Buôn lậu thuốc lá ở biên giới Tây Nam vẫn “nóng“

Chung Thủy |

Mặc dù có nhiều giải pháp ngăn chặn thuốc lá lậu nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phức tạp. Các đối liều lĩnh sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng.

Buôn lậu thuốc lá “nóng” lên từng ngày

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kiểm tra 15.840 vụ, phát hiện và xử lý trên 9.000 vụ vi phạm, thu phạt tổng số tiền trên 101 tỉ đồng và tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm.

So với các tỉnh biên giới phía Bắc, hoạt động vận chuyển thuốc lá lậu tại các tỉnh địa bàn phía Nam, nhất là tuyến biên giới Tây Nam như: Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, TP. Hồ Chí Minh vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp.

Các nhãn hiệu thuốc lá lậu xuất hiện trên tuyến này gồm, Jet, Hero, 555, ESSE, Bayon, Cowboy Original…

Theo ông Nguyễn Văn Sanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ, do việc buôn lậu thuốc lá được đánh giá là siêu lợi nhuận, chỉ sau ma túy vì hành vi này trốn tất cả các loại thuế gồm, thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 1%; thuế nhập khẩu 135%... nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp quy định của luật pháp, lách luật để tham gia buôn lậu thuốc lá.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 260 vụ, phạt tiền hơn 2,7 tỷ đồng, tịch thu 76.755 bao thuốc lá nhập lậu.

Tại Long An, đây được xem là địa bàn “nóng” về buôn lậu thuốc lá và cũng không khó khăn để bắt gặp cảnh người dân đi xe gắn máy chở theo thuốc lá lậu.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Long An cho biết, do đời sống người dân biên giới còn nhiều khó khăn, chưa có công ăn, việc làm ổn định, dẫn đến dễ bị các đối tượng lôi kéo tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

Hơn nữa, tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia với nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới còn thiếu chặt chẽ.

Một trong những lý do khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng là do nhu cầu sử dụng thuốc lá ngoại, đặc biệt là thuốc lá Jet, Hero ở thị trường trong nước còn nhiều, lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu cao; điều kiện hoạt động thuận lợi trên cả tuyến đường bộ và đường thủy nên khi đường dây, băng nhóm buôn lậu này bị triệt phá thì băng nhóm, đối tượng khác lại nổi lên tham gia buôn lậu thuốc lá.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Long An đã bắt giữ 672 vụ, tịch thu hơn 1 triệu gói thuốc lá lậu, khởi tố hình sự 22 vụ.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Đại tá Nguyễn Văn Phương, Phó chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Long An cho hay, để qua mặt lực lượng chức năng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu thuốc lá thường sử dụng là tập kết hàng hóa trong thời gian ngắn, vận chuyển đi ngay; lợi dụng đêm tối chia nhỏ hàng hóa mang, vác, cõng bộ qua biên giới; cải trang thành người địa phương, bỏ hàng hóa vào trong các bao phân, bao cỏ, thùng nước, sau đó sử dụng xe mô tô đã được móc rỗng để cất giấu hoặc dùng ô tô vận chuyển sâu vào nội địa.

Khi các lực lượng chức năng bắt giữ sẵn sàng chống trả bằng bạo lực để cướp hàng.

Chỉ trong tháng 3/2018, các nhóm vận chuyển thuốc lá lậu đã tấn công gây thương tích nghiêm trọng cho nhiều chiến sĩ công an khi bị bắt quả tang tại Đồng Nai, Bình Dương để tháo chạy.

Mặc dù từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự năm 2018 chính thức có hiệu lực, quy định, các hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, các “con buôn” cũng thường “lách” quy định này bằng cách xé nhỏ kiện hàng ra dưới mức 1.500 bao để đối phó.

Ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, theo quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng quỹ phòng chống tác hại thuốc lá với mức đóng là 1% từ 1/5/2014; 1,5% từ 1/5/2016; 2% từ ngày 1/5/2019.

Hiện tại mỗi năm, Quỹ có khoảng 300 tỷ đồng và được sử dụng cho các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài.

Trong khi đó hoạt động chống buôn lậu thuốc lá gặp rất nhiều khó khăn mà không có nguồn kinh phí và không được sử dụng quỹ.

Dự báo tình hình buôn lậu thuốc lá sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là các vùng biên giới và chưa thể giải quyết triệt để, nhất là khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu lên 75% sẽ tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu giá thấp sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam.

Ông Triết kiến nghị, để công tác phòng chống buôn lậu đạt hiệu quả cao như kỳ vọng, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế cần nghiên cứu cơ chế tài chính cho phép trích khoảng 50% quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, đồng thời, đầu tư thêm nhân lực, vật lực.

Bởi hiện nay, lực lượng tham gia chống buôn lậu tại Việt Nam còn rất mỏng, lại thiếu phương tiện thực hiện nhiệm vụ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại