"Bắt chồng" ở Buôn Đôn

TƯỜNG MINH - HỮU LONG |

Giờ thì Buôn Đôn là một địa danh nổi tiếng và phổ thông kể từ ngày người Pháp định danh trên bản đồ. Nhưng không nhiều người nhớ, khai sinh ra vùng đất Buôn Đôn là những cư dân buôn bán đến từ đất nước Triệu Voi từ cuối thế kỷ 18.

Cũng không nhiều người biết, Bản Đôn hay Buôn Đôn là Làng Đảo, chỉ những cồn đất nổi bên dòng Sêrêpôk thuở mới lập làng. Và một trong những chứng nhân của Làng Đảo là cây bồ đề già nua đang nhuốm màu lá úa...

Vua voi...

Giờ thì tôi đang đứng giữa một nơi nào đó thuộc trung tâm Bản Đôn, lần đầu tiên trong đời. Và trái tim hình như bỗng lạc đi một nhịp bởi Bản Đôn không như tôi hình dung.

Bản Đôn cũng không giống với bất kỳ buôn làng nào của cả vùng Tây Nguyên rộng lớn bởi sự trộn lẫn giữa hiện đại, cổ kính và hoang sơ...

Chào tôi ở Bản Đôn là một cô bé bán hàng lưu niệm có cái tên ngồ ngộ là Bụn Cụm Lào cùng nụ cười hiền hậu, thiện lương đến lạ lùng.

Vì sao lại là Bụn Cụm Lào? Cô bé bảo "vì tổ tiên em người Lào nên tên họ phải đi liền với chữ Lào ở đằng đuôi để nhận biết. Quanh đây tên ai cũng vậy".

Và thế là chuyện quay về với những năm tháng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 với ông Trương Bi - Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắc Lắc.

Theo ông Trương Bi thì lịch sử của mảnh đất Buôn Đôn được bắt đầu bằng cái tên Y Thu Knul - đến từ đất nước Triệu Voi (Lào). Ngày ấy cha của ông Y Thu Knul (chưa rõ họ tên) từ Lào xuôi thuyền theo dòng sông Mê Kông, rồi ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với các tộc người sống dọc sông Sêrêpôk.

Thấy vùng đất này phong cảnh hữu tình, đất đai mênh mông, trù phú, người dân lại chân tình mến khách, nên cha ông Y Thu đã chọn vùng đất này làm nơi cư trú và "bị" một cô gái M'nông bản địa "bắt" lấy làm chồng theo truyền thống mẫu hệ.

Bấy giờ, không chỉ Buôn Đôn ngày nay mà cả một vùng đất mênh mông rộng lớn (gồm cả các huyện Ea Súp, Cư M'gar, Krông Buk...) đều thuộc quyền cai quản của một người phụ nữ bản xứ tên là Yă Wăm (bà Vằm). Bà Vằm thấy cha của Y Thu Knul khỏe mạnh, giỏi nghề buôn bán, lại bị "bắt chồng" nên đã chia cho ông vùng đất dọc ven sông để lập làng.

Lúc đầu ông chọn một số cồn đất nổi bên sông để lập làng, đặt tên là Bản Đon (theo tiếng Lào, Bản Đon có nghĩa là làng đảo), về sau mọi người quen gọi là Bản Đôn - Buôn Đôn. Cũng từ đó, người Lào có mặt ở Buôn Đôn.

Lúc đầu làng chỉ có gia đình ông Y Thu Knul, rồi 5-7 gia đình bà con bên Lào theo người thân đi "kinh tế mới", rồi cứ thế tăng lên vài chục nhà. Đến thời điểm này, cộng đồng người Lào ở Buôn Đôn có trên 70 hộ, gần 300 người chủ yếu là ở buôn Trí, buôn Yang Lành, buôn Hwa... thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).

Còn nhiều tranh cãi, nhưng nhiều tài liệu khẳng định, từ ngày lập nên Làng Đảo, cha của Y Thu Knul bỏ nghề buôn bán trên sông nước mà theo các chàng trai M'nông đi săn voi. Dần dần ông trở thành người săn voi giỏi nhất vùng. Sau này Y Thu Knul lớn lên nối nghiệp cha và trở thành người săn voi nổi tiếng của Tây Nguyên với danh hiệu Khun Ju Nốp (Vua voi).

Với chiến tích bắt và thuần dưỡng khoảng 400 con voi (có tài liệu ghi là 500 con), đặc biệt là con voi trắng và mang biếu vua Thái Lan, ông Y Thu Knul đã đi vào huyền thoại như một biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của người Tây Nguyên.

Khi vua voi Y Thu Knul mất, chính người Pháp và Vua Bảo Đại đã xây mộ cho ông để tỏ lòng thành kính.

Sau cha con ông Y Thu Knul, Buôn Đôn còn sinh ra những huyền thoại về săn voi khác như: Nay Hoang, Y Suêk, Y Pui, Y Them, Ama Kông (con rể ông Y Thu Knul)...

Voi ở Buôn Đôn sau khi săn về được thuần dưỡng thành voi nhà rồi mang bán cho các buôn làng ở Tây Nguyên, thậm chí đưa sang các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia, Miến Điện... để đổi lấy chiêng ché và vải vóc, lương thực, đồ trang sức quý giá.

Cây bồ đề hơn 130 tuổi

Buôn Trí hiện là trung tâm du lịch của Bản Đôn với những hoạt động dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cưỡi voi.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi ở buôn Trí là ngôi nhà bằng gỗ trên 100 tuổi, kiến trúc theo nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào, kết hợp với văn hóa của người Êđê, M'nông.

Nhà có hai nóc, cao nhọn như hai ngọn núi, bốn mái và hai nóc song song với nhau nhưng cửa chính lại mở ngay phía đầu hồi (như nhà truyền thống Êđê). Cột nhà, khung nhà, tường nhà, sàn và mái lợp đều làm bằng gỗ K'cit.

Sàn nhà cách mặt đất ba mét, cầu thang lên xuống rộng 1,2 mét (giống cầu thang người Kinh). Các cột nhà, hiên trước đều trang trí hoa văn của dân tộc Lào khá độc đáo.

Đây là nhà cũ của huyền thoại săn voi Ama Kông, nay thành điểm tham quan du lịch có thu vé. Thật ra là một ngôi nhà hoang lạnh ngậm ngùi...

Bắt chồng ở Buôn Đôn - Ảnh 1.

Cây bồ đề hơn 130 năm tuổi đã được công nhận cây di sản. Ảnh: H.V.M

Bản Đôn phần lớn là người Lào, nên tất nhiên không thể thiếu hình ảnh "đầu làng có một ngôi chùa", được xây dựng từ thời cha ông Y Thu Knul lập làng.

Nhưng đáng tiếc, ngôi chùa cổ năm nào giờ không còn bóng dáng. Dấu tích Phật giáo còn sót lại ở Bản Đôn hiện nay là thác Phật và cây Bồ Đề trên 130 năm tuổi (đường kính 271,9 cm, chiều cao 28,8 mét, bán kính tán lá trung bình 13,5 mét) nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng buôn Jang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.

Theo ông Trương Bi thì cây bồ đề này có nguồn gốc từ Ấn Độ, do một nhà sư từ nước Lào trong quá trình truyền đạo Phật vào Bản Đôn trồng vào khoảng năm 1900.

Trước đây, hằng năm, cộng đồng người Lào thường tổ chức lễ tế Phật vào mùa xuân và lễ Phật Đản vào rằm tháng tư âm lịch tại đền thờ Phật ở gốc cây bồ đề để cầu bình an, no đủ, hạnh phúc.

Nhưng nhiều năm lại đây, vì nhiều lý do nên hoạt động cúng Phật thưa vắng dần.

Mọi hoạt động tín ngưỡng chỉ còn tổ chức ở trong khuôn viên từng gia đình và "Phật luôn ở trong lòng" như lời của cô bé Bụn Cụm Lào khi ai đó bất chợt nhắc đến ước mơ phục hưng ngôi chùa cổ của cộng đồng người Lào.

Cây bồ đề vì thế cũng hoang phế theo thời gian, lá vẫn còn xanh đấy nhưng lá đã úa màu quên lãng...

Cũng như cả Buôn Đôn bây giờ chỉ còn đúng 2 người Lào "xịn" của thế hệ đầu tiên đặt chân đến đây là Nay Kẹo Phá Lào, Nay Văn Lào.

Nhưng cả hai hiện đều trong cảnh gần đất xa trời. Tôi tìm đến nhà ông Bum May Lào - người duy nhất của thế hệ thứ 2 còn sống nhưng năm nay cũng đã sang tuổi 85 nên người con gái phải ngồi canh không cho khách hỏi nhiều bởi "bố em rất yếu lại nhiều bệnh".

Ông Bum May Lào đến Buôn Đôn du lịch rồi bị "bắt vợ", ở luôn từ 1955 đến nay với 10 người còn và 30 cháu nội ngoại. Trong chừng đó năm, ông chỉ một lần duy nhất về thăm quê từ năm nào đó không nhớ.

Vậy nên tuổi xế chiều, mong ước duy nhất của ông là được lần nữa về cố hương nhưng lại không còn sức. Hmon - cô con con gái ngồi canh bố nãy giờ năm nay đã 30 tuổi những vẫn chưa một lần về quê cha vì... say xe!

Nhưng thật may là Hmon vẫn không quên gốc gác của mình. Cô khoe mình biết múa hát mừng mùa, múa hát giao duyên, đối đáp nam nữ...

Đặc biệt Hmon luôn chăm chút và tự hào về những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình (áo ngắn tay, váy hoa sặc sỡ, màu tím, màu hồng có pha lẫn với màu vàng, với những đường nét hoa văn độc đáo hình thoi, hình tam giác, hình lưỡng hà...).

"Quê nhà xa xôi nhưng em lại thấy thật gần gũi và ấm áp dù chưa một lần về thăm.

Nhưng một ngày nào đó không còn say xe nữa, em sẽ về quê mình ở thật lâu để thỏa lòng mong nhớ..." - Hmon khẳng định với nụ cười hiền đến mềm lòng người đối diện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại