Olympic PyeongChang: Thế vận hội giàu cảm xúc thể thao và ngoại giao

Thu Hoài |

Sự xuất hiện của đông đủ các VĐV, cổ động viên và quan chức cấp cao Triều Tiên đã khiến Olympic PyeongChang trở nên đầy cảm xúc.

“Đẹp và hài lòng” có lẽ là những từ có thể dùng để nói về Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc. Đúng như kỳ vọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về một “Thế vận hội của hòa bình”, cho tới tận ngày cuối cùng, tất cả hầu như đều diễn ra suôn sẻ: không có tai nạn nghiêm trọng nào, không có chấn động nào do phía Triều Tiên gây ra.

Đây có lẽ là điều không tưởng cách đây chỉ vài tháng khi bán đảo Triều Tiên vẫn luôn trong tình trạng quá nóng do cuộc chiến dai dẳng vẫn chưa thực sự có hồi kết giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hay cuộc chiến ngôn từ quyết liệt giữa Triều Tiên và Mỹ.

Tín hiệu mới nhất cho thấy bầu không khí đang ấm dần lên trên bán đảo Triều Tiên là sự xuất hiện của phái đoàn cấp cao Triều Tiên do ông Kim Yong-chol, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Triều Tiên, dẫn đầu tại buổi lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018. Theo kế hoạch ngoài việc tham dự lễ bế mạc, phái đoàn cấp cao Triều Tiên gồm 8 người này cũng sẽ có 3 ngày thăm Hàn Quốc.

Ông Yong-chol vốn là một vị tướng trong quân đội Triều Tiên và bị cáo buộc là chủ mưu vụ tấn công bằng ngư lôi đánh đắm tàu chiến Choenan của Hàn Quốc năm 2010 làm 46 thủy thủ thiệt mạng.

Do đó, việc ông dẫn đầu phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối của đảng đối lập chính của Hàn Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này đã được Chính phủ Hàn Quốc nhất trí vì " tin rằng chuyến thăm sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều và mở đường cho đối thoại hòa bình".

Thời điểm phái đoàn cấp cao Triều Tiên có mặt tại Hàn Quốc diễn ra trùng với chuyến thăm Hàn Quốc của bà Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự trùng lặp của hai chuyến thăm làm dấy lên đồn đoán, cũng như hy vọng về khả năng diễn ra một cuộc gặp Mỹ - Triều tại Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: “Chúng tôi luôn duy trì quan điểm rằng, đối thoại và đàm phán là con đường duy nhất để phá vỡ vòng luẩn quẩn hiện nay, cũng như giải quyết những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc và Triều Tiên đã có những bước đi quý báu đầu tiên. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể cùng nhau nỗ lực để duy trì và bảo vệ đà đối thoại này, cũng như mở rộng sự tương tác, đặc biệt là giữa Mỹ và Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng có thể tiến tới mục tiêu bắt đầu đối thoại về vấn đề bán đảo Triều Tiên”.

Theo giới phân tích, với những gì làm được, trên bục cao nhất của khán đài, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể tự hào vì đã giành chiến thắng kép khi tổ chức được một kỳ Thế vận hội mùa Đông thành công và hơn hết là đã tạo ra một bầu không khí hòa hoãn, mà ông hy vọng có thể kéo dài lâu hơn nữa trong cuộc khủng hoảng với quốc gia láng giềng Triều Tiên, tạm thời tránh được nguy cơ một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy, tỷ lệ tín nhiệm của dân chúng đối với ông Moon Jae-in trong những tháng vừa qua luôn ở mức trên 60%, dù Triều Tiên là hồ sơ chứa đựng nhiều rủi ro nhất đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Cuộc khủng hoảng đang buộc ông phải đi trên một “con đường khá chật hẹp”, đó là giữa quyết tâm khôi phục đối thoại với Triều Tiên và sự cần thiết phải làm yên lòng đồng minh Mỹ, vốn nhiều lần cảnh báo, mọi lựa chọn luôn sẵn sàng trên bàn.

Cần phải nhắc lại rằng, vào thời điểm căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm hồi mùa hè và mùa thu năm ngoái sau khi Triều Tiên tiến hành 4 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và thử hạt nhân và sức ép ngày càng tăng từ phía Mỹ, song ông Moon Jae-in vẫn giữ vững được quyết tâm không từ bỏ cánh cửa cho đối thoại.

Chính vì thế, ngày hôm nay (25/2) khi Thế vận hội mùa Đông 2018 sắp khép lại, ông Moon Jae-in có thể tự hào khi cùng hàng ghế với ông trong lễ bế mạc có cả các đại diện Triều Tiên và Mỹ, một minh chứng rõ nhất cho thành công của chính sách cân bằng mà ông vẫn quyết tâm duy trì kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 5/2017, cùng với cam kết tổ chức một “Thế vận hội của hòa bình”.

Dù điều khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước, dù cho tới tận thời điểm hiện nay không bên nào cho thấy sự sẵn sàng thỏa hiệp: Triều Tiên không hề có ý định từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép và các cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ- Hàn sẽ vẫn được nối lại vào tháng 3 tới, song rõ ràng, Thế vận hội mùa Đông PyeongChang đã cho thấy, thể thao có thể là công cụ hòa bình đưa các dân tộc xích lại gần nhau và hơn hết là có thiện chí thì không gì là không thể./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại