Bộ ba Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran họp mặt: Tam giác quyền lực mới đã được hình thành?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Cuộc gặp cấp cao ba bên này ở Ankara không phải chỉ chuyên về Syria mà còn nhằm phối hợp hành động để hậu thuẫn lẫn nhau ở khu vực và trong các mối quan hệ quốc tế của từng bên.

Thông điệp tới thế giới

Không phải ở Astana của Kazakhstan, cũng chẳng phải ở Sochi của Nga mà ở ngay thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra cuộc gặp cấp cao lần này giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, ở trong khu vực chứ không phải ngoài xa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên sau khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 4. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng lại một lần nữa tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Rất rõ ràng và dễ nhận diện đến mức không thể hiểu nhầm nổi, thông điệp mà bộ ba này muốn phát đi cho mọi đối tác bên ngoài là cả ba đều vững vàng ở vị thế quyền lực trong nước, mối quan hệ giữa họ gắn bó và tin cậy hơn bao giờ hết.

Bộ ba này hợp lại đã trở thành tác nhân quyền lực quyết định nhất ở Syria và họ đang cùng nhau tính chuyện tương lai cho Syria. Trong tương lai ấy, tất cả các đối tác khác ở trong cũng như ngoài khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh chỉ đóng vai trò phụ.

Cả ba nước hiện đều bị các đối thủ và không ít đối tác của họ gây khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ chưa hết căng thẳng với EU thì lại thêm khúc mắc với Mỹ cho dù cùng trong NATO với nhau. Israel cũng chịu tình cảnh tương tự sau việc quân đội nước này xả súng vào người biểu tình ở dải Gaza.

Iran mới tạm yên ắng về nội bộ sau một đợt có những hoạt động biểu tình rầm rộ chống chính phủ, quan hệ của nước này với Mỹ và Ả Rập Xê út vẫn rất gay cấn và số phận của thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran vẫn bị chính quyền mới ở Mỹ đe doạ.

Mỹ, Israel và Ả Rập Xê út cùng một vài nước khác nữa trong khu vực vẫn nỗ lực tập hợp lực lượng thành liên minh đối phó Iran. Còn Nga đang bị nhiều nước Phương Tây và đồng minh tuyên chiến ngoại giao.

Trong khi đó, ở Syria đã định hình cục diện tình hình chính trị an ninh và quân sự mới.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đẩy vào đường cùng. Phe nổi dậy chống chính phủ của tổng thống Syria Bashir al-Assad thất thế không còn có thể cứu vãn được và phía chính phủ của ông Assad thắng thế đến mức khó có thể bị đảo ngược.

Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng biện pháp quân sự để kiềm chế người Kurd ở vùng miền bắc Syria. Với việc tiến hành cuộc gặp cấp cao tay ba này ở Thổ Nhĩ Kỳ, bộ ba kia cho thấy họ tự tin đến mức nào về thế và lực ở Syria cũng như vai trò quyết định của họ đối với tương lai chính trị cho Syria.

Lộ trình dẫn dắt đất nước này đi tới tương lai ấy đã được họ đề ra trong những lần gặp nhau trước đó ở Astana hay Sochi, đang được thực hiện ở Syria.

Ở Ankara lần này, họ không có ý định thay đổi hay chỉnh sửa định hướng cho lộ trình ấy mà chỉ bàn thảo về tiếp tục thực hiện.

Ý nghĩa quan trọng mới

Sự ran rã của IS; sự suy yếu của phe nổi dậy chống chính phủ ở Syria; chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ; tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Mỹ sẽ sớm rút quân khỏi Syria; những nhân sự mới trong chính quyền của ông Trump với quan điểm cứng rắn đối với Iran và bất lợi cho việc duy trì thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran cũng như phát biểu của thái tử Ả Rập Xê út Mohammed bin Salman với hàm ý công nhận nhà nước Israel vừa tạo thuận lợi vừa đặt ra tình thế mới đối với bộ ba này ở Syria và ở khu vực.

Bộ ba này hiện bị thôi thúc phải nhanh chóng đưa ra giải pháp chính trị cho toàn bộ vấn đề Syria bởi càng mất thêm thời gian thì không chỉ có đêm dài lắm mộng mà còn sẽ bị các đối tác và đối thủ kia liên minh, liên kết hay liên thủ cản phá.

Bộ ba Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran họp mặt: Tam giác quyền lực mới đã được hình thành? - Ảnh 2.

Cuộc gặp cấp cao tay ba này ở Ankara không phải chỉ chuyên về Syria mà còn nhằm phối hợp hành động để hậu thuẫn lẫn nhau, không chỉ ở khu vực mà còn cả trong các mối quan hệ quốc tế của từng bên.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO không tham gia cuộc chiến ngoại giao chống Nga. Nga và Iran có lợi ích chiến lược như nhau trong việc duy trì thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có lợi ích chiến lược chung nhất định trong quan hệ với Iran và các vương triều ở vùng Vịnh, cho dù không hoàn toàn và tuyệt đối.

Cuộc gặp cấp cao ba bên lần này vì thế vượt xa phạm vi bao quát của những lần trước. Nó đưa lại ý nghĩa và tầm quan trọng mới đối với tam giác quan hệ này.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đón tiếp Tổng thống Nga Putin

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại