Cải tạo Sao Hỏa vào lúc này là bất khả thì vì thiếu CO2

Tấn Minh |

Từ lâu, các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đã luôn mơ về một ngày loài người có thể biến Sao Hỏa thành Trái Đất thứ hai, nơi con người có thể sống mà không cần những bộ đồ du hành vũ trụ nặng nề.

Nhiều người cho rằng cách dễ dàng nhất để biến điều đó thành hiện thực là sử dụng khí carbon dioxide (CO2) vốn đã có sẵn trên Sao Hỏa để tạo ra một bầu khí quyển mới. Nhưng mới đây, các nhà khoa học đã khẳng định điều đó là bất khả thi.

Cải tạo Sao Hỏa để biến bề mặt của nó thân thiện với sự sống như ở Trái Đất sẽ gồm 2 việc chính: tăng nhiệt độ và áp lực bề mặt bằng cách thêm vào một bầu khí quyển tạo ra bởi các khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt. Những loại khí nhà kính duy nhất tồn tại trên Sao Hỏa với khối lượng đáng kể là CO2 và hơi nước - cả hai đều đang ở tình trạng đóng băng.

"Nếu có đủ CO2, chúng ta có thể hâm nóng Sao Hỏa trong vòng 100 năm kể từ khi bắt đầu" - Chris McKay tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tại California cho biết - "Chúng ta biết cách hâm nóng một hành tinh - và đang làm điều đó trên Trái Đất. Câu hỏi quan trọng ở đây là, liệu có đủ khí đó không?"

Không, câu trả lời thật phũ phàng. Bruce Jakosky tại Đại học Colorado, Boulder, và Christopher Edwards tại Đại học Bắc Arizona đã sử dụng các kết quả từ nhiều tàu không gian để dựng nên một bảng thống kê toàn bộ lượng khí CO2 trên Sao Hỏa, từ đó tìm hiểu xem nếu dời tất cả lượng khí này từ mặt đất lên bầu khí quyển, chúng ta có thể tạo ra nhiệt độ và áp suất đủ cao cho sự sống hay không.

Không đủ áp suất

Hiện tại, áp suất khí quyển Sao Hỏa vào khoảng 6 milibar - rất nhỏ so với mức 1 bar trên mặt biển của Trái Đất.

"Chúng ta sẽ cần những thứ như một triệu viên đá CO2 trải dài khoảng 1.000 km mới có thể đạt được mức áp suất 1 bar" - Jakosky nói.

Tại áp suất 1 bar, nhiệt độ sẽ chỉ hơn 0 độ C một chút, cho phép nước ở trạng thái lỏng và từ đó có thể giúp sự sống nảy sinh trên bề mặt Sao Hỏa.

Bầu khí quyển này sẽ chưa thể cho phép con người thở, nhưng một chiếc mặt nạ dưỡng khí sẽ giải quyết điều đó, chứ không cần đến cả một bộ đồ du hành cồng kềnh. Hơn nữa, lúc này, cây cối có thể tự do phát triển, từ từ sản sinh ra oxy trong thời gian khoảng vài thế kỷ.

Nhưng Jakosky và Edwards phát hiện ra rằng có khả năng lượng CO2 trong các tảng băng ở cực, bụi và đá trên Sao Hỏa chỉ đủ để tăng áp suất không khí lên mức tối đa là 20 millibar. Do đó, chúng ta không thể cải tạo Sao Hỏa với công nghệ hiện tại, lý do đơn giản là không có đủ CO2.

"Không phải bản thân việc cải tạo là bất khả thi, chỉ là không dễ như mọi người vẫn nói mà thôi" - Jakosky nói - "Chúng ta không thể cứ cho nổ vài quả bom hạt nhân vào chỗ băng ở cực là xong được".

Cải tạo Sao Hỏa vào lúc này là bất khả thì vì thiếu CO2 - Ảnh 1.

Có vẻ cải tạo Sao Hỏa thành Trái Đất thứ 2 không phải là điều có thể thực hiện với công nghệ hiện tại

Không hề dễ dàng

Có thể trên Sao Hỏa vẫn còn lượng carbon dự trữ đâu đó sâu dưới bề mặt hành tinh, theo phán đoán của Robin Wordsworth của Đại học Harvard.

"Nếu bạn có thể phát triển công nghệ để tìm ra và trích xuất chúng, chúng ta có thể tiến gần đến mục tiêu hơn. Nhưng nó giống như câu cá vậy - không có gì đảm bảo những thứ đó có tồn tại".

Không có đủ carbon, chúng ta sẽ phải hâm nóng Sao Hỏa theo một số cách khác, có lẽ thông qua việc tạo ra chlorofluorocarbons (CFCs) hoặc dội bom hành tinh này bằng sao chổi hay thiên thạch.

Điều đó sẽ rất khó, và dù có làm như vậy cũng chưa đủ để thực sự biến Sao Hỏa thành một ngôi nhà mới cho loài người. Chúng ta sẽ cần Nitrogen, và đến thời điểm này, vẫn chưa rõ Sao Hỏa có bao nhiêu Nitrogen!

"Nếu không có đủ CO2, việc cải tạo sẽ mất đến hàng ngàn năm hoặc hơn, nhưng nó vẫn khả thi" - McKay nói - "Nếu không có đủ Nitrogen, bạn sẽ cần Star Trek. Bạn cần công nghệ warp drive và tractor beam để kéo Nitrogen từ bầu khí quyển của Sao Mộc. Đó là chuyện khoa học viễn tưởng!".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại