Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cán bộ đứng đầu đặc khu cũng phải đặc biệt

Hoàng Đan |

"Đã nói đặc khu là đặc biệt, tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Chiều 6/6, Quốc hội chuyển sang phần chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Theo Chủ tịch Quốc hội, đã có 71 đại biểu đăng ký chất vấn đối với ông Huệ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn, sắp tới Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, vậy Chính phủ có tiêu chí đặc biệt gì để tuyển chọn cán bộ, nhất là chức danh Chủ tịch đặc khu?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: "Đã nói đặc khu là đặc biệt, tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt".

Ông Huệ thông tin, vừa rồi trong Dự thảo Luật đã có quy định người đứng đầu đặc khu rất quan trọng nên có quy trình cán bộ rất chặt chẽ theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, sau đó HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn.

Phó Thủ tướng tin tưởng sẽ chọn được người đủ đức, đủ tài để đứng đầu các đặc khu.

Tiếp nối câu hỏi về đặc khu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: Xin Phó Thủ tướng cho biết khái quát, nếu triển khai thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì kinh tế xã hội của các địa phương đó sẽ phát triển như thế nào, đóng góp như thế nào cho kinh tế Việt Nam? Phó Thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế ở 3 đặc khu đó với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cán bộ đứng đầu đặc khu cũng phải đặc biệt - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trên thế giới việc ra đời thành lập các đặc khu để tạo ra nơi thử nghiệm thể chế, tạo ra sự tăng trưởng, cái đó là nguyên tắc chung.

Dự Luật hiện nay Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán tổng thể cả về lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, quan hệ kinh tế với quốc phòng...

Về việc khi có đặc khu thì các vùng khác như nào, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, dù có hay không có đặc khu, Hà Nội và TP.HCM vẫn là 2 đầu tàu, động lực của cả nước.

"Với 7 vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục tập trung cơ chế chính sách, phát huy thế mạnh các vùng này để lan toả các địa phương và vùng khác.

Việc ra đời các đặc khu không ảnh hưởng, tác động đến quan điểm cũng như phát triển của chúng ta. Các nguồn lực của Trung ương, địa phương tập trung cho 2 đầu tàu là 7 vùng kinh tế trọng điểm này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, bằng sự trân trọng nhất, ông và cử tri không hài lòng với câu trả lời của Phó Thủ tướng.

"Tôi hỏi khác chứ không để cập đến 7 vùng kinh tế hay đầu tầu kinh tế. Tôi hỏi ý là, rồi đây 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ phát triển đến mức nào, kinh tế xã hội như thế nào.

Xin Phó Thủ tướng cho vài nét khái quát để mọi người yên tâm, đồng thời, xin Phó Thủ tướng thông tin sự phát triển của 3 đặc khu đó với ổn định an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ đất nước theo thời gian", ông Trí nhắc lại câu hỏi.

Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hiện nay chưa thông qua Luật Đặc khu mà mới đang bàn, vấn đề đại biểu Trí nêu đề nghị Phó Thủ tướng trả lời bằng văn bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại