Bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục gửi đơn khiếu nại và khẳng định "không có tội"

Hoàng Đan |

Bác sĩ Hoàng Công Lương nhấn mạnh không đồng ý với kết luận điều tra bổ sung vì không có gì thay đổi và việc tiếp tục xác định anh có tội là không đúng.

Tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng

Tối 11/7, Bác sỹ Hoàng Công Lương cho biết, ngày 4/7, anh đã được mời lên nhận bản kết luận điều tra bổ sung từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình về vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, anh không đồng tình với bản kết luận điều tra bổ sung này, trong đó có việc tiếp tục đề nghị truy tố anh về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng" theo Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, nay là Khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015.

"Tôi không đồng ý với kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát điều tra vì bản kết luận này không có gì thay đổi so với trước. Tôi khẳng định mình không có tội", bác sĩ Lương nói.

Bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết thêm, trong chiều 11/7, anh đã tiếp tục có đơn khiếu nại và tố cáo khẩn cấp gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan tư pháp Trung ương... về nội dung bản kết luận điều tra bổ sung trên.

Theo bác sĩ Lương, việc cơ quan điều tra quy kết anh chủ trì giao ban tại Đơn nguyên thận nhân tạo để xác định anh có chức vụ, quyền hạn được giao tại Đơn nguyên thận nhân tạo không phù hợp.

Bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục gửi đơn khiếu nại và khẳng định không có tội - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Công Lương.

Bác sĩ lý giải, Đơn nguyên thận nhân tạo là một bộ phận của Khoa Hồi sức tích cực nên không có hoạt động giao ban của khoa lâm sàng theo quy định.

Việc họp giao ban của Đơn nguyên là rất ít và đó là những việc liên quan đến công việc cần phổ biến, hoạt động chung của Đơn nguyên thận nhân tạo nên chỉ được giao ban khi có Trưởng khoa chủ trì và phổ biến.

Do vậy, thực tế tại Đơn nguyên thận nhân tạo, bác sỹ và điều dưỡng hàng ngày sẽ hội ý với nhau để thực hiện công việc trong ngày mà không được coi là hoạt động giao ban.

Về việc ký xác nhận đề xuất sửa chữa hệ thống RO2 hoặc bất cứ trang thiết bị nào ở Đơn nguyên thận nhân tạo, theo bác sĩ Lương đã được đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình xác nhận tại phiên tòa cũng như luật sư bào chữa cho anh chứng minh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án.

Cụ thể, cán bộ nào tại khoa Hồi sức tích cực cũng có thể ký được, không phải anh là người bắt buộc ký và đây là công việc bình thường, bởi thiết bị cần sửa chữa, bảo dưỡng do phòng Vật tư-Thiết bị y tế của Bệnh viện có ý kiến đề xuất sửa chữa trên cơ sở đã đến kiểm tra tình trạng của trang thiết bị. Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ là nơi xác nhận.

"Thực tế, tại phiên tòa vừa qua đã chứng minh các tài liệu chứng cứ trong nhiều lần ký xác nhận đề xuất sửa chữa trước đây, có nhiều bác sĩ và điều dưỡng của Đơn nguyên cũng ký đề xuất, mà không phải lãnh đạo khoa, lãnh đạo đơn nguyên hay được lãnh đạo khoa giao nhiệm vụ ký đề xuất", bác sĩ Lương nêu.

Việc xác định bác sĩ Lương có lỗi không phù hợp sự thật khách quan vụ án?

Bác sĩ Lương nói thêm, anh không đồng tình khi trong kết luận điều tra có nêu "Sáng 29/5/2017 bị can Hoàng Công Lương chưa được người có trách nhiệm cho biết hệ thống nước RO số 2 đã đảm bảo an toàn để đưa vào sử dụng.

Mà Lương chỉ nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói với mọi người trong Đơn nguyên thận là hệ thống nước đã sửa xong. Hoàng Công Lương không báo cáo, trao đổi với ai về việc hệ thống lọc nước sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn chưa trước khi ra y lệnh chạy thận".

Theo bác sĩ Lương, chiều ngày 28/5/2017, kỹ thuật viên Trần Văn Sơn, cán bộ phòng Vật tư-Thiết bị y tế đã bàn giao hệ thống RO2 sau sửa chữa cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp.

Sáng 29/5/2017, trước giao ban của phòng Vật tư-Thiết bị y tế, anh Trần Văn Sơn cũng đã báo cáo trưởng phòng là ông Trần Văn Thắng là hệ thống RO2 đã sửa chữa xong, ông Thắng đã chỉ đạo Sơn hoàn thiện thủ tục giấy tờ để làm thanh toán (thủ tục hành chính).

Bác sĩ Lương nhấn mạnh, điều này đã được anh Trần Văn Sơn, ông Trần Văn Thắng khai nhận ngay tại phiên tòa sơ thẩm và đã được thể hiện ở trang 6 trong Bản kết quả điều tra bổ sung ngày 4/7/2018.

Cụ thể, đầu giờ làm việc sáng 29/5/2017, điều dưỡng Điệp đã thông báo cho tất cả cán bộ Đơn nguyên thận nhân tạo là hệ thống RO2 đã sửa xong, có thể hoạt động bình thường và đã được phòng Vật tư-Thiết bị y tế bàn giao.

Sau đó các điều dưỡng khởi động hệ thống RO2, quan sát thấy hệ thống hoạt động bình thường, đồng hồ đo độ dẫn điện (điều kiện bắt buộc và duy nhất) trong giới hạn an toàn.

Tiếp theo, các điều dưỡng tiến hành rửa máy thận, test máy thận, chạy thử máy thận thấy hệ thống hoạt động bình thường; các bác sỹ thăm khám bệnh nhân thấy các bệnh nhân đủ điều kiện lọc máu, các bác sĩ và điều dưỡng hội ý và thống nhất lọc máu cho bệnh nhân.

"Như vậy, trước khi lọc máu cho bệnh nhân, các bác sĩ và điều dưỡng đã kiểm tra sự an toàn của thiết bị, thăm khám bệnh nhân an toàn đủ điều kiện chạy thận và có sự thống nhất kết hợp trước khi kết nối máy thận với bệnh nhân.

Việc báo cáo tình trạng thiết bị sau sửa chữa, hoàn thiện các thủ tục thanh lý hợp đồng là trách nhiệm của Phòng Vật tư -Thiết bị y tế, Phòng Tài chính kế toán và phía đơn vị được bệnh viện thuê sửa chữa, không thuộc trách nhiệm của Đơn nguyên thận nhân tạo.

Không có quy định nào bắt buộc bác sỹ Đơn nguyên thận nhân tạo phải báo cáo Trưởng khoa mỗi khi chạy thận nhân tạo chu kỳ cho bệnh nhân", bác sĩ Lương nêu.

Luật sư Lê Văn Thiệp (một trong các luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương) cho rằng, việc xác định bác sĩ vẫn có lỗi không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.

Bởi ngay trong kết luận điều tra cũng đã chứng minh được rất rõ rằng BVĐK tỉnh Hòa Bình không giao cho bất kì cá nhân nào phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.

Bên cạnh đó, theo luật sư, không có bất cứ một văn bản nào hướng dẫn trình tự thủ tục, quy trình về mặt hành chính để xác định chất lượng nước sử dụng cho việc chạy thận có đảm bảo không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại