Trong khi chính quyền Tổng thống Trump cảnh báo về nguy cơ một cuộc chiến với Triều Tiên, các đồng minh của Mỹ ở châu Á đang cảnh báo về một nguy cơ khác: đối đầu với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Theo Bloomberg, gần đây, Trung Quốc đã tăng tốc các hoạt động trên không và trên biển tại các khu vực nhạy cảm gần Nhật Bản và Đài Loan, một phần trong nỗ lực gia tăng sự hiện diện quân sự xa bờ tại Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Tokyo và Đài Bắc đã kêu gọi Bắc Kinh giảm bớt các động thái này trong khi họ tăng cường các biện pháp phòng thủ.
Đầu tháng này, Nhật Bản lần đầu tiên phát hiện một chiếc tàu ngầm Trung Quốc tiến vào khu vực tiếp giáp lãnh hải của họ xung quanh các quần đảo đang tranh chấp tại Hoa Đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cảnh báo rằng các cuộc tuần tra tăng cường quân sự của Trung Quốc xung quanh khu vực trên sẽ làm mất ổn định khu vực.
Bất an quyền lực Mỹ tại châu Á
Trước đó, chính sách đối ngoại "Nước Mỹ đầu tiên" của Tổng thống Donald Trump đã dấy lên mối quan ngại ở châu Á về việc liệu Mỹ có hỗ trợ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này hay không – trong bối cảnh sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Kinh ngày càng gia tăng. Trung Quốc đặt mục tiêu dài hạn sáp nhập Đài Loan vào đại lục, trong khi cũng đang có nhiều tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, biển Hoa Đông và với Ấn Độ.
"Tính chất khó đoán của chính quyền ông Trump đang khiến Tokyo và Đài Bắc phải làm nhiều hơn nhằm nâng cao năng lực phòng thủ", Ja Ian Chong, phó giáo sư của Đại học Quốc gia Singapore, người chuyên về quan hệ châu Á - Thái Bình Dương, nói.
"Trừ khi có giải pháp giải quyết được vấn đề này theo cách mà tất cả các bên đều cảm thấy được đảm bảo, những diễn biến trên có thể sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng ở Đông Á và kéo theo nhiều nguy cơ xảy ra các sự cố."
Trong khi sự tiếp xúc của ông Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ tập trung vào Triều Tiên và thương mại trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, những động thái về vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc có thể sẽ ngày càng nhiều hơn nữa. Trong một văn kiện chiến lược được công bố vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nêu ra quá trình hiện đại hóa và mở rộng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông là một mối đe dọa chính đối với sức mạnh của Mỹ.
Trung Quốc phản đối thông điệp trên, và Bộ quốc phòng Trung Quốc vào cuối tuần qua cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ cách nghĩ về "Chiến tranh Lạnh". Hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ có "biện pháp cần thiết" để bảo vệ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – sau khi một tàu chiến Hoa Kỳ tiến vào vùng biển gần bãi cạn Scarborough.
“Thường lệ mới”
Hôm thứ Hai ngày 22/1, tờ Nhân dân Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã huỷ hoại ổn định ở Biển Đông, trong khi đe dọa sẽ "tăng cường và tăng tốc" khả năng quân sự trong vùng biển này với cái cớ là để đáp trả.
Trung Quốc cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc rằng đang tiếp cận Đài Loan và Nhật Bản. Phát ngôn viên Không lực Trung Quốc, Shen Jinke, tháng trước cho biết, hoạt động tuần tra của các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay do thám của Trung Quốc là điều "thường lệ mới" diễn ra. Trong khi đó, tàu ngầm Trung Quốc gần đây cũng bị phát hiện tiến gần tới các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu di chuyển tới "Chuỗi Đảo đầu tiên" – cách Trung Quốc dùng để gọi quần đảo chính đầu tiên của Đông Á gồm có các quần đảo của Nhật Bản, đảo Ryukyu, Đài Loan và phần phía bắc của Philippines– từ năm 2009. Không quân nước này theo sau động thái trên bằng các cuộc tuần tra thường xuyên vào năm 2015 và tần suất các chuyến bay này đã tăng từ "bốn lần/ năm" lên "vài lần/tháng" vào năm 2017, theo Tân Hoa Xã.
“Chiến lược Bắp cải”
Năm ngoái, nhà lãnh đạo Đài Loan nói rằng bà sẽ tăng chi tiêu quốc phòng của Đài Loan lên ít nhất là 2% mỗi năm. Các ưu tiên bao gồm tên lửa, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới. Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và có nghĩa vụ bảo vệ hòn đảo này theo một đạo luật năm 1979.
Tháng trước, chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua một bản ngân sách kỷ lục - khoảng 5.19 nghìn tỷ Yên (47 tỷ USD). Trong khi các thương vụ mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa chủ yếu nhằm ngăn chặn Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itunori Onodera cho biết những hệ thống này có thể ngăn chặn các vũ khí khác.
Ông Abe đã tiếp Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vào tuần trước tại một căn cứ quân sự nước này - một phần trong nỗ lực tăng cường liên kết an ninh bốn bên đang được phát triển, bao gồm cả Mỹ và Ấn Độ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Australian Financial Review – được xuất bản vào thứ Bảy tuần qua, ông Abe cho hay, nhóm "Quad" (4 nước trên) không nhằm vào Trung Quốc, mặc dù ông cảnh báo về sự không ổn định trong các tuyến đường thủy khu vực.
Ông Abe nói với tờ báo này: "Đang có một nỗ lực để thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông". Vì vậy, tôi nghĩ rằng tình hình an ninh đang trở nên khó khăn hơn trong thời điểm này".
Theo June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược " bắp cải", trong đó họ bao quanh các khu vực đang tranh chấp bằng nhiều lớp an ninh.
Dreyer cho biết: "Cả Đài Loan và Nhật Bản đều đang sử dụng một chiến lược, đó là nâng cao khả năng ngăn chặn của họ đến một mức độ có thể ổn định tình hình. "Dù vậy, nó chưa hiệu quả".