Trung Quốc đua vũ khí hạt nhân với Nga, Mỹ

Cẩm Bình |

Tờ Giải phóng quân ngày 30.1 nhấn mạnh quân đội Trung Quốc phải tăng cường khả năng răn đe và phản công hạt nhân, để theo kịp với chiến lược hạt nhân của Mỹ và Nga.

Tác giả bài xã luận là hai nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, đơn vị nghiên cứu cấp cao nhất của quân đội nước này. Bài viết khẳng định: “Trong bối cảnh không thể dự đoán trước điều gì của thế giới ngày nay, để nâng cao chiến lược răn đe của nước ta, để củng cố vị thế cường quốc… chúng ta phải tăng cường độ tin cậy của năng lực răn đe và phản công hạt nhân”.

Bài viết chỉ ra cả Mỹ lẫn Nga đều không từ bỏ, thậm chí mỗi nước còn ứng dụng thêm nhiều vũ khí công nghệ cao để tăng năng lực hạt nhân. Ví dụ được bài viết viện dẫn là Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính Washington trong 30 năm tới sẽ chi khoảng hơn 1,2 nghìn tỉ USD để duy trì và hiên đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

Khoản chi này, theo bài viết, đã khiến Nga “chạy đua” theo bằng chương trình hiện đại hóa quân sự. Moscow có mục tiêu đưa tỷ lệ vũ khí tiên tiến trong bộ ba hạt nhân (tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ đất liền, máy bay ném bom chiến lược cùng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) đạt ít nhất 90% vào năm 2021.

Theo bài viết, Trung Quốc có đủ vũ khí hạt nhân để không bị các cường quốc hạt nhân khác “bắt nạt”, nhưng nước này vẫn cần mở rộng kho vũ khí. Tuy vậy, bài viết cam kết Bắc Kinh giữ vững nguyên tắc “không sử dụng đầu tiên” (No First Use- quốc gia hạt nhân cam kết không dùng vũ khí hạt nhân như phương tiện chiến tranh, trừ phi phía kẻ địch dùng vũ khí hạt nhân tấn công trước) và luôn có mục tiêu cuối cùng là loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Bài xã luận của báo Giải phóng quân được đăng tải sau khi có thông tin trong bản báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân (NPR- Nuclear Posture Review) sắp công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương phát triển một loại vũ khí hạt nhân mới và để ngỏ khả năng Mỹ dùng vũ khí hạt nhân trả đũa một cuộc tấn công phi hạt nhân. 

Ông Jon Wolfsthal, trợ lý về vấn đề kiểm soát và cấm phổ biến vũ khí của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người được xem qua bản thảo cuối cùng của NPR mới, tiết lộ Mỹ sẽ bắt đầu phát triển một loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ biển, có thể là bản cải tiến của Trident D5 phóng từ tàu ngầm hiện tại.

Trước đó vào ngày 19.1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng đã xác định “cạnh tranh nước lớn” với Nga và Trung Quốc là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của Washington.

Trung Quốc đua vũ khí hạt nhân với Nga, Mỹ - Ảnh 1.

Số đầu đạn hạt nhân tính đến năm 2017 của một số quốc gia - Ảnh: SCMP


Theo ông Chu Thần Minh, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, Trung Quốc nên linh hoạt và không nên tiêu tốn quá nhiều cho chạy đua vũ trang. Ông cho rằng nước này chỉ cần thêm 100 đầu đạn hạt nhân là đủ đối phó với những mối đe dọa từ Mỹ và Ấn Độ.

Ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự và nhà bình luận của đài Phượng Hoàng, đánh giá Trung Quốc không cần có nhiều đầu đạn hạt nhân như Mỹ và Nga, nhưng phải đảm bảo nếu một cuộc chiến nổ ra, nước này trong thời gian ngắn phải triển khai được hàng trăm đầu đạn.

Trung Quốc chưa bao giờ công khai quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng theo Hiêp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ (ACA) thì quốc gia châu Á này có tổng cộng 270 đầu đạn, nhiều thứ 4 thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại