Đối thoại với Triều Tiên: Mỹ rơi vào chiến thuật trì hoãn khéo léo của Bình Nhưỡng?

Trịnh Ngọc Tiến |

Triều Tiên chắc chắn sẽ không dễ dàng từ bỏ thứ vũ khí mà họ đã tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để phát triển, để đổi lấy một lời "hứa" không chắc chắn từ Mỹ.

Theo New York Times, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy một hiệp ước hòa bình lâu dài với Mỹ, với điều kiện Mỹ phải cam kết sẽ không xâm lược Triều Tiên. Đây là thiện chí mới nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với Mỹ.

Con đường phát triển hạt nhân Triều Tiên - Ván bài "kép"?

Trong một thời gian khá dài trước đây, vấn đề hạt nhân Triều Tiên luôn là một ván bài kép. Nó vừa là ván bài của các nước lớn Trung-Mỹ-Nga, vừa là ván bài giữa việc tiến hành phát triển tên lửa hạt nhân của Triều Tiên với cộng đồng quốc tế. "Kẽ hở" mà ván bài giữa các nước lớn hình thành đã tạo cơ hội cho Triều Tiên phát triển hạt nhân.

Sự phát triển hạt nhân của Triều Tiên vừa bao gồm tiến bộ về công nghệ hạt nhân, vừa bao gồm các hoạt động ngoại giao của Triều Tiên; đặc biệt là chính sách ngoại giao đối với các nước lớn. Họ luôn biết cách tạo ra bất đồng giữa các nước lớn, cũng như lợi dụng để tranh thủ phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã nảy sinh hai vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, nó đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế, mà đại diện là Hội đồng Bảo an LHQ hợp tác để ứng phó với vấn đề nhạt nhân Triều Tiên. Các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an mỗi khi được đưa ra đều là những biện pháp hà khắc nhất.

Thứ hai, sự phát triển tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đã và đang phá vỡ chỉ giới đỏ của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ.

Từ những chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, Mỹ chắc chắn sẽ không chấp nhận một Triều Tiên có khả năng răn đe hạt nhân nhằm vào Mỹ.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và việc phóng liên tiếp tên lửa hồi tháng 9/2017 của Bình Nhưỡng; phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có phần lúng túng.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra luận điệu đàm phán hòa bình, thì ông Trump lại tuyên bố trên Twitter rằng sẽ san phẳng Triều Tiên, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ đã sẵn sàng ở mức cao nhất cho việc sử dụng vũ lực.

Đối thoại với Triều Tiên: Mỹ rơi vào chiến thuật trì hoãn khéo léo của Bình Nhưỡng? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 72. Ảnh: Anadolu

Sau khi Triều Tiên "vượt qua giới hạn", vấn đề hạt nhân Triều Tiên chỉ còn là có nên sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân hay không, và 'trái bóng' đã được đá về phía Mỹ.

Trong khi ông Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên, thì ông Rex Tillerson (Ngoại trưởng Mỹ khi đó) lại chìa nhành ô-liu với phía Bình Nhưỡng khi nói rằng: "Chúng tôi không phải là kẻ thù của các bạn". Tuy nhiên dự luật trừng phạt mà Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua đã xác định Triều Tiên là "kẻ thù".

Việc đối phó với một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và là mối răn đe hạt nhân đối với Mỹ, đã trở thành thách thức lớn nhất của Washington. Dựa theo quy trình và hiệu quả trong quyết sách của Mỹ; việc Washington tạm thời im lặng không có nghĩa là nước này sẽ nhượng bộ Triều Tiên, bởi khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên đã tác động đến lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Vòng xoáy hạt nhân Triều Tiên

Việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là một tác động rất lớn đến những cam kết chiến lược và uy tín của Mỹ, do tính hợp pháp của sự hiện diện của Mỹ ở Đông Bắc Á đến từ các cam kết an ninh của Mỹ dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nếu Triều Tiên tạo nên sức răn đe hạt nhân đối với Mỹ, liệu Mỹ có dám chấp nhận rủi ro, chấp nhận dùng lãnh thổ của họ "hứng" đòn tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng để bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc hay không? Đây là câu hỏi chưa ai dám chắc câu trả lời.

Mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể phát sinh thay đổi, từ bảo vệ sự "sống còn của chính quyền và chế độ" chuyển hướng sang "thống nhất dân tộc". Giới chuyên gia và truyền thông Mỹ cũng đã thảo luận về tình huống này.

Hệ thống đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á cũng vì vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà bị cuốn vào vòng xoáy lung lay bất ổn. Thách thức này có thể nói là lớn chưa từng có; giống như thời kỳ Liên Xô sở hữu vũ khí hạt nhân đã tạo ra những thách thức lớn đối với Mỹ ở khu vực châu Âu.

Trên Twitter, ông Trump đã bày tỏ sự bất mãn đối với Trung Quốc và Nga, với tư tưởng vẫn còn bị mắc kẹt trong giai đoạn "ván bài kép", cùng quan niệm mò kim đáy bể, khó có thể ứng phó với vấn đề hạt nhân Triều Tiên vốn đang rơi tự do.

Đối thoại với Triều Tiên: Mỹ rơi vào chiến thuật trì hoãn khéo léo của Bình Nhưỡng? - Ảnh 2.

Các nhà khoa học Triều Tiên giới thiệu với nhà lãnh đạo Kim Jong-un về đầu đạn hạt nhân do Triều Tiên chế tạo. Ảnh: KCNA.

Tất nhiên, chiến lược răn đe hạt nhân của ông Kim Jong-un cũng rất có khả năng sắp thành lại hỏng, thực lực của Triều Tiên cơ bản không thay đổi được ván bài nước lớn, lấy vũ khí hạt nhân để "làm một mẻ, khỏe suốt đời"; nhằm giải quyết vấn đề an ninh và sự sống còn của Triều Tiên. Đây là một điều hoang tưởng.

Khi tên lửa hạt nhân của Triều Tiên có khả năng bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, thì cũng đồng nghĩa với việc trao cho nước Mỹ quyền chủ động quyết chuyện sinh - tử.

Vũ khí hạt nhân, con bài mặc cả của Triều Tiên với Mỹ

Sau ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã liệt Triều Tiên cùng với Iran, Iraq, Cuba vào "Trục liên minh ma quỷ", chuyên tài trợ cho khủng bố.

Năm 2003, Mỹ tấn công Iraq, lấy cớ quốc gia này sở hữu vũ khí hóa học. Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị bắt, và cuối cùng bị treo cổ bởi chính phủ Iraq được Mỹ dựng lên. Bài học rút ra từ sự sụp đổ của chính quyền Saddam đó là họ đã để chương trình hạt nhân của mình trở thành đống đổ nát, trước khi nó kịp trở thành hiện thực.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể rút ra nhiều bài học hơn từ Libya, một quốc gia đã từng có ý định phát triển vũ khí hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân của mình; nhưng khi ấy cuộc cách mạng "mùa xuân Ả rập" đã tràn vào Libya năm 2011, cùng với đó là sự can thiệp của khối quân sự NATO, đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ Gaddafi, người đã nắm quyền lãnh đạo đất nước này suốt 40 năm.

Với tất cả những bài học lịch sử trên, liệu Triều Tiên có thể dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân?

Câu trả lời khá rõ ràng. Ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ không dễ dàng từ bỏ thứ vũ khí mà họ đã tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để phát triển nó, nhất là khi vũ khí hạt nhân được coi là sự đảm bảo cho việc "tồn vong của chế độ", để đổi lấy một lời "hứa" không chắc chắn từ Mỹ.

Một lời hứa có thể được đảo ngược qua đêm, trong khi đó sẽ mất nhiều năm để khởi động lại các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chính quyền Mỹ có thói quen thường xuyên thay đổi lời hứa của mình; do đó không thể đảm bảo đây là một thỏa thuận chắc chắn.

Không chỉ đơn thuần là từ bỏ vũ khí hạt nhân?

Một lý do khác mà Triều Tiên không dễ dàng từ bỏ chính sách hạt nhân của mình đó là chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên. Việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến cảnh diệt vong như Iraq và Libya.

Tân cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, ông John Bolton, đã đề xuất áp dụng "mô hình Libya" để Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, đổi lấy việc quốc tế sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia này.

Đối thoại với Triều Tiên: Mỹ rơi vào chiến thuật trì hoãn khéo léo của Bình Nhưỡng? - Ảnh 4.

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadaffi, người đã từ bỏ chương trình hạt nhân của mình và sau đó không thể ngăn chặn các lực lượng NATO tấn công đất nước của ông vào năm 2011.

Tuy nhiên chắc chắn ông Kim Jong-un sẽ nghĩ đến số phận của Tổng thống Gadaffi đã bị lật đổ và bị chính người dân của mình giết chết sau khi các lực lượng của NATO can thiệp và tiêu diệt quân đội của ông ta.

Hiện nay, Triều Tiên biện minh cho việc họ sở hữu vũ khí hạt nhân với mục đích bù đắp so với lợi thế của Mỹ về sức mạnh quân sự vượt trội, cũng như đối phó với nguy cơ tiềm ẩn của cuộc xâm lược.

Vũ khí hạt nhân cho phép Triều Tiên tự do làm những gì họ muốn trong giới hạn; mà không sợ có một ngày nào đó, Mỹ sẽ hành động với Triều Tiên giống như cách hành xử với Iraq và Libya.

Thách thức mà ông Kim Jong-un đưa ra không chỉ đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump mà còn cả giới quân sự Mỹ, khi ông Trump vẫn chưa có được thành tích chính trị nào kể từ sau khi nhậm chức cách đây hơn 1 năm.

Chìa khóa hòa bình trên bán đảo nằm trong tay Mỹ và Triều Tiên. Nếu hai nước ngồi vào bàn đàm phán để cùng nhau giải quyết những bất đồng về quyền lợi cũng như những quan điểm khác biệt, thì vấn đề hạt nhân của Triều Tiên mới được giải quyết ổn thỏa, đồng thời đảm bảo quyền lợi cũng như tính công bằng của các bên liên quan.

Các cuộc đàm phán hiện tại có thể sẽ không có thêm tiến triển nào khác, bởi đó chỉ là chiến thuật trì hoãn, hay động thái bày tỏ lập trường thiện chí của Triều Tiên cho thế giới biết mà thôi.

Hành trình tới bàn đàm phán của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại