"Người thầy" của Thu Minh, Tùng Dương, Uyên Linh: Tài giỏi tới đâu?

Long Phạm |

Trong số các nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng tại Việt Nam, hiếm có nghệ sĩ nào lại có tầm ảnh hưởng lớn và được nhiều ca sĩ Việt ngưỡng mộ, học hỏi như Whitney Houston.

Rất khó để kể hết số ca sĩ Việt ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng từ Whitney Houston, từ hàng diva, divo như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Lệ, Ngọc Anh, Đức Tuấn… tới thế hệ trẻ như Uyên Linh, Hương Tràm, Dương Hoàng Yến, Văn Mai Hương, Đinh Mạnh Ninh…

Tùng Dương, Thu Minh và nhiều ca sĩ khác còn cho rằng, Whitney Houston chính là người thầy của họ, giúp họ học hỏi được nhiều điều trong ca hát.

Người thầy của Thu Minh, Tùng Dương, Uyên Linh: Tài giỏi tới đâu? - Ảnh 1.

Đến các nhạc sĩ lớn như Huy Tuấn, Lưu Thiên Hương, Quốc Bảo, Anh Quân… cũng hâm mộ Whitney Houston. Nhạc sĩ Quốc Bảo vốn nổi tiếng khó tính, từng chê bai Celine Dion cũng phải khuất phục trước tài năng của Whitney.

Điều này đúng với lời ngợi ca của Mariah Carey: "Tất cả những cô gái biết hát đều chịu ảnh hưởng từ Whitney Houston". Đồng quan điểm với Mariah Carey, Beyonce cũng cho rằng: "Whitney Houston tác động tới đa số ca sĩ nữ trên thế giới".

Vậy, Whitney Houston có gì đặc biệt để ảnh hưởng lớn tới giới nghệ sĩ Việt như vậy?

Giọng hát cực phẩm của nền âm nhạc thế giới

Whitney không phải một giọng toàn năng (assoluta) như Maria Callas hay Rachelle Ferrelle, nhưng tiếng hát của cô xứng đáng là cực phẩm ngàn năm có một của thế giới.

Giọng hát Whitney bẩm sinh cực đẹp. Đó là chất giọng thuần kim cao vút, đanh dày, hội tụ đủ các tính chất vang, rền, nền, nảy. Chất giọng vang tự nhiên này chỉ cần phát ra đã sáng và bay như tiếng chuông khánh, nhưng lại đầm và dày, có sức nặng.

Giọng hát tuyệt đẹp của Whitney

Song hành cùng sức nặng ấy là chất xốp, ấm áp đến lạ kì, nên tạo được khoảng âm nhẹ nhàng, êm ái như ru lòng người.

Giọng Whitney thời trẻ thuộc loại spinto soprano (trữ tình kịch tính) nên vừa hát trữ tình, mượt mà và bỏ nhỏ trên legato được, lại vừa có thể khuếch đại âm lượng lớn, nội lực, kịch tính, đanh dày với tính metalic. Đây là loại giọng thích hợp nhất cho dòng power ballad mà Whitney tiên phong.

Có một thời, người ta thường gọi Whitney là Whiteney vì giọng hát của cô chỉ có một nửa da màu, nửa còn lại giống ca sĩ da trắng nhiều hơn. Đó là tính crystal, thanh khiết và trong vắt như pha lê, có thể hát ngọt ngào, mùi mẫn.

Giọng hát trong vắt như pha lê của Whitney

Nhưng Whitney trước sau vẫn là một ca sĩ da màu, nên cô luôn hát một cách khỏe khoắn, đầy man dại và khí thế, với độ đanh dày, hào sảng hiếm giọng nữ da trắng có được.

Các sắc thái trong giọng hát Whitney, từ nhẹ nhàng tới cao trào đểu rất tự nhiên, như đến từ hơi thở, chứ không phải sự gắng gượng, cố để tỏ ra như vậy.

Chính vì thế, một nhà phê bình âm nhạc đã từng nói về Whitney như sau: "Đại diện cho thế hệ mới, đây là một ca sĩ có sự kết hợp giữa chất gospel rực lửa của Aretha Franklin với sự sang trọng tuyệt vời và vẻ đẹp trữ tình trong những giai điệu của Lina Horne, và cô ấy là Whitney Houston".

Giọng nữ cao kịch tính nổi tiếng trong giới opera hiện nay là Jane Eaglen chia sẻ, cô đã từng muốn trở thành một ca sĩ nhạc pop vì ngưỡng mộ tiếng hát của Whitney Houston, nhưng rồi cô nhận ra mình không thể theo nhạc pop vì sẽ không bao giờ có được chất giọng đẹp tự nhiên như Whitney. 

Cô nói: "Không có cách nào để tôi có được những âm thanh như Whitney từng có".

Không chỉ đẹp, độc, giọng hát Whitney còn đa thanh. Chất đa thanh này thể hiện qua ba thời kì biến đổi.

Thời kì debut (1984 – 1987), Whitney là một spinto soprano, với âm sắc thanh sáng, cao vút.

Whitney thời là soprano thuần

Thời kì sau sinh (1993 – 1995), Whitney chuyển thành spinto mezzo soprano, phát triển mạnh quãng trung, trầm, với độ dày, nặng và đầm trong giọng hát.

Whitney thời là nữ trung

Thời kì trung tuổi (1997 về sau), cùng với việc mất giọng, Whitney rơi xuống thành mezzo alto, với chất giọng trầm khàn, tối và smoky.

Whitney thời mất giọng, chuyển sang trầm khàn

Nhưng đó chỉ là 3 giai đoạn lớn được phân định. Trên thực tế, giọng hát Whitney biến đổi theo từng ngày từng tháng. Nếu để ý kĩ, người nghe sẽ thấy, các màn trình diễn trong cùng một năm của Whitney luôn có sự khác biệt về âm sắc nhất định.

Điều này tạo nên sự linh hoạt và đa dạng tuyệt vời cho Whitney, khiến khán giả luôn bất ngờ và nghe mãi không chán. Đó cũng là lí do vì sao chẳng có ca sĩ nào bắt chước được tất các bài hát trong sự nghiệp của cô.

Kĩ thuật bậc thầy làm nên lịch sử

Whitney không phải ca sĩ có kĩ thuật hoàn hảo như Barbra Streisand, Lara Fabian hay Maureen McGovern. Cô vẫn có những sai sót, lỗi kĩ thuật khi ca hát.

Nhưng điều đó không thể che mờ sự thật rằng, Whitney là một bậc thầy kĩ thuật thanh nhạc trong nền âm nhạc đại chúng – người thầy đã dạy cho nhiều thế hệ sau biết thế nào là ca hát.

Nếu đa số ca sĩ da màu khác sử dụng vang bạch thanh thì Whitney tạo nên sự khác biệt khi cộng minh chuẩn mực, ảnh hưởng tới Thanh Lam, Tùng Dương…

Kĩ thuật cộng hưởng trên quãng trung và cận cao của Whitney đã đạt tới đỉnh cao nhất của nhạc đại chúng, mà khó ai vượt qua được. Trong tessitura của mình (F4 – D5), cô tạo được những quãng âm cộng minh vang rền tối ưu, lấp đầy toàn bộ không gian.

Whitney và khả năng cộng hưởng âm thanh tối ưu trên quãng trung và cận cao

Cách cộng hưởng của Whitney là vang ở vị trí xoang mặt, nên rất dày, rền, chắc và lực, vững chãi như núi đá. Chưa kể, cô còn có bí kíp "hát hộp", tạo tiếng nổ đặc trưng trên D5, Eb5, E5, nghe như tiếng đại bác bắn ra.

Các màn phô diễn giọng hát vang rền của Whitney

Ngoài nguyên âm mở, Whitney còn sở trường cộng hưởng trên âm đóng /i/, vốn rất khó với nhiều giọng nữ. Cách hát âm đóng của Whitney rất đẹp, chuẩn xác.

Whitney cộng hưởng trên âm đóng

Cách cộng hưởng âm thanh trên quãng trung của Whitney chính là tiền đề thanh nhạc cho hàng loạt ca sĩ pop muốn đi theo dòng power ballad sau này, nhưng ít ai làm được như cô.

Được mệnh danh là Queen of head voice của nhạc đại chúng, Whitney sở hữu hàng loạt kĩ thuật trên head voice, từ cơ bản đến hoa mĩ, màu sắc.

Head voice của Whitney đạt tới cộng hưởng tối ưu. Cô có thể dùng head voice để mô phỏng opera với độ dựng âm và vang cực lớn, vibrato tần số nhanh. Nó cũng có nhiều sắc thái khác nhau, lúc cao trào bùng nổ với âm lượng, sức bật lớn, đậm tính operatic, lúc lại mềm mại, ngọt ngào trên legato không chút gợn. Âm sắc của nó thì vô cùng đẹp, lộng lẫy và mịn màng.

Whitney dùng head voice giả opera

Whitney đạt tới khả năng kiểm soát âm lượng và tốc độ tuyệt vời trên head voice. Đây chính là thành quả mà cô đã học được từ người họ hàng xa của mình là diva opera Leontyne Price, để áp dụng thành công nghệ thuật Bel Canto (đỉnh cao của opera Ý) vào nhạc pop.

Whitney và head voice mềm mượt trữ tình

Có thể nói, tính đến thời điểm Whitney xuất hiện, gần như chưa có ca sĩ da màu nào có thể kiểm soát âm lượng tốt như vậy.

Nhờ đó, cô thực hiện được hàng loạt kĩ thuật khó như pianissimo, fortissimo, piano, glissando, staccatissimo, diminuendo…

Khả năng kiểm soát âm lượng trên head voice của Whitney khi thực hiện diminuendo

Ngoài ra, với sự linh hoạt của mình, Whitney còn trang trí thêm vô số kĩ thuật hoa mĩ như staccato, melisma, run/riff, dal niente, slow trillo, fast trillo, mezzo trillo, groppo posato, scroll runs… Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ tính trên head voice, Whitney đã gần như là một nữ cao màu sắc (coloratura soprano) chứ không phải spinto soprano.

Whitney thực hiện các kĩ thuật hoa mĩ trên head voice

Tuyệt vời hơn cả, các kĩ thuật hoa mĩ trên được Whitney thực hiện vô cùng sáng tạo và tinh tế, với nhạc cảm trời phú, khiến nó mới lạ mà lại duyên dáng, cảm xúc, không khiến khán giả bị ngấy.

Cô ấy biết khi nào nên phô diễn và khi nào cần tiết chế. Nhiều ca sĩ ngày nay học theo Whitney, nhưng lại bị phô diễn quá đà, thiếu nhạc tính và tiết chế.

Whitney còn có thể phát âm và hát rõ chữ trên head voice vô cùng nảy và xốp, kèm theo khả năng xử lí tinh tế, duyên dáng đến khó tả.  

Whitney hát rõ lời trên head voice tinh tế

Cô cũng thường chuyển đột ngột sang head voice khi đang hát căng hoàn toàn ở chest/mixed voice và nhả head voice ngẫu hứng trong mọi âm tiết (nếu cảm thấy cần thiết), nhưng không phải tiếp nối sự kịch tính mà để làm mềm câu hát, trang trí cho giai điệu trở nên đẹp hơn.

Whitney nhả chữ head voice trên tempo nhanh

Nhả head với tốc độ chuyển giọng, giữ note rất nhanh, Whitney khiến khán giả không kịp nhận ra sự chuyển giọng này, chỉ cảm nhận được rằng câu hát rất mềm mại, dù là một bài uptempo nhanh.

Với những kĩ thuật màu sắc trên head voice, Whitney đã góp công lớn vào dòng R&B đương đại, đặc trưng cho lối hát ngẫu hứng. Rất nhiều ca sĩ sau này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cô như Toni Braxton, Beyonce, Brandy, Christina Aguilera, So Hyang, Tùng Dương, Thu Minh, Mỹ Linh…

Whitney cũng là một trong hai ca sĩ tiên phong phổ biến melism, run/riff (cách luyến láy đặc trưng của R&B) vào nhạc đại chúng. Về lối hát này, Whitney xứng đáng là sư phụ của mọi ca sĩ sau này, đúng như lời giảng viên thanh nhạc Grant nói: "Cô ấy đã mở đầu cho cả một thế hệ các ca sỹ, những người muốn luyến láy trong các bản thu của mình; và bao gồm cả những ai như Beyoncé, Rihanna hay có lẽ cả các thí sinh Amarican Idol".

Các màn melisma, run/riff của Whitney

Khác với các ca sĩ ngày nay, melisma của Whitney được thực hiện với nền tảng kĩ thuật chắc chắn và sự kết nối giai điệu tuyệt vời, như ca sĩ opera Sarah-Jane Dale từng nhận định: "Bạn sẽ không thể melisma như Whitney nếu không có túi hơi đầy và hỗ trợ tốt, những ca sĩ kiểu này không phải lúc nào cũng xuất hiện".

Tùng Dương là một trong những nam ca sĩ Việt hiếm hoi áp dụng triệt để lối hát melisma của Whitney, kể cả vào nhạc Trịnh.

Ngoài ra, cách hát chesty (thiên giọng ngực) cũng là một trong những đặc trưng làm nên thương hiệu cho Whitney, dù rất hại giọng. Giọng cô vốn vang bẩm sinh và biết cách mở khẩu hình, phóng âm thanh tốt nên dù thuần chest voice vẫn cứ sang sảng và thoát ra ngoài, không bị bí, bóp lại như nhiều ca sĩ khác.

Chúng ta thường thấy các ca sĩ Việt ngày nay sử dụng gằn giọng (growling) như Thu Minh, Tùng Dương… Ở cách hát này, họ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Whitney.

Trước Whitney, các ca sĩ da màu đã gằn giọng khá dữ dội, như Jennifer Holiday, Etta James… Nhưng với cách sử dụng tinh tế của mình, Whitney đã phổ biến nó vào nhạc pop nhiều hơn thế hệ trước.

Whitney gằn giọng

Tóm lại, Whitney có thể không hoàn hảo về kĩ thuật, nhưng cô đã đạt tới đỉnh cao nhất ở sở trường của mình. Trong bất cứ kĩ thuật tiên phong nào, Whitney cũng tạo dấu ấn rõ nét và phủ tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều thế hệ ca sĩ sau này, khiến họ học hỏi được nhiều từ cô.

Bản năng nghệ thuật trở thành nguồn cảm hứng bất tận

Whitney không được đào tạo bài bản chính thống, cô chủ yếu hát theo bản năng và sức sáng tạo của riêng mình. Chính bản năng này tạo nên một Whitney riêng biệt, phá vỡ mọi khuôn phép thường thấy.

Theo lời Tùng Dương, "Whitney khác với nhiều ca sĩ khác ở chỗ, dù hát về cái gì, buồn hay vui, cũng vẫn hứng khởi, không bi lụy, sầu não". Chính vì thế, cô luôn hát dương tính, đầy khỏe khoắn và căng tràn sức sống. Đó là cách hát dốc hết tâm huyết, sinh khí, đam mê và nhiệt huyết ra để dội vào âm nhạc.

Nhờ đó, Whitney đã trở thành người tiên phong cho lối hát phô diễn giọng hát nội lực, cao trào trong nhạc pop đại chúng, mở màn cho thế hệ nữ vocalist quyền lực sau này như Celine Dion, Lara Fabian, Jessie J, Kelly Clarkson, Beyonce.

Thậm chí, ngay cả khi đã mất giọng, Whitney vẫn tạo được ảnh hưởng thông qua cách nhả chữ, run/riff và chạy vibrato của mình.

Người thầy của Thu Minh, Tùng Dương, Uyên Linh: Tài giỏi tới đâu? - Ảnh 18.

Khi trình diễn, Whitney không bao giờ dùng đến chiêu trò, dàn dựng công phu. Cô chỉ đứng một chỗ và cầm mic hát, rồi điều khiển nụ cười và ánh mắt để giao tiếp với khán giả. Nhưng chính cách hát mạnh mẽ và mê đắm đó đã trở thành cảm hứng bất tận mãi sau này.

Nhiều ca sĩ cho rằng, mỗi nghe Whitney và nhìn cô biểu diễn trên sân khấu, đam mê và hứng khởi ca hát trong họ bỗng trỗi dậy. Họ muốn được hát để sống như Whitney đã từng.

Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
- Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
- Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
- Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
- Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
- Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
- Vibrato: Ngân rung.
- Piano: Kĩ thuật hát nhỏ giọng vừa phải.
- Airy voice: Âm hơi.
- Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
- Falsetto: Giọng gió.
- Head voice: Giọng đầu.
- Chest voice: Giọng ngực.
- Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
- Strain: Hát căng thẳng.
- Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
- Staccato: Hát ngắt.
- Trillo: Rung láy.
- Legato: Hát liền giọng.
- Pianissimo: Vuốt nhỏ tiếng.
- Voice project: Phóng âm.
- Diminuendo: Hát nhỏ đột ngột.
- Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.
- Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.
- Throaty: Hát dính cổ
- High larynx: Cao thanh quản.
- Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).
- Run/riff: Chạy note phức tạp.
- Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.

- Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại