Chuyên gia Mỹ: Dù nắm ưu thế nhưng TQ chẳng dễ dàng thống nhất Đài Loan trước năm 2030

Thủy Thu |

Mỹ-Đài hiện đã tăng cường hợp tác phòng ngự quân sự, kết hợp sức mạnh của Lầu Năm Góc, Trung Quốc không thể thống nhất Đài Loan trong tương lai gần, chuyên gia Mỹ nhận định.

PLA cảnh cáo Đài Loan

Từ ngày 18-23/7 vừa qua, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển phía Đông từ Tượng Sơn đến Ôn Châu (Chiết Giang).

Tờ Nhân dân nhật báo dẫn lời giới bình luận quân sự đại lục cho rằng, cuộc diễn tập này nhằm vào lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập, bởi nếu dời khu vực diễn tập xuống phía Đông Nam, phạm vi tập trận sẽ bao phủ cả Đài Loan.

Giới chuyên gia Bắc Kinh nhận định, mặc dù đây là cuộc diễn tập định kỳ thường niên được tiến hành trong khu vực truyền thống nhưng cũng không thể bỏ qua một thực tế rằng: "Nếu nổ ra chiến tranh trong tương lai, vùng biển Hoa Đông sẽ là chiến trường chính. Đây là chìa khóa để giải quyết vấn đề Đài Loan".

Trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan leo thang căng thẳng hiện nay, mọi động thái của PLA đều thu hút sự chú ý của Đài Loan và cuộc diễn tập lần này cũng không ngoại lệ. Cơ quan quốc phòng đảo này cho biết, họ đã nắm rõ sự phát triển của tình hình liên quan và sẽ đưa ra biện pháp đối phó tương ứng.

Theo giới quan sát, kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức lãnh đạo Đài Loan năm 2016 và đặc biệt sau Đại hội 19 ĐCSTQ (tháng 10/2017), Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan bằng cách cử tàu chiến, chiến đấu cơ không ngừng tuần tra quanh đảo này.

Chuyên gia Mỹ: Dù nắm ưu thế nhưng TQ chẳng dễ dàng thống nhất Đài Loan trước năm 2030 - Ảnh 1.

Tàu khu trục hạm USS Benfold đi qua eo biển Đài Loan gần đây. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Đài-Mỹ tăng cường phòng ngự

Trước áp lực từ Bắc Kinh, Mỹ dường như cũng đang gián tiếp tăng cường hợp tác sức mạnh phòng ngự với Đài Loan. Bằng chứng là, Lầu Năm Góc nhiều lần đưa máy bay ném bom B-52, xuất phát từ căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam, bay qua khu vực không phận gần Đài Loan.

Ngoài ra, hồi tháng 4 năm nay, chính phủ Mỹ đã chấp thuận giấy phép cho các nhà thầu quân sự Mỹ cung cấp công nghệ và thiết bị để Đài Loan tự phát triển tàu ngầm.

Ngày 7/7, Mỹ cử hai tàu khu trục Mustin và Benfold đi qua eo biển Đài Loan. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi bà Thái lên nhậm chức, tàu chiến Mỹ đi qua vùng biển gần Đài Loan. Đáng chú ý, chuyến đi của hai tàu chiến Mỹ diễn ra đúng vào thời điểm Nhà Trắng và Trung Nam Hải trải qua giai đoạn căng thẳng do liên quan tới cuộc chiến thương mại song phương.

Bên cạnh đó, Đài Loan cũng tự tăng cường phòng thủ, ngày 17/7, trực thăng tấn công AH-64E Apache được chính thức đưa vào biên chế, với kỳ vọng đây sẽ là hàng phòng thủ kiên cố của vùng lãnh thổ này.

Căng thẳng cán cân sức mạnh quân sự

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cán cân sức mạnh quân sự trên eo biển Đài Loan vẫn đang nghiêng về phía Trung Quốc.

Ông Roger Cliff - nghiên cứu viên cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu hải quân Mỹ CNA nói: "Cán cân sức mạnh quân sự giữa hai bờ eo biển đang nghiêng về phía Trung Quốc... Tuy nhiên, trước vào sự bảo vệ của Mỹ đối với Đài Loan, PLA sẽ không có khả năng thống nhất nhanh chóng Đài Loan trong tương lai gần".

Theo ông này, mặc dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc phát triển như vũ bão và vượt qua sức mạnh quân sự Đài Loan nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu Bắc Kinh muốn vượt qua Mỹ.

Đồng thời chuyên gia Mỹ chỉ ra, cho đến cuối năm nay, PLA có khả năng sẽ nắm trong đội hình 2 nhóm tàu sân bay, thậm chí, chiếc thứ 3 được cho đang trong quá trình chế tạo nhưng sức chiến đấu của hai nhóm tàu tác chiến sân bay của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương mạnh gấp hơn hai lần 2 nhóm tàu của Trung Quốc.

Xét về số tàu khu trực, lượng tàu Mỹ triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương cũng đã vượt qua số lượng tàu khu trục hiện có của Trung Quốc.

Ông Cliff cho rằng, PLA hiện đã có một số máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm nhưng Lầu Năm Góc đã có hơn 400 chiếc máy bay tương tự. Do đó, sức mạnh không quân Mỹ áp đảo hơn hẳn.

Trong cuốn sách Sức mạnh quân sự Trung Quốc: Đánh giả khả năng hiện tại và tương lai xuất bản năm 2015, ông này chỉ ra, nếu chỉ so sánh "phần cứng", từ góc độ đào tạo nhân sự, văn hóa và kinh nghiệm chiến đấu cho thấy, Mỹ đang chiếm ưu thế trên cán cân quân sự song phương.

Nhưng cũng theo chính chuyên gia này, về ưu thế lâu dài, Trung Quốc lại có lợi hơn về phát triển sức mạnh quân sự.

"Tuy Mỹ hiện vẫn đang nắm giữ lợi thế nhưng xu hướng lâu dài càng ngày càng có lợi cho Trung Quốc, cán cân quân sự có lợi cho Mỹ sẽ dần bị rút ngắn", chuyên gia Cliff nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, xét tổng thể, tính tới thời điểm Trung Quốc chiếm ưu thế hoàn toàn ở eo biển Đài Loan vẫn còn rất xa nên PLA sẽ không thể "đánh bại Mỹ, thống nhất Đài Loan" trước năm 2030.

Roger Cliff nhận định, mặc dù hiện đang nắm giữ lợi thế quân sự nhưng không có nghĩa quân đội Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc chiến eo biển Đài Loan và cũng không chắc chắn Đài Loan sẽ không gặp hậu quả thảm khốc, càng không có nghĩa Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan.

Chuyên gia Mỹ dự đoán, Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực để giành lại Đài Loan qua bốn kịch bản sau:

Thứ nhất, Trung Quốc có khả năng ngăn chặn sự can thiệp của quân đội Mỹ hoặc khiến quân đội Mỹ can thiệp chậm hơn, ít hơn giúp PLA có đủ thời gian đánh bại Đài Loan.

Thứ hai, thu phục người dân Đài Loan trước khi tấn công đảo bằng hệ thống tên lửa hành trình.

Thứ ba, quân đội Mỹ sẽ không tới bảo vệ Đài Loan.

Thứ tư, trước áp lực nội bộ, PLA quyết tâm mạo hiểm thống nhất Đài Loan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại