VinaCapital rót 45 triệu USD mua cổ phiếu Lọc dầu Dung Quất, PV Power

Minh Anh |

Nhằm tận dụng “sóng” IPO của các doanh nghiệp nhà nước, VinaCapital trong tháng trước đã đầu tư gần 45 triệu USD để mua cổ phiếu của hai công ty con thuộc PetroVietnam.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital, VOF đã bỏ ra gần 45 triệu USD để mua cổ phiếu của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) trong các đợt IPO trong tháng 1.

Báo cáo cho biết, dù có 5 vụ IPO diễn ra trong tháng 1, quỹ này chỉ tham gia mua cổ phiếu tại 2 công ty nói trên, do định giá hợp lý và triển vọng tăng trưởng trong trung hạn.

Theo đó, quỹ lớn nhất của VinaCapial đã chi gần 25 triệu USD (tương đương gần 570 tỷ đồng) để mua khoảng 10% cổ phần của BSR.

VOF cho biết quỹ này mua cổ phiếu của BSR là do vị thế của đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên và duy nhất đang vận hành của Việt Nam, đáp ứng 33% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh nhà máy lọc dầu có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá dầu so với các phân khúc khác của ngành dầu khí.

Ngoài ra, VOF đánh giá giá khởi điểm của cổ phiếu BSR là “rất hấp dẫn” (14,600 đồng/cổ phiếu), tương đương P/E 2017 là 5,6 lần so với chỉ số P/E chung toàn thị trường là 20 lần.

VOF cũng cho biết là quỹ này mua được cổ phiếu của BSR với mức giá rẻ hơn 4% so với mức giá đấu thầu trung bình là 23,043 đồng/cổ phiếu.

Còn với thương vụ IPO của PV Power, VOF cho biết đã đầu tư hơn 20 triệu USD vào công ty này. Quỹ này cũng đánh giá định giá cổ phiếu của PV Power “hấp dẫn” khi P/E ở mức 11,5 lần và giá chào bán là 14,400 đồng/cổ phiếu.

Cả BSR và PV Power đều có đợt IPO thành công khi bán hết lượng cổ phần đưa ra đấu giá và thu về lượng tiền cao hơn dự kiến, lần lượt gần 5.566 tỷ đồng và 6.997 tỷ đồng.

Sau khi chi tiền mua cổ phiếu của BSR và PV Power, tỷ trọng tiền mặt trong giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF giảm xuống 5,7% so với 7,0% tính đến cuối tháng 12.

Cũng trong bản báo cáo, quỹ này cũng cho biết sẽ tiếp tục đánh giá các cơ hội đầu tư vào các vụ IPO và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018, đồng thời đang đàm phán mua cổ phần tư nhân của một số công ty.

Tính đến cuối tháng 1/2018, NAV của VOF ở mức 1,195 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước đó.

VinaCapital rót 45 triệu USD mua cổ phiếu Lọc dầu Dung Quất, PV Power - Ảnh 1.

Phân bổ các loại tài sản trong danh mục của VOF. Nguồn: VinaCapital

Trong số các khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (16,3%), tiếp đến là Vinamilk (VNM), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV). Ngoài ra, danh mục của quỹ còn có cổ phiếu KDH, PNJ, VJC, EIB, HDB, PVS và QNS.

Trong năm 2017, VOF đã mua cổ phần tại một số doanh nghiệp Việt Nam như Tasco, FPT Retail, Ngân hàng Phương Đông và HDBank.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại