Grab tăng giá cước sau khi thâu tóm Uber

Uyên Phương |

Giải thích nguyên nhân tăng giá cước, đại diện hãng Grab giải thích là để 'công bằng' với các đối tác, vì tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi.

Gần đây, nhiều khách hàng “tố” Grab tăng giá cước bất thường, trong khi đó thái độ phục vụ của tài xế cũng làm khách phiền lòng. Đại diện Grab cho biết thời gian tới sẽ nghiêm khắc hơn với thái độ của tài xế. Theo đó, các tài xế nếu hủy chuyến mà không có lý do chính đáng, có quy tắc ứng xử không phù hợp hoặc có khách hàng phản ánh thì sẽ bị treo app, khóa tài khoản và yêu cầu tài xế giải trình.

Vị này cũng hứa sẽ nghiên cứu lại việc tài xế huỷ chuyến quá nhiều lần sẽ có chế tài phạt cụ thể.

Grab thừa nhận đã tăng cước phí các dịch vụ vận chuyển từ năm 2017 do giá xăng tăng liên tục, chẳng hạn năm 2017 giá xăng đã tăng 6 lần. “Chúng tôi tăng cước là để công bằng với các đối tác vì tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi” – đại diện Grab cho hay. Ông này cũng cho rằng do đường ở TPHCM thường ngập, nên dù có tăng giá cước xe nhưng tài xế vẫn chưa mặn mà.

Chính thức mua lại Uber VN vào ngày 8/4, Grab khẳng định không độc chiếm thị trường, sẽ không tăng giá cước nhưng thực tế giá cho mỗi chuyến đi của Grab đã tăng chóng mặt.

Grab tăng giá cước sau khi thâu tóm Uber  - Ảnh 1.

Cước tăng cao nhưng nhiều tài xế cho biết tiền không tăng thêm bao nhiêu

Rất nhiều khách hàng sử dụng ứng dụng Grab nhận xét, giá cước của hãng này trong khoảng hai tháng trở lại đây (trùng với thời điểm Grab mua lại Uber) đã điều chỉnh tăng đáng kể, mức tăng phổ biến vào khoảng 20-30%. Đặc biệt, vào lúc cao điểm như mưa lớn, giờ tan tầm, giá cước có khi tăng từ 200-300%.

Chị Thu (ngụ đường Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp) cho biết, chiều tối 5/6, do trời mưa nên chị đặt xe qua ứng dụng Grab từ siêu thị về nhà, khoảng cách chưa đầy 3km nhưng cước phí lên đến hơn 100.000 đồng. “Vẫn biết giá tăng vào giờ cao điểm, nhưng tôi không nghĩ lại tăng nhiều đến vậy, vì thường ngày cũng quãng đường này, cước phí chưa đầy 30.000 đồng” – chị Thu ngao ngán.

Tuy nhiên, theo nhiều tài xế Grab cho hay, thực tế tiền không vào túi họ. Anh T. (38 tuổi, tài xế Grab taxi) kể có hôm, anh chạy được 1,3 triệu đồng nhưng sau khi hạch toán, trừ chi phí, anh chỉ còn 113.000 đồng cho 12 giờ làm việc liên tục. Hay Tuấn, tài xế Grabbike thừa nhận, với những cuốc xe có cự ly ngắn, mức giá 25.000-30.000 đồng, nhiều tài xế không nhận khách. Một số khách thanh toán bằng thẻ visa, nếu giá cước trên 100.000 đồng thì hãng cung cấp ứng dụng mới chuyển tiền ngay cho tài xế, còn ít hơn thì họ phải nhận sau một vài ngày.

Grab tăng giá cước sau khi thâu tóm Uber  - Ảnh 2.

Do có thị phần lớn, Grab cứ mặc nhiên tăng giá?

Chia sẻ về việc Grab tăng giá, một chuyên gia kinh tế (xin giấu tên) cho rằng, do Grab đang ở thế độc quyền và chiếm thị phần lớn nên việc tăng giá là điều mà khách hàng khó tránh khỏi. Theo chuyên gia này, chỉ cần mức tăng giá 5-10% với thị phần lớn hiện nay, Grab đã có khoản doanh thu rất lớn.

Tuy nhiên, có thể Grab sẽ không chọn mức tăng 5-10% mà sẽ cao hơn, ở 30-40%. Nguyên nhân là do Grab đang đang giữ tỷ lệ ăn chia với tài xế là 25% (cộng thêm 3,6% tiền thuế). Nếu tăng giá 5-10%, phần “kiếm thêm” của Grab với phần 25% sẽ nhỏ hơn nhiều khi tăng giá 30-40%.

Ví dụ một cuốc xe 50.000 đồng, nếu tăng giá thêm 10%, thì số tiền vào thêm túi của Grab chỉ là 25% của 5.000 đồng (khoảng 1.250 đồng). Nhưng khi tăng giá 30%, số tiền kiếm thêm được bằng 25% x 15.000 đồng = 3.750 đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại