Lệ Quyên nói sốc về Bolero: Thái độ khiêm tốn hay ghẻ lạnh, coi thường dòng nhạc khác?

Nguyễn Điệp |

Phát ngôn của Lệ Quyên không sai trong tâm thế của cô, nhưng vô tình khiến nhiều nghệ sĩ chạnh lòng vì sự tôn sùng Bolero quá mức mà đặt nhẹ các dòng nhạc khác.

Bolero chưa bao giờ hết nóng. Tại Việt Nam, nó luôn được đặt ở vị thế trung tâm để so sánh với các dòng nhạc khác, kéo theo những luồng dư luận trái chiều.

Nếu trong năm 2017, ca sĩ Tùng Dương từng tạo bão với phát ngôn sốc "Già trẻ lớn bé đắm đuối với Bolero đúng là sự thụt lùi", thì tới đầu 2018 này, Lệ Quyên lại tiếp tục gây xôn xao khi nói: "Tôi đã hát Bolero thì không ai có thể thay thế được".

Chưa dừng lại ở đó, Lệ Quyên còn tuyên bố ngược lại hoàn toàn với quan điểm của Tùng Dương: "Đã hát được Bolero thì chẳng còn dòng nhạc nào chông gai hơn nữa".

Các phát ngôn này của Lệ Quyên đã khiến nhiều người băn khoăn. Họ cho rằng, "nữ hoàng phòng trà" đang quá tự tin vào vị thế của mình cũng như Bolero mà coi thường các dòng nhạc khác.

Vậy, ẩn ý của Lệ Quyên sau những phát ngôn này là gì? Và có thực sự là hát được Bolero thì tất cả các dòng nhạc khác không còn chông gai?

Lệ Quyên nói sốc về Bolero: Thái độ khiêm tốn hay ghẻ lạnh, coi thường dòng nhạc khác? - Ảnh 1.

Lệ Quyên phát ngôn về Bolero trước thềm show diễn

Bolero khó một, nhiều dòng nhạc khó mười

Âm nhạc không chỉ để giải trí, nó là nghệ thuật, là sáng tạo và là trí tuệ. Bởi vậy, tất cả các dòng nhạc, dù giới hạn (limited) hay phổ biến cũng đều cần sự nghiêm túc, khổ luyện.

Bolero cũng vậy, tuy xuất phát điểm là một dòng nhạc bình dân, dễ nghe, dễ hát, nhưng nó luôn cần sự dụng công của nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ biểu hiện trên sân khấu.

Người ta thường nói, Bolero hát thì dễ nhưng để hát hay thì rất khó, dù nó không đòi hỏi những kĩ thuật cao cấp, chính thống.

Hát Bolero hay không phải điều dễ dàng, nó cần nhiều kĩ thuật (phi chính thống) như kiểm soát hơi thở, luyến láy, bỏ nhỏ, đặt vị trí âm thanh và làm chủ tiết tấu vững vàng. Không những vậy, người hát còn phải thẩm thấu được tâm hồn, thẩm mỹ riêng của Bolero.

Vì thế mới có chuyện, nhiều ca sĩ sở hữu giọng hát hay, nhưng kĩ thuật chưa chín muồi nên hát Bolero khá thô. Hay, một số ca sĩ có kĩ thuật rất tốt, được đào tạo bài bản, nhưng chưa thẩm thấu được điệu hồn, cách hát riêng của Bolero nên hát không ra chất.

Các tượng đài Bolero như Thanh Tuyền, Hà Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh… nắm giữ nhiều bí quyết và kĩ thuật riêng để hát Bolero, tạo nên những đỉnh cao ít ai chạm tới.

Chẳng hạn, Thanh Tuyền với lợi thế riêng của giọng full lirico soprano, có thể tạo ra những note belt âm đóng C5 đanh dày ở tuổi gần 70.

Thanh Tuyền belt âm đóng trên C5 đanh dày

Hay, Hà Thanh với làn hơi dài và đậm tính legato, có thể luyến giọng vô cùng ngọt ngào, không một chút gợn và đẩy vị trí âm thanh lên head voice trên trung âm rất mềm mại.

Hà Thanh với những luyến láy mềm mại, liền mạch không một chút gợn

Nhưng điều đó không có nghĩa Bolero là dòng nhạc khó hát nhất. Có vô số dòng nhạc phức tạp hơn Bolero rất nhiều. Thậm chí, ở một số dòng nhạc, cả thế giới chỉ có ít người hát được.

Khó hát nhất phải kể tới Opera – dòng nhạc bác học, đòi hỏi nền tảng kĩ thuật lớn, từ vị trí âm thanh, cân bằng thanh quản, chuyển giọng linh hoạt, kiểm soát cột hơi, khẩu hình tới thư giãn cơ hàm, cộng hưởng âm thanh dữ dội… để có thể hát không mic trong cả một khán phòng lớn suốt vài tiếng đồng hồ.

Trong Opera chia làm nhiều nhánh khác nhau. Chẳng hạn, Opera cho giọng màu sắc đòi hỏi ca sĩ phải có quãng giọng rộng, lên được những note cao vút tận E6, F6, thậm chí tận G6, A6… Không những vậy, ca sĩ còn phải thực hiện hàng loạt kĩ thuật tinh xảo như diminuendo, pianissimo, trillo, staccato… để biến tấu cadenza đầy hoa mĩ.

"Kinh dị" nhất là opera của Wagner hay Verdi (giai đoạn đầu) – vốn được ví như những cỗ máy chém giọng. Nó yêu cầu ca sĩ phải là giọng kịch tính (loại giọng hiếm mà cả châu Á chưa từng có), có âm lượng bẩm sinh rất lớn, thể lực khỏe, sức bền tốt và kĩ thuật voice project đỉnh cao.

Gwyneth Jones tung giọng kịch tính áp đảo dàn nhạc khổng lồ

Có như thế, họ mới chống chọi lại được dàn nhạc khổng lồ suốt 4, 5 tiếng đồng hồ liên tục và tạo ra những note nhạc kịch đại, sử thi. Ca sĩ bình thường sẽ không thể hát nổi loại opera này và nếu cố hát sẽ mất giọng.

Không chỉ vậy, ca sĩ Opera còn phải có cảm nhạc cực tốt, để hát đúng nhịp giữa hàng trăm âm thanh nhạc cụ khác nhau. Ngoài ra, họ còn phải biết nhiều ngoại ngữ (để hát trọn vở nhạc kịch của ngôn ngữ khác) và có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn học (để hiểu nhân vật trong vở diễn).

Tại Việt Nam, dù không bằng thế giới, nhưng Opera vẫn là dòng nhạc khó hát nhất, không phải ca sĩ nào cũng hát được. Chẳng hạn, chỉ duy nhất Hà Phạm Thăng Long tung được cú B5 head voice cộng hưởng vang dội như thế này mà không cần mic.

Hà Phạm Thăng Long tung B5 head voice âm lượng lớn cộng hưởng vang dội

Ngoài Opera, còn rất nhiều dòng nhạc phức tạp. Có thể kể đến dân ca bí truyền của Peru, đòi hỏi ca sĩ phải có quãng giọng rộng tới 5 octave và kĩ thuật màu sắc vi diệu, để thực hiện trillo, staccato, chạy note liên tục trên whistle trên tận quãng 7.

Là một "cao nhân" của dòng nhạc này, Yma Sumac còn sử dụng được sound pouring – giúp ra rất nhiều những âm thanh nhỏ tròn li ti giàu tính nhạc điệu có thể ở trên cao độ hoặc trung độ theo sự điều khiển của thanh quản.

Yma Sumac thực hiện những kĩ thuật thần sầu gần như hiếm ai làm được.

Hay, các dòng nhạc đại chúng như Gospel, Jazz, Soul, R&B… cũng đều đòi hỏi kĩ thuật khó và giọng hát đặc biệt, nhiều tiềm năng. Có vậy mới sinh ra những diva bậc thầy như Whitney Houston, Mariah Carey, Patti Labelle, Aretha Franklin.

Aretha Franklin với tài chơi đàn và giọng hát bậc thầy

Chỉ cần lấy một vài ca sĩ tầm "khá" của các dòng nhạc này như Jennifer Hudson, Brandy, Alexandra Burke hay Beyonce… cũng đủ đánh bật nhiều ca sĩ nhạc nhẹ tên tuổi của Việt Nam về kĩ thuật.

Beyonce chỉ được đánh giá là ca sĩ hạng "khá" của R&B nhưng đã vượt xa hầu hết ca sĩ nhạc nhẹ Việt Nam

Như vậy, có thể thấy, Bolero dù "chông gai" tới đâu thì người bình thường và ca sĩ ở các dòng nhạc khác vẫn có thể hát được. Còn ở nhiều dòng nhạc, độ khó của nó đã lên tới mức, rất ít ca sĩ có thể chạm tới, nếu không có năng lực đặc biệt và sự khổ luyện lâu năm.

Nói cách khác, hát được Bolero không có nghĩa sẽ hát được các dòng nhạc khác và ngược lại. Lệ Quyên đã thành công với Bolero, nhưng cô có hát hay mọi thể loại từ Opera tới Soul, Jazz, R&B, Rock… hay không, vẫn còn là một ẩn số.

Chông gai âm nhạc - đâu riêng Bolero

Bolero là dòng nhạc được đông đảo công chúng yêu thích, ai ai cũng nghe. Nhu cầu thưởng thức cao từ phía công chúng khiến vô số ca sĩ theo đuổi nó, hoặc ít nhiều cũng đá qua nó.

Chính điều này khiến khán giả có phần khắt khe hơn với Bolero. Hát Bolero thì đơn giản, nhưng hát sao để có chỗ đứng trong bản đồ Bolero và được khán giả yêu thích lại là vấn đề khó khăn.

Xuất phát điểm là một ca sĩ nhạc nhẹ, con đường đến với Bolero để thành công như ngày hôm nay của Lệ Quyên đương nhiên không dễ dàng. Bản thân cô cũng phải nỗ lực khá nhiều để vượt qua khó khăn.

Lệ Quyên nói sốc về Bolero: Thái độ khiêm tốn hay ghẻ lạnh, coi thường dòng nhạc khác? - Ảnh 9.

Có lẽ, đó chính là "chông gai" mà Lệ Quyên muốn nhắc đến. Nhưng nếu chỉ vì vượt qua được "chông gai" của Bolero mà cho rằng các dòng nhạc khác không còn "chông gai hơn nữa" thì có phải Lệ Quyên đang hơi đặt cao vị thế của Bolero và tự chững bản thân lại chăng?

Nói đến chông gai âm nhạc, phải nhắc tới Opera đầu tiên. Một giọng hát Opera muốn đứng trên sân khấu phải mất tới hàng chục năm rèn luyện. Nhiều ca sĩ đã phải bắt đầu học hát từ năm vài tuổi, để tới tận ngoài 30 tuổi mới được biểu diễn chính thức.

Chẳng hạn, diva Birgit Nilsson năm gần 30 tuổi đã phải trở lại trường học sau lần đầu tiên đứng hát trên sân khấu vì cảm thấy chưa đủ chín, dù bà đã được học hành bài bản. Và phải tới ngoài 40 tuổi, bà mới tìm được ánh hào quang.

Hào quang đến với Birgit Nilsson sau hàng chục năm khổ luyện

Ngay tại Việt Nam, những ca sĩ Opera như Bích Thủy dù đã có tuổi, nhưng vẫn phải "mài quần" tại giảng đường nước ngoài chứ chưa hề được biết đến rộng rãi.

Hơn nữa, rèn luyện Opera vốn rất khó khăn. Diva Maria Callas chia sẻ, bà từng phải luyện thanh hàng chục giờ một ngày suốt nhiều năm trời và bật khóc vì giọng hát không đẹp của mình.

Không chỉ giọng hát, ca sĩ Opera còn phải rèn luyện thể lực rất kinh khủng. Montserrat Caballe cho biết, bà thường xuyên phải tập điền kinh để nâng cao thể tích phổi.

Monserrat Caballe với làn hơi dài bất tận

Theo lời giảng viên Hồ Mộ La (nhạc viện Việt Nam), bà từng bị đuối sức khi không có đủ thể lực để theo học thanh nhạc tại Liên Xô. Đó là lí do vì sao ca sĩ Opera thường có cơ thể quá khổ. Họ phải đánh đổi ngoại hình của mình để cống hiến cho âm nhạc.

Lệ Quyên nói sốc về Bolero: Thái độ khiêm tốn hay ghẻ lạnh, coi thường dòng nhạc khác? - Ảnh 12.

Ngoại hình quá khổ của đa số ca sĩ Opera gạo cội

Ngày nay, ca sĩ Opera càng gặp nhiều khó khăn hơn. Họ liên tục phải trải qua các cuộc thi, casting này nọ mà vẫn chưa được chấp nhận hát cùng dàn nhạc. Nhạc đại chúng nhẹ nhàng hơn Opera, nhưng con đường đi vẫn rất chông gai.

Whitney Houston từ bé đã phải luyện thanh để hát nhà thờ, nhưng phải chuyển sang làm người mẫu rồi tới tận 23 tuổi mới được ra album đầu tiên.

Mariah Carey trước khi đi hát từng phải làm đủ nghề, từ bồi bàn đến tạp vụ, dù cô được học nhạc từ năm 4 tuổi. Để nổi tiếng, cô đã phải đánh đổi tự do cá nhân của mình, bị Tommy Mottola trói buộc, ép vào guồng quay để sáng tác liên tục.

Nina Simone từng phải đệm đàn bè cho ca sĩ khác và bị phân biệt chủng tộc ngay trên khán đài, nhưng vẫn kiên trì theo nghề.

Một thân một mình lên New York chỉ với 25 đô, Madonna phải chụp ảnh khỏa thân, bị cưỡng hiếp, nhưng cô vẫn vượt qua. Chặng đường của cô là máu và nước mắt, khi liên tục bị chỉ trích, phê phán, thậm chí là đe dọa, cấm diễn, bị chính phủ trù dập… nhưng cô vẫn kiên trì tới tận bây giờ.

Làm một album hay thực hiện một tour diễn với Madonna vô cùng khó khăn, vì cô phải tìm tòi, sống chết với nó. Chẳng hạn, cô đã tới tận Nhật Bản, Ấn Độ hàng tháng trời, mò mẫm từng chút một rồi mới dám thực hiện album Ray of light.

Bởi vậy, Madonna luôn được đánh giá cao về tính học thuật trong âm nhạc của mình, dù cô chỉ là một ca sĩ Pop và không có giọng hát tốt.

Để có được màn biểu diễn này là cả một quá trình sáng tạo, đầu tư của Madonna

Để có được những bước nhảy điêu luyện trên sân khấu, Michael Jackson đã phải tự nhốt mình trong phòng hàng tháng trời chỉ để tập luyện, tới mức đôi chân bầm tím và bật đầy máu.

Đằng sau những bước nhảy thần sầu này là cả một sự khổ luyện

Ngay đến các ca sĩ Kpop, vốn không được đánh giá cao về tài năng, cũng phải trải qua sự rèn luyện khổ cực và đánh đổi nhiều thứ để có được hào quang. Nhiều ca sĩ đã tự tử vì không chịu nổi áp lực, chông gai của sự nổi tiếng.

Ở Việt Nam, các ca sĩ nhạc nhẹ cũng trải qua không ít khó khăn mới có thành công.

Hà Trần từng phải đạp xe hàng chục cây số tới nhạc viện để luyện thanh với cái bụng rỗng, để rồi suýt ngất trên lớp. Cô đã phải cố gắng rất nhiều, lấy kĩ thuật bù đắp giọng hát mỏng yếu bẩm sinh của mình. Trong sự nghiệp, cô cũng luôn tìm tòi những dòng nhạc khác nhau để thể nghiệm.

Hà Trần lấy kĩ thuật bù đắp giọng hát bẩm sinh

Tùng Dương đến tận bây giờ vẫn phải luyện thanh không ngừng nghỉ để thay đổi cách hát đa dạng và mở rộng quãng giọng của mình.

Tùng Dương mở rộng quãng giọng tới C6

Hồ Ngọc Hà vốn bị chê là giọng khàn, yếu, không biết hát. Cô đã phải luyện thanh miệt mài để vươn tới những note cao đẹp như hiện tại. Chặng đường âm nhạc của Hồ Ngọc Hà gặp rất nhiều biến cố, nhưng cô vẫn cố gắng đứng vững tới ngày nay.

Hồ Ngọc Hà mixed F#5 thoải mái dù là nữ trung

Tất cả các ca sĩ trên dù hát những thể loại nhạc khác nhau, nhưng đều phải trải qua nhiều khó khăn mới có được thành công của riêng họ.

Tôn trọng Bolero nhưng đừng ghẻ lạnh phần còn lại của âm nhạc

Tóm lại, dòng nhạc nào cũng có những chông gai, khó khăn riêng của nó. Các nghệ sĩ luôn phải phấn đấu, nỗ lực hết mình mới có được thành công ở dòng nhạc mình theo đuổi.

Phát ngôn của Lệ Quyên không sai trong hoàn cảnh, tâm thế của cô. Tuy nhiên, nó khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy chạnh lòng và vô tình "hạ thấp" các dòng nhạc khác.

Lệ Quyên nói sốc về Bolero: Thái độ khiêm tốn hay ghẻ lạnh, coi thường dòng nhạc khác? - Ảnh 18.

Chưa kể, phát ngôn đó còn cho thấy, Lệ Quyên đang muốn chững lại ở Bolero, không có nhu cầu hay ý muốn thử thách bản thân để tìm tòi, sáng tạo thêm những cánh cửa âm nhạc mới.

Có thể Bolero được công chúng ưa chuộng hơn, nhưng không có nghĩa vị thế của nó cao hơn những dòng nhạc khác.

Tôn trọng Bolero đồng nghĩa với việc, cả nghệ sĩ lẫn công chúng đều phải tôn trọng kho tàng âm nhạc. Không thể chỉ biết mình quên người.

Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
- Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
- Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
- Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
- Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
- Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
- Vibrato: Ngân rung.
- Piano: Kĩ thuật hát nhỏ giọng vừa phải.
- Airy voice: Âm hơi.
- Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
- Falsetto: Giọng gió.
- Head voice: Giọng đầu.
- Chest voice: Giọng ngực.
- Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
- Strain: Hát căng thẳng.
- Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
- Staccato: Hát ngắt.
- Trillo: Rung láy.
- Legato: Hát liền giọng.
- Pianissimo: Vuốt nhỏ tiếng.
- Voice project: Phóng âm.
- Diminuendo: Hát nhỏ đột ngột.

- Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại