“Đi thi, kết quả không quan trọng, quan trọng là con đã làm hết sức”

Nam Dương |

Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, không chỉ thí sinh lo lắng, hồi hộp, phía sau cánh cổng trường đang khép chặt, hàng triệu phụ huynh vẫn hướng theo con.

Hôm nay (27/6), kỳ thi THPT quốc gia cũng đã bước vào ngày thi cuối cùng. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, nhưng hàng triệu gia đình trên cả nước đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc khác nhau. Có thể nói, đây là kỳ thi lớn lần thứ 2 của thế hệ đầu 10x “rồng vàng”, sau kỳ thi vào lớp 10 THPT.

“Đi thi, kết quả không quan trọng, quan trọng là con đã làm hết sức” - Ảnh 1.

Kỳ thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là bước ngoặt trong cuộc đời, đánh dấu sự kết thúc của những năm tháng trên ghế nhà trường phổ thông.

Sau đó, mỗi em sẽ có một con đường riêng, vào đại học, học nghề, hay tham gia trực tiếp vào thị trường lao động. Muốn thế, các em phải trải qua kỳ thi này.

Cảm giác hồi hộp, lo lắng, thấp thỏm hay vui mừng sung sướng không chỉ là cảm xúc của riêng học sinh, mà đó còn là nỗi niềm của phụ huynh mỗi khi mùa thi tới.

Trong suốt những ngày diễn ra kỳ thi, dù sáng hay chiều, dù trời nắng hay mưa, trước cổng trường các điểm thi, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của rất đông phụ huynh đăm chiêu, dõi mắt chờ con.

Khuất sau nhiều lớp tường, hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt, cha mẹ vẫn luôn tin rằng sự có mặt gần nhất bên con lúc này sẽ san sẻ những hồi hộp, động viên con bình tĩnh để làm bài.

Thi cử là chuyện của thí sinh, nhưng thực tế, những người suy nghĩ nhiều nhất lại là phụ huynh. Người ta vẫn nói rằng, muốn hiểu lòng cha mẹ, hãy đến cổng trường vào những ngày thi.

Khi các thí sinh đang cân não trong phòng thi, sáng tạo từng câu văn, chinh phục từng con số và vượt qua cả kỳ thi cam go của cuộc đời, ngoài kia, dù nắng hay mưa vẫn có các bố các mẹ thấp thỏm mong chờ.

“Hôm qua nó bảo đề thi Toán có câu nào về đường tròn khó, nên bỏ qua, đề thi Văn câu hỏi về tiềm lực gì đấy cũng trừu tượng quá”, chị Vũ Thu Hiền (Nam Sách, Hải Dương) tâm sự.

Chị Hiền đã hơn 50 tuổi, sống bằng nghề làm ruộng. Những ngày này, đang vào vụ cấy, gác lại những việc nhà nông, chị chuẩn bị tươm tất mọi thứ để đưa con đi thi.

Chị tâm sự, đứa con thứ 2 của chị thi THPT quốc gia, năm nay không vất vả như khi con đầu thi đại học, ngày ấy vẫn còn thi chung, nên phải đưa con lên Hà Nội.

Giờ đây, mọi việc diễn ra ngay tại địa phương nên thuận tiện hơn nhiều. Ấy vậy, nhưng nỗi lo âu của chị vẫn không mấy giảm bớt.

“Cái lo đầu tiên là lo về sức khỏe, thứ 2 nữa là sợ con mất bình tĩnh, tính con bé nhút nhát, những lúc quan trọng thường hay run, lại không làm được bài. Nhưng đến giờ này, thi được đến đâu thì được, quan trọng là con cũng đã cố hết sức rồi”.

Tại điểm thi THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Liễu (Ngọc Thụy, Long Biên) đứng đợi con thi ngoài cổng trường ngày 26/6 trong nỗi thấp thỏm.

“Sáng nay tôi bận, nên không đưa cháu đi, bố đưa cháu đi thi. Đến trưa nay về, con vẫn phải tranh thủ ôn bài cùng bạn. Đến ngày 24, con vẫn thức đến 3h sáng để ôn tập môn Văn. Đây là môn con sợ nhất vì phải học nhiều tác phẩm.

Mẹ cũng lo lắng, không ăn ngủ được như con. Đến khi thi xong, làm bài không được tốt lắm, nên con cũng thất vọng. Bản thân tôi thì chỉ thấy thương con.

Dù vậy, vẫn động viên con cố gắng, bình tĩnh, không cần quá lo lắng. Quan trọng là con đã làm hết sức, kết quả được đến đâu cũng không quan trọng”, chị Liễu nói rơm rớm nước mắt.

Chị Nguyễn Phương Liên, (Đống Đa, Hà Nội) có con thi vào trường ĐH Sư Phạm Hà Nội chia sẻ: “Đến giờ, các con đã đi được 2/3 chặng đường. Còn chặng cuối, mong các con bình tĩnh, tâm lý thoải mái để hoàn thành bài thi Khoa học Xã hội”.

“Tôi không hy vọng con trở thành ông nọ bà kia, chỉ mong con đi theo được con đường mà con mong muốn, được làm đúng nghề mà con đam mê, thế là mẹ vui rồi”.

Chị Liên kể về những đêm con ôn bài miệt mài bằng giọng xót xa: “Những ngày trước khi thi, lịch học của cháu dày đặc, hết học thêm, lại đến tự ôn.

Năm nay, để dự thi vào các trường Sư phạm, dự đoán là không dễ, nhưng con đã thích, nên gia đình cũng ủng hộ hết mình”.

Chị Liên cho rằng, trong những kỳ thi quan trọng, các con là người phải chịu nhiều áp lực, do đó, chị luôn cố gắng tạo tâm lý thoải mái hơn cho con. “Những ngày này, mẹ cố gắng sắp xếp thời gian, việc nhà cũng không bắt làm.

Nếu thấy học nhiều lại phải giục con nghỉ, cho con đi chơi cho đỡ áp lực. Tôi luôn nói với con rằng, thi cử, được đến đâu thì được, quan trọng là cần giữ vững sức khỏe và tinh thần”.

Còn theo anh Bùi Minh Tuấn (Hai Bà trưng, Hà Nội) vào đại học không phải con đường duy nhất: “Tôi không đặt cho con bất cứ áp lực nào về điểm số hay thi cử. Mỗi năm hàng nghìn người tốt nghiệp đại học, không có việc làm là sự thật.

Không nên chỉ vì muốn được nở mày nở mặt mà ép con học ngày cày đêm. Nếu đỗ là cái tốt, không đỗ cũng không sao. Còn nhiều trường nghề mà con có thể lựa chọn. Tôi ủng hộ nếu con chọn học nghề thay vì học đại học.

Đi đường nào cũng được, dù xa hay gần, miễn là con được làm nghề mà con thích, có vậy con mới thực sự vui và thành công”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại