Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995) - Kỳ 2

PV |

Nằm ở vị trí chiến lược trên biển Đông, đồng thời lại chứa đựng những tài nguyên quý giá, nên từ đầu thế kỷ XX, quần đảo Hoàng Sa, một bộ phận lãnh thổ Việt Nam đã trở thành mục tiêu tranh chấp của một số nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Phối hợp với các hoạt động quân sự trên biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các hoạt động đó là "bình thường" và đòi Việt Nam phải "rút khỏi các đảo san hô" ở đây; đổ lỗi cho bộ đội Việt Nam xông lên bắn vào nhân viên khảo sát của Trung Quốc trên bãi đá ngầm Gạc Ma (Trung Quốc gọi là Xích Qua) và vu cáo rằng, các tàu của hải quân Việt Nam nã pháo vào tàu hải quân Trung Quốc neo đậu gần đó, dẫn đến hải quân Trung Quốc buộc phải "phản kích để tự vệ" (Nhân dân nhật báo, ngày 1-4-1998).

Sự thật là thế nào? Điều gì đã làm cho nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kể từ ngày ra đời, luôn luôn tuyên bố là nước "yêu chuộng hòa bình", là một trong những nước đã đề ra năm nguyên tắc "chung sống hòa bình", lại dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, như Trung Quốc đã từng làm đối với một số nước có chung đường biên giới? Điều gì đã làm cho nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã từng tuyên bố chống đế quốc mạnh mẽ, đã từng tích cực ủng hộ nhiều phong trào giải phóng dân tộc và nhiều năm sát cánh cùng Việt Nam chiến đấu vì sự nghiệp chung, nay lại gây ra cảnh đau lòng khi những người lính Trung Quốc xả súng bắn vào cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Mọi người đều biết, sau khi chiếm được quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1 năm 1974, Trung Quốc ra sức xây dựng quần đảo này thành một căn cứ quân sự liên hợp có cầu cảng, sân bay làm bàn đạp mở rộng xâm lược xuống quần đảo Trường Sa. Một tờ báo Mỹ đã vạch rõ: " Chiến lược của Trung Quốc dường như là củng cố vị trí trên quần đảo Hoàng Sa trước khi tiến tới quần đảo Trường Sa ở xa hơn nữa về phía Nam" (Theo báo Diễn đàn thông tin quốc tế (Mỹ) ngày 22-2-1983)...nơi mà từ trước đến nay Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân tới.

Điều này được thể hiện trong lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa, ngày 30 tháng 7 năm 1977 rằng: "Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà không cần phải thương lượng gì hết" (ED. Xtê-pha-nốp, Trung Quốc bành trướng trên hướng biển, Nxb.Quan hệ quốc tế, 1980, tr.144).

Trên thực tế, từ năm 1981, Trung Quốc đã đưa Sở chỉ huy của hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu xuống Trạm Giam, trang bị cho hạm đội này những phương tiện đổ bộ hiện đại nhất và xây dựng, mở rộng hàng loạt các cảng quân sự ở đảo Hải Nam. Đồng thời, Trung Quốc cũng xúc tiến mạnh về mặt tổ chức hành chính, để tạo cơ sở cho việc chiếm đoạt lâu dài Hoàng Sa và chuẩn bị thôn tính nốt Trường Sa của Việt Nam.

Tháng 6 năm 1984, Quốc hội Trung Quốc khóa VI đã phê chuẩn việc thành lập "Khu hành chính Hải Nam" bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trực thuộc tỉnh Quảng Đông.

Ngày 13 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc thành lập tỉnh Hải Nam, một tỉnh có địa giới hành chính rộng lớn trên biển Đông bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là một việc làm bất hợp pháp, vi phạm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tờ Liên hợp báo (Đài Loan) nhận xét: "Bằng việc nâng cấp quy chế của đảo Hải Nam, Trung Cộng rõ ràng là đang mưu toan đặt toàn bộ vùng biển Đông và tất cả các đảo ở đó dưới sự kiểm soát của họ, do đó mở rộng tuyến phòng thủ chiến lược phía Nam của họ tới quần đảo Spratly (tức Trường Sa) ở cực Nam biển Đông" (Theo tờ Liên hợp báo (Đài Loan), ngày 2-9-1987).

Trung Quốc vẽ bản đồ biển Đông theo yêu sách của chính quyền Tưởng Giới Thạch năm 1947, thể hiện một đường biên giới không liên tục chiếm ba triệu ki-lô-mét vuông. Theo đường biên giới này thì Trung Quốc chiếm hầu như toàn bộ biển Đông.

Từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 6 tháng 6 năm 1987, hải quân Trung Quốc diễn tập lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa. Về cuộc tập trận này đài BBC (Anh) đã nhận xét như sau: " Cuộc tập trận hải quân đầu tiên từ trước tới nay, xung quanh quần đảo Trường Sa có lẽ sẽ có những hậu quả rộng lớn khắp vùng Đông-Nam châu Á. Nó làm phức tạp thêm quan hệ giữa Trung Quốc với Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a rằng, chính Bắc Kinh chứ không phải Mát-xcơ-va là mối đe dọa chiến lược lâu dài, thực sự đối với Đông- Nam Á" (Dẫn theo Tìm hiểu Trung Quốc thành lập tỉnh Hải Nam với chiến lược bành trướng trên biển Đông).

Tháng 1 năm 1988, một lực lượng lớn tàu chiến (có nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa) đi từ đảo Hải Nam xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc được phái đến khu vực quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của 2 tàu vận tải Việt Nam trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên (là hai bãi san hô còn đang lập lờ mặt nước). Họ xây nhà, cắm cờ Trung Quốc trên hai đảo này, đồng thời cho tàu chiến thường xuyên ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam đang tiến hành những hoạt động tiếp tế bình thường giữa các đảo do quân đội Việt Nam bảo vệ.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại