"8 năm hoàng kim" - quy luật trưởng thành ở trẻ, bố mẹ Việt không nên bỏ qua giai đoạn này

Nguyễn Nhung |

Hiểu rõ quy luật trưởng thành ở trẻ trong "8 năm hoàng kim" dưới đây, các bậc phụ huynh sẽ có cơ sở để giáo dục và hỗ trợ con cái một cách phù hợp.

Trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ, có rất nhiều các giai đoạn khác như giai đoạn phát triển hành động, ngôn ngữ, hành vi xã hội, cảm xúc… Là người làm cha mẹ, hẳn các bậc phụ huynh đều muốn hiểu rõ các quy luật trưởng thành của con mình.

Tuy nhiên, nói về khái niệm "8 năm hoàng kim" trong cuộc đời một đứa trẻ, liệu chúng ta đã thực sự am hiểu để từ đó khơi dậy, phát huy những tố chất sẵn có ở con?

Để các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn quy luật trưởng thành ở trẻ, từ đó có sự chuẩn bị và hành động hợp lý, trung tâm phát triển trẻ em của trường Đại học Yale (Mỹ) đã tiến hành theo dõi quá trình trưởng thành của hàng nghìn em nhỏ và tổng kết lại quy luật phát triển trong 8 năm hoàng kim ở trẻ.

Kết quả này cho phép các bậc phụ huynh có thể bồi dưỡng và giáo dục con cái chuẩn hơn, giúp trẻ trưởng thành một cách lành mạnh.

Dưới đây là quy luật trưởng thành "8 năm hoàng kim" trong cuộc đời một đứa trẻ, bố mẹ nên lưu ý để hỗ trợ, giúp con phát triển tốt nhất.

1 tuổi: Cho con cảm giác an toàn

Trẻ nhỏ từ khi chào đời đến thời điểm 1 tuổi thường xuyên gặp không ít rắc rối và khó khăn.

Trong giai đoạn này, điều bố mẹ nên làm nhất chính là chơi nhiều cùng con, nhẫn nại, bao dung con. Bằng cách này, trẻ sẽ học được những thứ quan trọng hơn rất nhiều so với kiến thức trong sách vở.

Hay nói cách khác, các bé sẽ biết có người yêu thương mình, biết rằng mình là em bé được bố mẹ thương nhất, biết rằng tất cả mọi thứ trên thế giới này đều thật tươi đẹp, từ đó bồi dưỡng cho con cảm giác an toàn, tin cậy và hạnh phúc trong suốt cuộc đời.

2 tuổi: Bồi dưỡng cho con tính hài hước

Tuổi lên 2 là thời kỳ thích hợp nhất để bồi dưỡng cho trẻ tính cách hài hước, bởi đây chính là một yếu tố cấu thành quan trọng cho sức hấp dẫn, thu hút ở trẻ mai sau. Khi trẻ hòa nhập vào xã hội, tập thể, người khác cười, trẻ cũng biết cười theo.

Thời điểm này, bố mẹ nên chú ý phát triển cảm hứng và sở thích của trẻ, tạo thêm các tình huống hài hước để bồi dưỡng dần cho con. 

Sở hữu tính cách hài hước, vui vẻ có thể giúp con loại trừ rất nhiều căng thẳng và phiền muộn trong cuộc sống, điều này có ích cho con suốt cuộc đời.

8 năm hoàng kim - quy luật trưởng thành ở trẻ, bố mẹ Việt không nên bỏ qua giai đoạn này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

3 tuổi: Bồi dưỡng khả năng sáng tạo

Khả năng sáng tạo ở trẻ bắt đầu phát triển ở tuổi lên 3 và bắt nguồn từ cảm giác hiếu kỳ, hiếu động đặc trưng của các bé. Chỉ cần có một một trường hoặc cơ hội thích hợp, con trẻ sẽ phát huy được những tiềm năng sẵn có một cách tự nhiên.

Hãy để con tự sáng tác một câu chuyện, tự vẽ tranh, tô màu… và việc của bạn là cổ vũ cho con, đó là cách hay để bồi dưỡng khả năng sáng tạo ở trẻ.

Ngoài ra, hãy để các bé trồng hoa, nuôi một con vật nhỏ nào đó, tạo cơ hội cho bé gần gũi với tự nhiên…, đó cũng là cách giúp con phát huy khả năng sáng tạo.

4 tuổi: Giai đoạn phát triển mạnh về khả năng biểu đạt ngôn ngữ

Đến năm 4 tuổi, hầu như tất cả các bé đều đột nhiên trở nên thích nói và nói rất nhiều. Bố mẹ đừng cười hoặc chê khi con nói sai, nếu không bé sẽ cảm thấy lo lắng mỗi khi định nói gì, thậm chí là sinh ra nói lắp hoặc không muốn nói.

Trong những lúc bé nói chưa đúng, bố mẹ hãy nói lại một lần những lời con vừa nói sao cho chuẩn nhất, tuy nhiên, tuyệt đối không nhấn mạnh những chỗ bé bị sai.

Ở tuổi lên 4, các bé cũng rất thích hỏi và có thể hỏi mọi thứ chúng nhìn thấy, với hàng vạn câu hỏi "tại sao?".

Có hiện tượng này là bởi các bé một phần muốn biết nhứng điều mới lạ, một phần là thấy thích thú với việc hỏi này và một phần nữa là có thể là chúng muốn thể hiện tâm lý kháng cự không phục nên hỏi dồn dập, tới tấp.

Tất nhiên, mục đích chính của các bé vẫn là mong muốn người lớn giải đáp để biết thêm những điều mới lạ, vì thế bố mẹ hãy cố gắng làm hài lòng con.

8 năm hoàng kim - quy luật trưởng thành ở trẻ, bố mẹ Việt không nên bỏ qua giai đoạn này - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

5 tuổi: Thời điểm quan hệ giữa cha mẹ và con tốt nhất

Một đứa trẻ 5 tuổi đã có thể kiểm soát hành vi của bản thân và thậm chí là biết tự lượng sức mình để hành động, biết chung sống với mọi người một cách hài hòa.

Trong giai đoạn này, trẻ đặc biệt yêu mẹ và việc các bé muốn làm nhất là làm mẹ hài lòng. Lời của mẹ với những bé lên 5 là mệnh lệnh phải tuân thủ, vì thế lời khen ngợi của mẹ rất quan trọng với các bé.

Tuy nhiên, sẽ có lúc các bạn nhỏ sẽ nhầm lẫn mặc định rằng mẹ luôn hiểu hết những suy nghĩ của mình. Ví dụ nếu mẹ không ngay lập tức hiểu lời con muốn nói, bé sẽ giận. Khi đó, các mẹ hãy cố gắng ứng phó thật nhanh nhé.

6 tuổi: Nội tâm mâu thuẫn

6 tuổi có thể là giai đoạn mà giữa mẹ và con xảy ra nhiều vướng mắc nhất. Nếu như 5 tuổi, mẹ là cả thế giới của con thì đến năm 6 tuổi, bản thân các bé mới là trung tâm của thế giới.

Trẻ tìm kiếm vị trí trung tâm của mình, cùng với sự trưởng thành và độc lập từng ngày, các bé sẽ có tâm lý muốn phá vỡ sự cân bằng cũ, xây dựng lên một vương quốc độc lập thuộc về mình.

Một mặt, các bé vẫn yêu mẹ, cần mẹ, không rời được sự quan tâm chăm sóc của mẹ nhưng mặt khác, các bé lại hy vọng mình có thể độc lập, vì thế mới có hiện tượng các bé thường đẩy mẹ ra xa.

Lúc này, sự điều tiết phù hợp của bố sẽ giúp giải quyết được "khủng hoảng" trong gia đình.

8 năm hoàng kim - quy luật trưởng thành ở trẻ, bố mẹ Việt không nên bỏ qua giai đoạn này - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

7 tuổi: Tư duy trừu tượng bắt đầu phát triển

Trẻ lên 7 thường cho rằng bản thân mình mới là trung tâm của thế giới và thậm chí còn cho rằng bất cứ thứ gì có thể động đậy đều là những thứ có sinh mệnh.

Sự phát triển của tư duy trìu tượng giúp trẻ vừa có thể nhìn thấy điểm tương đồng giữa các vật thể, lại vừa có thể nhìn thấy điểm khác biệt giữa chúng.

Trẻ có thể hiểu sự thay đổi về hình dạng của một cái bình chứa không tạo ra sự thay đổi về lượng dung dịch được chứa bên trong, cũng bắt đầu hiểu ý nghĩa của số lượng.

8 tuổi: Thích suy nghĩ, tư duy nhanh nhẹn

Khi lên 8, trẻ đã có thể bắt đầu suy nghĩ rất nhiều vấn đề. Tư duy và ngôn ngữ phát triển toàn diện, khả năng phán đoán ngày càng tốt, có thể vận dụng tư duy lô-gic đơn giản để rút ra kết luận gì đó hoặc suy diễn một cách lô-gic một vấn đề nào đó.

Trẻ lên 8 càng ngày càng nhận thức được những sức mạnh khách quan của tự nhiên, đam mê tìm hiểu, tư duy, có thể phân biệt rõ viễn tưởng và hiện thực. Đây là một sự thay đổi về tư duy vô cùng quan trọng.

Việc trẻ nhỏ có được các khả năng khác nhau, đó là việc rất tự nhiên trong cuộc sống. Đừng quá kỳ vọng vào việc trẻ phải phát triển theo lộ trình mà bố mẹ đặt ra.

Quá trình phát triển ở trẻ sẽ có nhanh, có chậm bởi mỗi một đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và khác biệt, không phải mọi đứa trẻ trong độ tuổi của mình "đều biết" hoặc "nên biết". Sự giáo dục tùy theo khả năng, sở thích và thế mạnh của trẻ mới là điều quan trọng nhất.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại