Áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, Mỹ đang mở đường cho Nga, Trung Quốc

Minh Khôi |

Trung Quốc và Nga đều không ủng hộ nỗ lực tái áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Iran của Mỹ khi cả Bắc Kinh và Moscow đang tìm cách gia tăng thương mại và ảnh hưởng ở Trung Đông.

Việc tái áp đặt trừng phạt lên Iran sẽ có hiệu lực vào hôm nay (7/8) là kết quả của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 năm nay. Những biện pháp này, nhằm gây áp lực cho nhà nước Hồi giáo tham gia vào một thỏa thuận mới, bằng cách ngăn cấm mua USD cũng như tác động đến giao dịch kim loại, than đá và các hàng hóa khác. Các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ được đưa ra sau.

Các quan chức Mỹ đã thăm hơn 20 quốc gia trong nỗ lực gián đoạn các giao dịch kinh doanh với Iran, một quan chức cấp cao cho biết. Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ hợp tác với các biện pháp trừng phạt, trong khi các công ty châu Âu đang dần dần rút khỏi Iran.

Tuy nhiên, Bắc Kinh và Moscow vẫn chưa có dấu hiệu sẵn sàng hợp tác về các biện pháp trừng phạt. Cả hai nước đều có ý định mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở Iran. Các tập đoàn Trung Quốc và Nga nhận được sự ủng hộ từ chính phủ, cho phép mạo hiểm hơn các doanh nghiệp châu Âu.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục mua dầu thô của Iran. Các giao dịch này được hỗ trợ một phần bởi các tài khoản Ngân hàng Trung ương Iran mở tại Ngân hàng Kunlun, một đơn vị ngân hàng được kiểm soát bởi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, The Wall Street Journal đưa tin.

Các tổ chức tài chính có thể bị cấm vận nếu giao dịch với Iran bằng USD, nhưng Ngân hàng Kunlun hiếm khi giao dịch bằng đồng tiền này, do đó có thể giảm thiểu sự va chạm với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngân hàng Trung Quốc sử dụng đồng Nhân dân tệ và đồng Euro để thanh toán.

Các nhà quan sát mong đợi Trung Quốc tăng cường giao dịch dầu bằng đồng Nhân dân tệ với Iran. Thị trường Thượng Hải đã bắt đầu giao dịch dầu thô kỳ hạn bằng đồng nội tệ trong tháng 3.

Trong khi đó, theo báo cáo, Nga đang đầu tư 50 tỷ USD vào lĩnh vực dầu khí của Iran thông qua các công ty năng lượng quốc doanh như Gazprom. Các quan chức năng lượng cao cấp từ cả hai phía đã gặp nhau vào cuối tháng trước để thảo luận chi tiết về hợp tác kinh tế. Bằng cách này, Nga tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Trung Đông.

Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành của tập đoàn đa quốc gia dầu khí của Pháp Total, cho rằng, điều không có lợi cho cả Mỹ và châu Âu là Nga và Trung Quốc có thể hợp tác với Iran.

Công ty Total đã giành được quyền phát triển các dự án khí thiên nhiên ở Iran. Nhưng nếu không được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt, quyền này sẽ được bán cho một doanh nghiệp Trung Quốc.

Washington có khoảng 90 ngày cho đến đầu tháng 11 để thuyết phục Trung Quốc và Nga hợp tác về các biện pháp trừng phạt cho đến khi lệnh cấm áp dụng cho chính Iran. Nhưng cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ xung quanh Trung Đông có thể sẽ làm cho sự thỏa hiệp trở nên khó khăn. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại