Vụ bắt giữ Saddam Hussein và "phút cân não" cuối cùng trước khi Gaddafi chịu xóa sổ vũ khí cấm

Thi Anh |

Phút cuối, phía Libya chuyển lời rằng, Gaddafi bị đau họng nên không thể đọc thông cáo (tuyên bố Libya từ bỏ vũ khí cấm) thành lời.

LTS: Ngày 29/4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton đã tuyên bố nước này đang cân nhắc áp dụng kiểu mẫu giải trừ hạt nhân của Libya hồi những năm 2003-2004 đối với Triều Tiên. Tuyên bố này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong những ngày vừa qua.

Tòa soạn xin trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài tư liệu về Quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Libya để giúp quý độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về sự kiện lịch sử này.

Để xem các bài viết trước, mời quý độc giả click vào đây:

Phần 1: Vì sao người Libya phẫn nộ và xấu hổ khi ông Gaddafi quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân?

Phần 2: "Đòn hiểm" của tình báo Anh, Mỹ và bí mật thương thảo khiến Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân


Được Libya tiết lộ về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của mình và mở cửa tạo điều kiện cho quá trình thanh sát là chưa đủ với quan chức Anh, Mỹ. Washington và London muốn Gaddafi phải tự mình nói cho cả thế giới về quyết định không tái lập chương trình WMD. Nhưng người Libya lại im lặng.

Cuộc đàm phán trong câu lạc bộ

Ngày 16/12/2003 - 4 ngày sau khi các chuyên gia trở về từ chuyến đi thứ hai tới Libya và 3 ngày sau khi Saddam Hussein bị phát hiện ở chỗ ẩn nấp gần Tikrit, cố vấn Nhà Trắng Robert Joseph, giám đốc phụ trách tình báo - quân sự thuộc Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (Bộ Ngoại giao Anh) William Ehrman, quan chức tình báo Mỹ Stephen Kappes và người đồng cấp Anh Mark Allen đã gặp nhóm 6 đại diện Libya do đại sứ Libya Abdul al-Obeidi dẫn đầu ở London.

Lần này Anh, Mỹ muốn thuyết phục các đại diện Libya - để rồi họ đi thuyết phục Gaddafi - rằng quyết định từ bỏ WMD chiến lược là cách duy nhất giúp Libya chấm dứt trạng thái bị cô lập.

Chuyến đi của Joseph được giữ bí mật theo yêu cầu của Nhà Trắng, bí mật tới mức ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cũng không được biết trước.

Tại London, Joseph không lưu lại khách sạn gần đại sứ quán Mỹ như các quan chức Mỹ hay lựa chọn mà ở khách sạn Stafford tại khu St.James, gần Pall Mall. Để đảm bảo bí mật và tránh rò rỉ, cuộc gặp mặt được tổ chức ở Travellers Club, một câu lạc bộ lâu đời ở Pall Mall.

Vụ bắt giữ Saddam Hussein và phút cân não cuối cùng trước khi Gaddafi chịu xóa sổ vũ khí cấm - Ảnh 2.

Câu lạc bộ Travellers Club. Ảnh: Khalid Kassem

Travellers Club yêu cầu thành viên và khách phải mặc áo khoác và đeo cà vạt, việc mà người Libya không để tâm tới. Vì muốn tránh gây sự cố ngoại giao nên các quan chức Bộ Ngoại giao Anh phải nhanh chóng đưa các vị khách của mình đi khuất tầm mắt nhân viên câu lạc bộ, vào phòng họp trên tầng hai - tờ Times of London cho hay.

Chỉ dẫn mà Joseph nhận được về nhiệm vụ lần này cũng bất thường như chuyến đi. Thay vì tập tài liệu 3 ngăn chứa thông tin thảo luận trước đó, tiểu sử của người tham gia và các điểm cần nhắc tới thì Joseph chỉ có một chỉ dẫn đơn giản: Cơ bản là "đừng phá tung mọi chuyện".

Joseph hiểu rằng nếu cuộc đàm phán với Libya thành công, Tổng thống Bush sẽ có thể cho thế giới thấy: Chiến tranh phòng ngừa như cuộc chiến ở Iraq không phải cách duy nhất để đối phó với những nỗ lực sở hữu WMD của các quốc gia bất hảo (rouge state).

Joseph còn nghĩ rằng, nếu Gaddafi thật sự từ bỏ hạt nhân, Libya có thể trở thành hình mẫu cho các nước phổ biến WMD khác.

Cuộc đàm phán do quan chức ngoại giao Anh William Ehrman chủ trì.

Vụ bắt giữ Saddam Hussein và phút cân não cuối cùng trước khi Gaddafi chịu xóa sổ vũ khí cấm - Ảnh 3.

Đại sứ Libya Abdul al-Obeidi. Ảnh: BNG Anh

Phiên họp đầu tiên lúc sáng tại Bộ Ngoại giao Anh diễn ra rất tệ. Obeidi mở màn với một bài nói dài dòng về những bất mãn của Libya và kết thúc với yêu cầu đòi dỡ bỏ cấm vận nhằm vào Libya ngay lập tức. Joseph cứng rắn đáp lại rằng cấm vận không nằm trong chương trình nghị sự và sẽ không được đàm phán lần này.

Tuy nhiên, trong không khí bớt phần trang trọng của Travellers Club, người Libya đã tạo điều kiện cho các bên nói tới những điều mà Libya phải công bố trước dư luận. Joseph và Ehrman đưa câu chuyện trở về với việc Libya công nhận công khai và cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học của mình.

Nếu Tripoli làm điều này, Joseph nói, một rào cản đáng kể trong nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây của Libya sẽ được loại trừ.

Ban đầu, người Libya vẫn kiên quyết muốn Mỹ dỡ bỏ cấm vận ngay lập tức, khôi phục quan hệ ngoại giao và quan trọng nhất là từ bỏ nỗ lực thúc đẩy thay đổi chế độ ở Tripoli để đổi lấy lời tuyên bố công khai của mình. Joseph biết rằng điều này là không thể chấp nhận được.

Ông cũng rất bất ngờ trước "sự lảng tránh" vấn đề trong tuyên bố sơ thảo mà Musa Kusa, lãnh đạo tình báo Libya, đưa ra ban đầu. Bản thảo dài 3 trang thậm chí còn không đề cập tới sự tồn tại của chương trình vũ khí cấm ở Libya, hay việc ông Gaddafi đã sẵn sàng từ bỏ nó. Trong đó chỉ nói, Libya muốn thiết lập một "khu vực không WMD" ở Trung Đông.

Vụ bắt giữ Saddam Hussein và phút cân não cuối cùng trước khi Gaddafi chịu xóa sổ vũ khí cấm - Ảnh 4.

Robert Joseph, thành viên đàm phán phía Mỹ. Ảnh: Cyril Bruneau

Sau khi kiên nhẫn xem từng câu trong bản thảo của Libya, Joseph và Ehrman tiếp tục gây sức ép. Về phần mình, người Libya lưỡng lự. Họ lo sợ, một khi người Mỹ có lời thú nhận của Tripoli trong tay thì họ có sử dụng để tiến hành tấn công quân sự hay không?

Trong suốt cuộc đàm phán kéo dài 6 tiếng, có những lúc Joseph ngẩng lên và thấy tất cả 6 thành viên trong đoàn Libya đều ôm đầu suy nghĩ.

Joseph cảm thấy, vụ bắt giữ Saddam Hussein 3 ngày trước cũng được các đại diện Libya tính đến. Những bức ảnh ghi lại cảnh ông Hussein xơ xác, rối bời khi bị lôi khỏi nơi ẩn náu trong một trang trại gần Tikrit xuất hiện khắp các mặt báo và màn hình vô tuyến ở London - lời nhắc nhở về hậu quả cho những người không hiểu rằng vụ tấn công 11/9 đã làm thế giới thay đổi.

Thực ra, Joseph có lợi thế nhất định trong bối cảnh này. Chuyến đi của nhóm kỹ thuật do Mỹ dẫn đầu tới Syria đã khai thác được rất nhiều thông tin về các chương trình vũ khí của Tripoli - nhiều tới mức không phủ nhận nổi.

Mãi tới chiều muộn hôm đó, Joseph, Ehrman và các cộng sự mới tạm hài lòng dù kiệt sức. Libya đã thừa nhận các chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học và tên lửa tầm xa. Họ cũng nhất trí rằng Libya sẽ hủy bỏ toàn bộ các vật liệu và thiết bị liên quan tới WMD, đồng thời cam kết không sử dụng tàn dư của nỗ lực làm giàu uranium bí mật cho mục đích dân sự.

Lo lắng của Gaddafi

Ngày 17/12/2003, các quan chức Mỹ và Libya về nước. Liệu Gaddfi sẽ phản ứng ra sao với thông cáo sơ thảo? Ông có chấp nhận nội dung và câu chữ trong đó không? Cả Kusa lẫn Obeidi đều không chắc chắn.

Vụ bắt giữ Saddam Hussein và phút cân não cuối cùng trước khi Gaddafi chịu xóa sổ vũ khí cấm - Ảnh 5.

Lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Ảnh: Reuters

Lo sợ vụ bắt giữ đầy tủi nhục của ông Saddam có thể được coi là động lực đằng sau quyết định giải trừ vũ khí tự nguyện nên Gaddafi đột nhiên trì hoãn. Theo lời con trai Seif al Islam của Gaddafi, ông Blair đã phải thúc giục Gaddafi rằng: "Làm ơn, chúng ta đang vội mà. Đây là thành công lớn cho tất cả chúng ta".

Trưa hôm đó, để gia tăng khả năng thành công, Thủ tướng Anh Tony Blair điện cho Gaddafi. Lãnh đạo Libya bày tỏ 2 mối lo ngại, có lẽ cũng chính là động lực khiến ông từ bỏ chương trình vũ khí cấm của mình.

Vụ bắt giữ Saddam Hussein và phút cân não cuối cùng trước khi Gaddafi chịu xóa sổ vũ khí cấm - Ảnh 6.

Thông tin về vụ bắt giữ ông Saddam Hussein trên The Sun. Ảnh: Internet

Thứ nhất, ông không muốn tỏ vẻ thỏa hiệp với yêu cầu của Mỹ. Saddam Hussein vừa bị bắt mấy ngày trước đó và so sánh giữa Iraq với Libya là không thể tránh khỏi, Gaddafi phàn nàn. Thứ hai, ông lo Mỹ sẽ tấn công Libya nếu nước này thừa nhận sở hữu các vũ khí cấm.

Gaddafi cũng nói thêm rằng ông không hài lòng với câu chữ trong bản thảo, ông muốn Bộ trưởng Ngoại giao của mình là người ra tuyên bố. Ông Blair đã trấn an Gaddafi và khẳng định rằng nếu Gaddafi nói rõ về chương trình WMD và thể hiện quyết tâm loại trừ thì Mỹ, Anh sẽ đáp lại một cách tích cực.

Sau khi kết thúc điện đàm với Gaddafi, Blair gọi cho Bush và hai nhà lãnh đạo Anh, Mỹ thống nhất rằng Gaddafi phải tự mình ra thông cáo và Libya phải thừa nhận cũng như cam kết rõ ràng.

Giới chức Libya chuyển cho người Anh hai thông cáo sơ thảo khác do Bộ Ngoại giao Libya soạn và cho biết, nếu một trong hai bản thảo được chấp nhận thì nó sẽ được công bố vào ngay hôm sau, 19/12. Tuy nhiên, Washington không hài lòng.

Cho tới chiều tối ngày 19/12, sau nhiều trao đổi, 3 nước mới đi đến thống nhất về văn kiện cuối cùng. Vấn đề còn lại là liệu Gaddafi có chịu tự mình ra tuyên bố hay không.

Sau một khoảng thời gian im ắng, cuối cùng người Libya chuyển lời rằng, Gaddafi bị đau họng nên không thể đọc thông cáo thành lời, Ngoại trưởng Libya sẽ là người đọc và Gaddafi sẽ ban hành văn kiện giấy ủng hộ hành động này.

Ngoại trưởng Libya Abdel Rahman Shalgham đã công nhận Libya sở hữu "vật liệu, thiết bị và chương trình dẫn tới việc sản xuất các vũ khí bị thế giới bài trừ", bao gồm cả "các máy ly tâm và vũ khí hóa học". Ông nói: Libya tự nguyện quyết định từ bỏ tất cả các vũ khí này.

Gaddafi đã ủng hộ tuyên bố này bằng một văn kiện 121 từ chỉ trong một câu. Ông cho hay, ông đi bước đi này, "để màu xanh (màu không chỉ của cờ Libya mà còn của Hồi giáo - PV) sẽ tràn ngập khắp thế giới". Gaddafi gọi thông cáo của Bộ Ngoại giao Libya là "sáng suốt" và là "bước đi quan trọng xứng đáng với sự ủng hộ của người dân Libya" .

Mười tháng sau, sau khi các đặc vụ phương Tây bắt tay vào dỡ bỏ tất cả những thành phần trong chương trình WMD và tiêu hủy tên lửa đạn đạo tầm xa của Libya, Blair đã gửi cho lãnh đạo Libya một lá thư chúc mừng thân thiện, gọi ông Gaddafi là "Muammar thân mến" và ký tên "Chúc ông mọi sự tốt lành, Tony".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại