Sứ mệnh trên vai ông Pompeo và chuyện đằng sau "sách lược hai mặt" khó lường của Mỹ với TQ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể ổn định và đột biến vẫn luôn có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Các chuyến công du của ông Pompeo

Sau cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore ngày 12/6 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thực hiện chuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dù làm găng hay dịu với Triều Tiên như xưa nay và đặc biệt để thực hiện những gì đã được thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim Jong-un, Mỹ luôn cần sự đồng hành của cả ba đối tác kia. Bốn quốc gia đều có chung mục đích cùng thôi thúc Triều Tiên thực hiện những gì đã cam kết và kiểm soát, giám sát, xác thực mức độ thực hiện của Triều Tiên.

Cho nên không có gì là khó hiểu khi ông Pompeo ở cả ba nơi đều không chỉ thông tin về cuộc thượng đỉnh mà còn trình bày và giải thích quan điểm, mục đích của Mỹ cũng như những dự định cho thời gian tới.

Sứ mệnh của ông Pompeo là xua tan những lo ngại và nghi ngại của Hàn Quốc và Nhật Bản về nguy cơ bị Mỹ gạt ra ngoài lề trong xử lý quan hệ với Triều Tiên, bị mất vai trò và tổn hại lợi ích ở khu vực. Đối với Trung Quốc cũng vậy.

Sứ mệnh trên vai ông Pompeo và chuyện đằng sau sách lược hai mặt khó lường của Mỹ với TQ - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Nhưng Trung Quốc không giống như Hàn Quốc và Nhật Bản đối với Mỹ. Bởi lẽ, Bắc Kinh luôn có thể cản trở hoặc thậm chí can thiệp tiêu cực vào tiến trình mà Mỹ hiện đang cùng Triều Tiên vận hành.

Trung Quốc có không thiếu lý do và lợi ích để làm việc ấy vì giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược quyết liệt trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều khu vực trên thế giới. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà ông Pompeo công du Trung Quốc vào thời điểm hiện tại.

Không phải tình cờ khi vào đúng thời điểm ấy ông Trump quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ - mức độ giá trị 50 tỷ USD cho 1.102 mặt hàng và bắt đầu từ ngày 6/7 này - trong nhận thức rõ ràng và đầy đủ là phía Trung Quốc sẽ trả đũa tương tự.

Cũng không có chuyện ông Pompeo chỉ thuần túy nhắc lại quan điểm của Mỹ về ý đồ chính sách và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông khi nói rõ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ muốn có hòa bình ổn định và bền vững ở khu vực.

Những hình ảnh nổi bật trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Chính sách "hai mặt" của Mỹ

Lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng những vị trí quân sự và tăng cường vũ trang ở khu vực biển Đông, Mỹ coi những hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp và trầm trọng thêm các tranh chấp, gây nguy hiểm cho tự do đi lại và thương mại cũng như làm tổn hại cho ổn định trong khu vực.

Qua đó, có thể thấy được sách lược hai mặt của Mỹ đang thực hiện với Trung Quốc.

Một mặt, Mỹ vẫn tranh thủ Trung Quốc ở mức độ cần phải tranh thủ và trong những vấn đề Mỹ chỉ có thể xử lý nổi và có lợi nhất nếu được Trung Quốc hậu thuẫn và cùng tham gia giải quyết.

Hiện tại, Mỹ cần nhất ở Trung Quốc là cùng gia tăng áp lực tối đa để Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.

Mỹ tranh thủ Trung Quốc để phân hóa nước này với những đối tác khác mà Trung Quốc đã và hiện đang tập hợp xung quanh Trung Quốc.

Mỹ thừa hiểu rằng Triều Tiên không thể phớt lờ Trung Quốc khi cùng Mỹ vận hành tiến trình hòa bình và hòa giải hiện tại.

Mặt khác, Mỹ buộc phải làm găng với Trung Quốc ở mức độ cần thiết và trong những vấn đề động chạm tới lợi ích thiết thực và chiến lược của Mỹ.

Chuyện áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với Trung Quốc là chiêu tranh thủ cử tri của ông Trump cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Sứ mệnh trên vai ông Pompeo và chuyện đằng sau sách lược hai mặt khó lường của Mỹ với TQ - Ảnh 4.

Nhưng ngoài mục đích đối nội, ông Trump còn muốn phục vụ mục tiêu chiến lược lâu dài của Mỹ là ngăn cản Trung Quốc vươn lên hàng đầu thế giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao - hay còn được Trung Quốc gọi là kế hoạch "Made in China 2025".

Tương tự như vậy trong những chuyện liên quan đến khu vực biển Đông.

Với sách lược hai mặt này, Mỹ muốn cho Trung Quốc thấy là Mỹ vẫn phải hợp tác với Trung Quốc nhưng luôn sẵn sàng làm găng với Trung Quốc.

Hai nước đã tùy thuộc lẫn nhau ở mức độ rất cao nhưng không vì thế mà bất đồng quan điểm không cơ bản và sâu sắc; xung khắc lợi ích không vì thế mà không quyết liệt, thậm chí còn có thể không thể khoan nhượng với nhau.

Nhưng cả Trung Quốc cũng hai mặt như thế đối với Mỹ. Vì vậy, mối quan hệ song phương này chưa thể ổn định và đột biến vẫn luôn có thể xảy ra bất cứ khi nào.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại