Cuộc chiến khốc liệt ở "thủ phủ ma túy" Lóng Luông (kỳ 3)

Thanh Hoà |

Những nhóm vận chuyển ma túy qua biên giới huyện Mộc Châu, Sơn La này có nhiều đối tượng người nước ngoài có vũ trang, được huấn luyện rất chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng, lại cực kỳ manh động, liều lĩnh.

Kỳ III: Những trận đấu súng sinh tử

Sau 2 lần tổ chức chặn bắt các toán nhóm có vũ trang vận chuyển ma túy qua biên giới, Ban chuyên án 279 xác định, việc sử dụng những biện pháp “mềm” như gọi loa kêu gọi đầu hàng, sử dụng chó nghiệp vụ, dùng các dụng cụ thô sơ để bắt đối tượng nhằm hạn chế sát thương là không hiệu quả, lại không đảm bảo an toàn tính mạng cho các cán bộ chiến sĩ tham gia truy bắt. Bởi vậy, cuộc đấu tranh đã bắt đầu chuyển hướng…

Những nhóm vận chuyển ma túy qua biên giới huyện Mộc Châu, Sơn La này có nhiều đối tượng người nước ngoài có vũ trang, được huấn luyện rất chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng, lại cực kỳ manh động, liều lĩnh, chỉ cần phát hiện thấy bóng lực lượng chức năng là lập tức nổ súng tấn công, chống đối.

Bởi vậy, nhiệm vụ bắt giữ đối tượng, thu tang vật nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng được đặt lên hàng đầu. Ban chuyên án đã quyết định sử dụng chó chiến đấu để trấn áp đối tượng. Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ-Bộ Công an đã “điều” 5 chó chiến đấu tham gia đấu tranh chuyên án ở giai đoạn 1 và 2 nhằm bắt giữ đối tượng được an toàn.

Cuộc chiến khốc liệt ở thủ phủ ma túy Lóng Luông (kỳ 3) - Ảnh 2.

Các lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường sau một vụ đấu súng với nhóm vận chuyển ma túy

Các chú chó vũ trang rất khỏe, nhanh nhẹn và dũng mãnh, sẵn sàng đuổi bắt, khống chế đối tượng, súng đạn càng nổ nhiều chó càng hăng, được huấn luyện bài bản, kỷ luật chiến đấu nghiêm, luôn tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy.

Tuy nhiên, quá trình tham gia chuyên án lại xảy ra tình huống bất ngờ: khi “đồng đội” của chó bị bắn, hy sinh, có tiếng rít kêu bất thường theo bản tính đặc trưng của loài thì tất cả số chó còn lại đã quay lại vị trí người chỉ huy, không tấn công đối tượng nữa.

Ngoài ra, việc sử dụng dụng cụ cổ truyền để bắt giữ đối tượng cũng không hiệu quả.

Mục tiêu ban đầu của chuyên án là bắt giữ được các đối tượng có vũ khí nóng mà không cần phải sát thương, trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết mưa gió, sương mù, sương muối thất thường và đặc biệt là diễn ra vào ban đêm là một bài toán khó giải.

Bởi vậy, Ban chuyên án nghiên cứu sử dụng các phương pháp cổ truyền như: chăng lưới mắt cáo, chăng dây cáp lụa để hạn chế, ngắn cản đối tượng chạy trốn khỏi hiện trường; dùng lưới móc câu, bàn chông và bẫy cổ chân để giữ đối tượng tại hiện trường.

Tuy một số đối tượng đã bị cản lại, nhưng khi trời mưa to, đêm tối mịt mùng nên lực lượng phá án không thể tiếp cận ngay được, nên bọn chúng đã cố hết sức giúp nhau tháo gỡ bàn chông, bẫy sập ở cổ chân, dìu nhau bỏ chạy.

Qua nắm tình hình, nhiều đối tượng đã bị thương khi giẫm phải bàn chông hoặc bẫy cổ chân, nhưng khi về tới bên kia biên giới, không đối tượng nào dám đến các cơ sở y tế điều trị.

Việc phát loa kêu gọi đầu hàng cũng để bắt giữ đối tượng nhằm tuyên truyền, răn đe, lại giảm sát thương cho các đối tượng, để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động của các toán nhóm có vũ trang vận chuyển ma túy ngang nhiên xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, nhưng các đối tượng lập tức bắn xối xả về phía có tiếng loa phát ra.

Chuyển hướng hoạt động

Ban chuyên án đã 2 lần tổ chức vây bắt đối tượng, nhưng công tác chuẩn bị phức tạp, bố trí trận địa công phu nhưng kém hiệu quả, các đối tượng manh động chống trả quyết liệt, xác suất gây thương vong cao cho CBCS nên từ giai đoạn 3 trở đi, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La quyết định sử dụng biện pháp vũ trang.

Rạng sáng 26/9/2014, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện 2 toán với 25 đối tượng mang vũ khí quân dụng vận chuyển ma túy từ hướng biên giới vào nội địa đã triển khai lực lượng, chọn địa bàn bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ để phục kích, vây bắt.

Mặc dù đối tượng manh động, liều lĩnh, nổ súng chống trả để tháo chạy về biên giới, nhưng Đội công tác đặc biệt đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bắt giữ 3 đối tượng cùng 60 bánh heroin, gần 16.000 viên ma túy tổng hợp, 4 khẩu súng quân dụng…

Cuộc chiến khốc liệt ở thủ phủ ma túy Lóng Luông (kỳ 3) - Ảnh 3.

Tang vật 4 khẩu súng, 85 viên đạn, 160 bánh heroin tại hiện trường

Im ắng được ít lâu, các toán nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang lại hoạt động trở lại và có dấu hiệu liều lĩnh hơn trước.

“Hàng” được cất giấu trong rừng, trong hang động, thậm chí cất ngay trong nhà, sau đó dùng người nhà hoặc thuê người vận chuyển theo chuyến.

Trên đoạn biên giới từ cửa khẩu Lóng Sập đến khu vực giáp với bản Huổi Hiềng (Lào) khoảng 20km, có vài chục đường mòn, đường tắt qua biên giới.

Nhưng bọn chúng thường men theo sườn núi cao hiểm trở, vách núi dựng đứng và rừng cây rậm rạp, có đoạn men theo bờ suối vắng vẻ để vận chuyển ma túy trên tuyến đường mòn dưới chân núi Pha Luông.

Đêm đêm, như những bóng ma, các toán nhóm vận chuyển ma túy được trang bị đủ loại súng như AK, CKC, Săm lếch, K54, K59 và cả lựu đạn cắt rừng xâm nhập nội địa, mang theo số lượng ma túy ngày càng lớn.

Cuộc chiến khốc liệt ở thủ phủ ma túy Lóng Luông (kỳ 3) - Ảnh 4.

Các đối tượng bị thương được điều trị

Trước tình hình đó, ngày 7/3/2015, tại khu vực bản Nà Tén, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Công an tỉnh Sơn La phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã đấu tranh thắng lợi với một toán 10 đối tượng có vũ trang, mang theo chó săn vận chuyển ma túy đi từ biên giới vào nội địa.

Khi bị lực lượng Công an phát hiện, các đối tượng nổ súng vào lực lượng làm nhiệm vụ, tổ công tác đặc biệt đã phải trấn áp, tiêu diệt 1 đối tượng, thu giữ 40 bánh heroin, 1 súng K59, 1 súng AK đạn đã lên nòng, 32 viên đạn.

Ngay sau đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La và Ban Chuyên án đã tổ chức rút kinh nghiệm.

Đồng thời tiếp tục các hoạt động nắm tình hình, theo dõi chặt di biến động của các đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang từ biên giới vào khu vực xã Lóng Luông và vùng phụ cận để lập kế hoạch đấu tranh.

Đầu tháng 5/2015, các trinh sát phòng chống ma túy Công an tỉnh Sơn La tiếp tục phát hiện một nhóm khoảng 28 đối tượng đi thành tốp, vai đeo ba lô nặng và trang bị súng đầy đủ, vận chuyển ma túy từ biên giới vào nội địa theo đường mòn, đi tắt xuyên rừng để vào khu vực xã Lóng Luông và các địa bàn phụ cận.

Trên cơ sở nắm tình hình, tìm hiểu kỹ địa hình, địa vật, chọn địa điểm phá án đảm bảo hiệu quả, Ban Chuyên án đã lập một kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ cho từng lực lượng tham gia phá án, thống nhất các nội dung hợp đồng tác chiến, làm sao vừa thắng lợi, an toàn và đúng quy định của pháp luật cũng như biện pháp công tác của ngành.

Mọi điều kiện về phương tiện, vũ khí, hậu cần phục vụ chuyên án cũng được chuẩn bị đầy đủ. Sáng sớm 3/5/2015, lực lượng đánh án đã lên đường di chuyển đến địa bàn huyện Vân Hồ.

Đúng 20 giờ 40 tối 3-5- 2015, tại đỉnh núi Rồng thuộc địa phận bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, một toán khoảng 28 tên có vũ trang vận chuyển ma túy vào nội địa đã vào khu vực mật phục của ta.

Lực lượng Công an Sơn La đã phối hợp với lực lượng Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động – Bộ Công an nhanh chóng triển khai đội hình vây bắt.

Vừa phát hiện tổ công tác, lập tức đám tội phạm giương súng bắn điên cuồng, tới tấp nhằm áp đảo lực lượng của ta.

Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, trấn áp tội phạm và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng làm nhiệm vụ, tổ công tác buộc phải nổ súng để phòng vệ chính đáng, kết quả đã tiêu diệt 1 đối tượng.

Thấy đồng bọn bị hạ gục, các đối tượng còn lại bỏ chạy tán loạn về phía biên giới.

Tại hiện trường, tổ công tác đã phát hiện, thu giữ 4 khẩu súng quân dụng, trong đó có 3 khẩu súng AK, 1 khẩu cạc bin, 85 viên đạn, nhiều vỏ đạn, 10 ba lô bên trong đựng 160 bánh heroin cùng một số vật chứng liên quan khác.

Hơn một năm sau, hồi 22 giờ ngày 20/8/2016, lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ tiếp tục phát hiện một toán 11 đối tượng có vũ khí đang vận chuyển trái phép chất ma túy.

Khi bị phát hiện, các đối tượng đã dùng súng quân dụng bắn xối xả về phía lực lượng làm nhiệm vụ, buộc tổ công tác phải nổ súng trấn áp.

Các đối tượng bỏ chạy về bên kia biên giới, bỏ lại 1 khẩu súng Sămpalêch, 20 bánh heroin, nhiều vỏ đạn AK, Sămpalêch cùng một số vật chứng liên quan…

Cuộc chiến khốc liệt ở thủ phủ ma túy Lóng Luông (kỳ 3) - Ảnh 5.

Ngày 20/8/2016, sau trận đấu súng, các đối tượng bị thương bỏ chạy về phía biên giới, bỏ lại 1 khẩu súng, 20 bánh heroin, nhiều vỏ đạn AK, Sămpalêch

Sau những cuộc đấu súng này, thấy lực lượng Công an tỏ thái độ quyết liệt, nên cuối năm 2016, đầu năm 2017, tần xuất các nhóm, toán vận chuyển, mua bán ma túy có vũ trang qua biên giới đã giảm, những đối tượng người nước ngoài không dám ngang nhiên vượt biên giới nữa.

Tuy nhiên, Ban chuyên án xác định, bọn chúng vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng thay đổi phương thức, thủ đoạn.

Hoạt động của các tốp, toán đối tượng vận chuyển ma túy hầu như chỉ dừng lại ở khu vực xã biên giới, không vào sâu trong nội địa; đồng thời có dấu hiệu chuyển hướng đi các địa bàn khác trong tỉnh Sơn La, như tuyến Sốp Cộp, Sông Mã, đặc biệt là chuyển hướng xuống xã Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình).

(Còn tiếp...)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại