Dàn lãnh đạo Navibank liên tục kêu oan vẫn không thoát tội

Bảo Minh |

Hầu hết các bị cáo đều liên tục kêu oan trong những phiên xét xử trước đó, nhưng HĐXX xét thấy đủ căn cứ buộc tội các bị cáo này.

Sau 20 ngày xét xử và nghị án, chiều 19-3, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank) 13 năm tù, ba bị cáo Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn, Cao Kim Sơn Cương (nguyên Phó tổng giám đốc Navibank) cùng 12 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Liên quan tới vụ án, 6 bị cáo đồng phạm lãnh từ 7 đến 11 năm tù cùng tội danh như trên.

Bác bào chữa kêu oan

Trong các phiên xét xử trước đó, hầu hết các bị cáo đều kêu oan, cho rằng bản thân không hưởng lợi, hành vi của bản thân chưa cấu thành tội phạm. Duy chỉ có bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng phòng quản lý rủi ro Navibank) thừa nhận sai phạm. Bị cáo này khai không biết việc cho các nhân viên vay tiền của chính ngân hàng Navibank gửi sang ngân hàng khác là sai luật.

Dàn lãnh đạo Navibank liên tục kêu oan vẫn không thoát tội - Ảnh 1.

Nguyên Tổng giám đốc Navibank - Lê Quang Trí lãnh án 13 năm tù.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định việc luật sư cho rằng điều tra viên mớm cung, ép cung là không có cơ sở vì các bị cáo đều tại ngoại suốt quá trình điều tra.

Trước tình trạng nhiều ngân hàng gửi tiền vào ngân hàng khác để nhận lãi suất gây bất ổn tín dụng, tổn hại nền kinh tế, Ngân hàng Nhà Nước đã ra quy định bắt buộc các ngân hàng không được cho vay vượt lãi suất trần. Hơn nữa, pháp luật không có quy định nào cho phép các tổ chức tín dụng cho vay để hưởng lãi suất.

Xuất phát từ chủ trương xấu, hội đồng ALCO của Navibank đã họp và quyết định cho nhân viên vay tiền để gửi tiền vào Viettinbank để hưởng lãi suất cao. Bản chất số tiền đem gửi là của Navibank nên các bị cáo đã vi phạm điều 1, thông tư 02 và điều 94 luật Các tổ chức tín dụng. Hậu quả đã xảy ra, đủ cơ sở kết luận các bị cáo vi phạm tội "Cố ý làm trái quy định  của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Từ những lập luận trên, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa các bị cáo không phạm tội của các luật sư và các bị cáo. HĐXX nhận định đủ cơ sở để cáo buộc các bị cáo tội danh như trên.

Kiến nghị xem xét trách nhiệm nhân viên Viettinbank

Cũng trong phần tuyên án, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra và VKSND Tối cao xem xét trách nhiệm của các nhân viên Viettinbank (TP HCM). Nếu cơ quan chức năng phát hiện các các nhân có hành vi giúp sức, sai phạm sẽ đưa ra xử lý.

HĐXX cũng kiến nghị Cục thi hành án TP HCM xác minh số tiền 300 triệu đồng có còn trong tài khoản ngân hàng của nhân viên Navibank hay không, để tiếp tục kê biên thi hành án.

Dàn lãnh đạo Navibank liên tục kêu oan vẫn không thoát tội - Ảnh 2.

Hai bị án Võ Anh Tuấn và Huỳnh Thị Huỳnh Như tại phiên toà.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Navibank thừa nhận thiệt hại 200 tỷ đồng nhưng cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc về Viettinbank, họ không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại phát sinh.

HĐXX cho rằng trách nhiệm dân sự đã được giải quyết bằng 2 bản án hình sự sơ thẩm số 46 của TAND TP HCM, bản án hình sự phúc thẩm số số 02 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM. Hai bản án này đã có hiệu lực pháp luật nên không xem xét lại tại vụ án này. Như vậy, Huỳnh Thị Huyền Như phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này

Ngoài ra, HĐXX cũng buộc Navibank phải nộp lại hơn 24,3 tỷ đồng tiền lãi suất hưởng lợi để sung công quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP HCM) dùng danh nghĩa huy động vốn cho ngân hàng để nhận tiền gửi của nhiều cá nhân, đơn vị với lãi suất cao.

Trong đó, Huyền Như thỏa thuận với lãnh đạo Navibank về việc ngân hàng này gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5% mỗi năm. Sau khi thỏa thuận xong, Hội đồng tín dụng của NaviBank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho nhân viên để các nhân viên này đi gửi tại Vietinbank.

Thực chất số tiền này là do Huyền Như huy động nhằm mục đích chiếm đoạt. Ngay sau khi các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào tài khoản, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để chuyển tiền đi trả các khoản nợ cá nhân. 

Từ tháng 11/2010 đến tháng 7/2011, Navibank đã cho 47 lượt cá nhân đứng tên vay 1.500 tỉ đồng để gửi vào VietinBank. Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75 tỉ đồng, trong đó có hơn 24 tỉ đồng là lãi chênh lệch ngoài hợp đồng. Đến hạn tất toán, NaviBank chỉ nhận được hơn 1.300 tỉ đồng tiền gốc, số tiền còn lại đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Mức án cụ thể mà HĐXX tuyên:

- Bị cáo Lê Quang Trí Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank) lãnh 13 năm tù.

- Ba bị cáo Nguyễn Giang Nam (nguyên Phó tổng giám đốc Navibank), Cao Kim Sơn Cương (nguyên Phó tổng giám đốc Navibank) và Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc Navibank) cùng lãnh 12 năm tù.

- Hai bị cáo Huỳnh Vĩnh Phát (Trưởng phòng Kế toán Navibank), Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng nguồn vốn) cùng lãnh 11 năm tù

- Bị cáo Trần Thanh Bình (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp Navibank) lãnh 10 năm tù.

- Ba bị cáo Đinh Thị Đoan Trang (nguyên Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Navibank), Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng phòng quản lý rủi ro Navibank) và Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng pháp chế Navibank) cùng lãnh 7 năm tù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại