Dàn lãnh đạo Navibank đồng loạt kháng cáo kêu oan

Bảo Minh |

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank đồng loạt kháng cáo kêu oan, cho rằng hành vi của mình chưa cấu thành tội phạm, hậu quả chưa xảy ra.

Trước đó, chiều 19/3, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank) 13 năm tù. Ngoài ra, 9 bị cáo đồng phạm lãnh từ 7 - 12 năm tù.

Trong thời hạn kháng cáo 15 ngày sau khi TAND TP HCM tuyên án, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank đều có kháng cáo. Ngoài bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh (Nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro của Navibank) xin giảm nhẹ hình phạt thì 9 bị cáo còn lại đều kháng cáo kêu oan.

Các bị cáo kháng cáo kêu oan gồm: Lê Quang Trí (Nguyên Tổng giám đốc), Đoàn Đăng Luật (Nguyên trưởng phòng nguồn vốn), Nguyễn Giang Nam (Nguyên phó tổng giám đốc), Huỳnh Vĩnh Phát (Nguyên trưởng phòng kế toán), Trần Thanh Bình (Nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp), Cao Kim Sơn Cương (Nguyên phó tổng giám đốc), Nguyễn Hồng Sơn (Nguyên Phó tổng giám đốc), Đinh Thị Đoan Trang (Nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng), Phạm Thị Thu Hiền (Nguyên trưởng phòng pháp chế).

Theo đó, các bị cáo kêu oan cho rằng hành vi của bản thân không vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước (thông tư 02) về lãi suất trần. Theo các bị cáo, thông tư này chỉ điều chỉnh người huy động vốn.

Ngoài ra, các nguyên lãnh đạo Navibank này cũng cho rằng mình không vi phạm quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước, cũng như điều 94 Luật các tổ chức tín dụng. Nhiều bị cáo thừa nhận có sai nhưng cho rằng hậu quả chưa xảy ra.

Tại phiên xử sơ thẩm trước đó, hầu hết các bị cáo đều kêu oan, cho rằng bản thân không hưởng lợi, hành vi của bản thân chưa cấu thành tội phạm. Duy chỉ có bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh thừa nhận sai phạm. Bị cáo này khai không biết việc cho các nhân viên vay tiền của chính ngân hàng Navibank gửi sang ngân hàng khác là sai luật.

Dàn lãnh đạo Navibank đồng loạt kháng cáo kêu oan - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc Navibank) lãnh 13 năm tù tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo cáo trạng, để có tiền trả nợ, Huỳnh Thị Huyền Như dùng danh nghĩa huy động vốn cho ngân hàng ViettinBank để nhận tiền gửi của nhiều cá nhân, đơn vị với lãi suất cao.

Trong đó, Huyền Như thỏa thuận với lãnh đạo Navibank về việc ngân hàng này gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5% mỗi năm. Sau khi thỏa thuận, Hội đồng tín dụng của NaviBank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho nhân viên để các nhân viên này đi gửi tại Vietinbank.

Thực chất số tiền này là do Huyền Như huy động nhằm mục đích chiếm đoạt. Ngay sau khi các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào tài khoản, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để chuyển tiền đi trả các khoản nợ cá nhân.

Để lừa đảo thành công, Huyền Như đã dùng rất nhiều thủ đoạn như thay bộ hồ sơ của 14 nhân viên Navibank bằng hồ sơ giả của mình.

Từ tháng 11/2010 đến tháng 7/2011, Navibank đã cho 47 lượt cá nhân đứng tên vay 1.500 tỉ đồng để gửi vào VietinBank. Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75 tỉ đồng, trong đó có hơn 24 tỉ đồng là lãi chênh lệch ngoài hợp đồng.

Đến hạn tất toán, NaviBank chỉ nhận được hơn 1.300 tỉ đồng tiền gốc, số tiền còn lại đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Hành vi trái pháp luật của 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank đã giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng của ngân hàng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại