhỏ trên nhưng sau đó rất lâu, hễ gặp ai Vệ Linh Công đều khoe rằng Di Tử Hà rất yêu quý mình, một quả đào ngon cũng chia cho vua ăn cùng.

Nhưng rồi thời gian qua đi, Vệ Linh Công sinh ra chán ghét đối với Di Tử Hà. Sau đó, vị vua nước Vệ này lại sủng ái một người đàn ông khác là đại phu Công Tử Triều.

Cũng vì dung mạo khôi ngô xuất chúng mà Công Tử Triều được vua Vệ Linh Công sủng hạnh, tự do ra vào cung cấm, gây không ít lời bàn tán trong cung.

Tuy nhiên, Công Tử Triều không dành tình yêu duy nhất cho vua mà còn đem lòng yêu một người con gái trong hậu cung. Trớ trêu thay, đó lại là vương hậu Nam Tử của Vệ Linh Công.

Suốt một thời gian dài, Công Tử Triều và nàng Nam Tử tư thông với nhau gây động loạn cả cung cấm.

Dẫu vậy, sau khi dẹp loạn, hai người kia thì đã trốn sang nước Tấn nhưng vua nước Vệ vẫn còn yêu mến Công Tử Triều. Ông mượn cớ là mẫu hậu tưởng nhớ nàng con dâu Nam Tử gọi Công Tử Triều về nước.

Hán Văn Đế và người tình bước ra từ giấc mơ

Ở thời Hán Văn Đế Lưu Hằng (202 TCN – 157 TCN) tương truyền, cả đời ông có yêu một người đàn ông, tên Đặng Thông. Câu chuyện tình bắt đầu từ giấc mơ lên trời của Hán Văn Đế.

Ông mơ rằng mình được một người đầu quấn khăn vàng giúp lên đến Nam Thiên Môn khi ông dùng sức 9 trâu 2 hổ cũng không lên được trời. Vua định cảm ơn thì người đàn ông đã đi mất từ lúc nào.

Hôm sau, khi Hán Văn Đế đi chơi bỗng nhìn thấy Đặng Thông - một thủy thủ đầu quấn khăn vàng, giống hệt người trong mộng. Ông bèn nghĩ đó là điềm báo nên từ ấy vô cùng sủng ái Đặng Thông, ban thưởng vinh hoa phú quý.

Những bậc thiên vương tuấn tú, hoàng hậu đẹp nghiêng nước nghiêng thành... thế nhưng tình trường khó nói - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Mối tình của họ ngày càng khăng khít, nồng thắm.

Đặng Thông cũng rất yêu và cảm động trước tình cảm vua dành cho mình. Có lần, lưng Hán Văn Đế có nhọt, máu mủ chảy ra liên tục, Đặng Thông chẳng quản ngại đã dùng miệng hút mủ ra cho " người tình ".

Sau này, Hán Văn Đế đã than rằng: "Đặng Thông còn yêu ta hơn cả thái tử". Chính câu nói ấy đã khiến thái tử Lưu Khải ôm hận " người tình " của cha.

Sau khi Hán Văn Đế qua đời, Lưu Khải lên ngôi liền bãi miễn chức quan của Đặng Thông, tịch thu tài sản, khiến ông này qua đời trong cảnh đói rét.

Trần Văn đế muốn lập đàn ông làm hoàng hậu

Hàn Tử Cao, dã sử còn gọi là Trần Tử Cao, vốn tên thật là Man Tử. Hàn Tử Cao là người Sơn Âm, Lương Triều, vốn xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn, phải mưu sinh bằng nghề khâu giày.

Với dung mạo phi thường nhưng Tử Cao lại tình nguyện vào cung Nam Triều, tận tâm hầu hạ Trần Văn đế Trần Tây.

Vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại của Hàn Tử Cao giờ đây cũng được nhìn nhận dưới góc độ của một kẻ "không ra nam, cũng chẳng ra nữ". Từ khi vào cung, Hàn Tử Cao và Trần Tây quấn quýt nhau như hình với bóng, mặc lời gièm pha của người trong cung lẫn quần thần.

Sử sách chép rằng, Trần Tây có hai tật xấu nổi tiếng: Một là thích đánh người và hai là không ngủ qua đêm ở phòng của bất kỳ ai khác, kể cả vợ.

Tuy nhiên, kể từ sau khi có Hàn Tử Cao, lần đầu tiên Trần Tây phá lệ, thường xuyên đến phòng của Hàn Tử Cao ngủ qua đêm.

Những bậc thiên vương tuấn tú, hoàng hậu đẹp nghiêng nước nghiêng thành... thế nhưng tình trường khó nói - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Đỉnh điểm của mối quan hệ lệch lạc này là việc Trần Tây ngỏ ý muốn phong Hàn Tử Cao làm hoàng hậu.

Nhưng đây là việc từ cổ chí kim chưa một ai dám làm. Trần Tây tuy lòng có ý nhưng vẫn băn khoăn, Hàn Tử Cao bèn nói: "Từ thời cổ đại đã có nữ vương thì tất cũng phải có nam hoàng hậu. Nếu như chúa công có ơn, tôi có chết cũng cam lòng".

Tuy nhiên, việc ngược đời này chưa kịp thực hiện thì những hành động yêu chiều người tình của Trần Tây đã khiến vương triều biến loạn.

Sau những biến cố triều chính, Trần Tây lâm bệnh nặng.

Tử Cao không khác gì một người vợ thương chồng ngày đêm gần cận chăm sóc chu đáo, tự tay cho Trần Tây ăn cơm, uống thuốc, khiến Trần Tây rất cảm động và tình nghĩa ngày càng sâu nặng.

Lúc lâm chung, Trần Tây đuổi hết mọi người ra ngoài, trong cung chỉ còn một mình với Tử Cao, cùng khóc lóc nói những lời ly biệt.

Ít lâu sau đó, Trần Tây qua đời. Người ta nói rằng, trước ngôi mộ Văn đế Trần Tây có tượng hai con kỳ lân đều là con đực.

Điều này là không bình thường chút nào vì thông thường, khi xây tượng người ta thường xây một đực, một cái, biểu thị cho sự hài hòa âm dương.

Nhiều người cho rằng, do lúc sinh thời, Văn đế Trần Tây không phong được Hàn Tử Cao làm hoàng hậu như đã hứa nên sau khi chết đi quyết định bồi thường cho họ Hàn.

Do vậy, Văn đế Trần Tây mới quyết định cho đặt hai con kỳ lân trước mộ mình để tưởng nhớ tới Hàn Tử Cao.

Có thể thấy, mặc dù bị chê cười, gièm pha và "biến thái" nhưng chuyện tình của Tử Cao và Trần Tây cũng rất mực nồng thắm, nghĩa tình sâu nặng.

Hoàng hậu duy nhất trong lịch sử Trung Quốc vì quá đau xót khi chồng " ngoại tình " mà sinh ra tư thông với người cùng giới

Trần hoàng hậu - Trần Kiều vốn là con gái duy nhất của Quán Đào công chúa Lưu Phiếu.

Theo xuất thân, bà được xem như vị Hoàng hậu có thân thế tôn quý nhất trong lịch sử Trung Quốc khi có ông ngoại là Hoàng đế, cậu là Hoàng đế và phu quân cũng là Hoàng đế.

Từ nhỏ, Trần Kiều đã được bà ngoại là Đậu thái hậu và cậu là Hán Cảnh Đế hết mực thương yêu.

Nói về Trần Hoàng hậu, không ai dám lấn át vai vế của bà trong triều đình, nhất là khi bà lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ. Chính hoàng đế Hán Vũ Đế cũng phải kiêng nể bà rất nhiều.

Trần Kiều có thể nói là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của Hán Vũ đế bởi nhờ có sự tác thành hôn nhân và giúp đỡ từ Quán Đào công chúa mà Lưu Triệt mới dễ dàng lên ngôi hoàng đế.

Vũ Đế phong cho Trần Kiều làm Hoàng hậu, xây cho bà tòa nhà bằng vàng đúng như lời hứa lúc trước và ban rất nhiều đặc ân.

Ban đầu, Hán Vũ Đế vô cùng yêu thương Trần Hoàng hậu, chiều chuộng bà hết mực. Nhưng nhiều năm sau, vì bà không thể sinh được con nên tình cảm cũng từ đó mà phai nhạt dần. Ông dần muốn tới cung của các phi tần khác khiến bà nổi cơn ghen.

Một lần ngao du tới phủ Bình Dương công chúa, Hán Vũ Đế đã gặp nàng Vệ Tử Phu với mái tóc dài óng mượt, thướt tha, múa hay, xinh đẹp nên ông đã đem lòng si mê.

Ngay sau đó, ông đã đưa Vệ Tử Phu về cung và lập làm phi tần, chiều chuộng, yêu thương hết mực.

Những bậc thiên vương tuấn tú, hoàng hậu đẹp nghiêng nước nghiêng thành... thế nhưng tình trường khó nói - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Về phía Vệ Tử Phu, bà lại sinh cho Hán Vũ Đế 3 người con nên ông vô cùng sủng ái. Ghen tức với họ Vệ, Trần hoàng hậu và công chúa, mẹ của mình đã dùng nhiều cách để vu cáo Vệ Tử Phu trước mặt Đậu Thái hậu.

Hán Vũ Đế biết chuyện, ngày càng xa lánh bà. Bà nhiều lần doạ quyên sinh nhưng Hán Vũ Đế không hề để tâm.

Chưa dừng tại đó, thấy Vệ Tử Phu được cả thái hậu và thái hoàng thái hậu yêu mến, nên mẹ con Quán Đào công chúa và Trần Hoàng hậu sinh tức, dùng cách hãm hại em ruột của họ Vệ.

Hán Vũ Đế biết được đã lập tức phong chức sắc cho nhiều người trong dòng họ Vệ nhưng vẫn không trị tội được mẹ con nhà Trần Kiều hoàng hậu.

Sự việc nghiêm trọng nhất là khi Trần hoàng hậu dùng thuật vu cổ, yểm bùa Vệ Tử Phu khiến Hán Vũ Đế nổi trận lôi đình. Cũng chính từ khi dùng thuật này mà mối tình đồng tính của Trần Hoàng hậu mới bắt đầu.

Một nữ phù thủy tên là Sở Phục nói với Trần Kiều rằng bà ta có phép thuật khiến Hoàng đế có thể "hồi tâm chuyển ý", quay lại yêu Trần Hoàng hậu như xưa.

Tuy nhiên, để thực hiện được phép thuật ấy, ngày đêm phải làm lễ tế đồng thời kết hợp với việc dùng thuốc theo đúng thang mà bà ta yêu cầu.

Do sống cô quạnh một mình trong chốn hậu cung lạnh lẽo, nay lại suốt ngày gần gũi với một mình Sở Phục, lâu dần, Trần Kiều lại nảy sinh tình cảm với nữ phù thủy này.

Theo sử sách ghi chép, Trần Kiều cho nữ phù thủy mặc quần áo của nam giới, sống cùng nhau trong chốn tịch cung chẳng khác gì vợ chồng.

Năm Nguyên Đạo thứ năm, tức năm 130 trước Công nguyên, chuyện giữa Trần Kiều và nữ phù thủy Sở Phục bại lộ.

Lần này thì Vũ Đế không còn nể nang bất cứ điều gì nữa, ra lệnh cho tên quan tàn ác nhất trong triều đình lúc bấy giờ là Trương Thang điều tra, xét xử vụ án.

Vụ án vào tay như được dịp để thể hiện uy quyền, Trương Thang cho bắt một lúc hơn 300 người. Cuối cùng nữ phù thủy Sở Phục bị xử tử hình còn Trần Hoàng hậu bị phế, giam vào cung Trường Môn.

Trần Hoàng hậu bị trị tội, nguyên nhân đương nhiên là vì dám dùng yêu thuật hãm hại hoàng đế và các phi tần.

Nhưng từ sâu bên trong, nguyên nhân chủ yếu có lẽ là vì thân là hoàng hậu, ngồi ở ngôi mẫu nghi thiên hạ mà lại "dâm loạn với phụ nữ như đàn ông". Hán Vũ Đế quyết định phế truất Trần Kiều là vì mối tình đồng tính của Trần hoàng hậu thực sự khiến vị hoàng đế này cảm thấy "mất mặt".

Sau khi Trần Hoàng hậu bị phế, Vệ Tử Phu được lên làm hoàng hậu, được mệnh danh là hoàng hậu hiền thục, nết na nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Mối tình của bà và phù thủy yểm bùa cũng là một giai thoại được nhiều người nhắc tới về sau, bà được mệnh danh là vị hoàng hậu đồng tính duy nhất trong lịch sử hậu cung Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại