Còn lại gì nếu bong bóng Bitcoin tan vỡ?

Hải Vân |

Tuần vừa qua, giới đầu tư vào đồng tiền ảo Bitcoin tại Việt Nam phải “đau tim” khi giá của đồng tiền này giảm mạnh, thậm chí được dự đoán là bắt đầu của sự đổ vỡ.

Đầu tuần trước các nhà đầu tư còn khấp khởi vì giá Bitcoin có lúc áp sát tới 20.000 USD thì cuối tuần đồng tiền mã hóa này đã giảm tới 50% xuống có lúc chỉ còn khoảng 10.000 USD.

Sự sụt giảm giá trị của Bitcoin kéo theo một loạt các loại tiền ảo khác cũng bị giảm mạnh. Ngoại trừ Ripple vẫn đang tăng khá mạnh giữa tâm bão thì đồng Ethereum mất giá tới 18%, Bitcoincash khoảng 22%, Litecoin 21%…

Sự thay đổi khó lường này khiến cho nhiều người nghi ngại liệu đây có phải là lúc bong bóng Bitcoin vỡ hay chỉ là một đợt điều chỉnh trước khi loại tiền ảo này tiếp tục tăng giá mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

 Còn lại gì nếu bong bóng Bitcoin tan vỡ?  - Ảnh 1.

Diễn biến giá Bitcoin trong tuần qua - nguồn: Coindesk

Giá xuống chóng mặt, nhiều người sợ mất trắng

Tại Việt Nam, không chỉ giới đầu cơ mua bitcoin chờ lên giá để bán mà những người chịu khó mua máy đào coin cũng đang phải lo lắng nếu giá bitcoin tiếp tục giảm như hiện nay.

Được biết, một chiếc máy đào coin có giá dao động khoảng 70-80 triệu đồng. Chi phí đào cũng không phải là nhỏ, ước tính một máy đào hoạt động liên tục 24 giờ sẽ tốn hết 24kWh điện năng, tương đương 1 tháng tiêu hao 720KWh. Với giá điện như hiện tại, chi phí cho tiền điện sẽ vào khoảng 1,7-2 triệu/ tháng.

Ngoài ra, vì đặc điểm máy đào hoạt động liên tục tỏa ra nhiệt độ rất cao và để đào coin thì phải có mạng và điện ổn định, nhiều người đã phải mang máy đi gửi dịch vụ chuyên cung cấp chỗ đặt máy, chi phí dịch vụ từ 2-2,5 triệu đồng/máy/ tháng.

Với mức giá như hiện nay vào khoảng 13.500-14.000 USD/ 1 bitcoin, nhiều người mua máy đào vẫn chưa hoàn được vốn.

Dù vậy, một số nhà đầu tư vào tiền ảo vẫn tin tưởng việc giá Bitcoin biến động như vậy là chuyện bình thường vì trong quá khứ đồng tiền này cũng đã từng trải qua nhiều đợt rớt giá nhưng sau đó lại nhanh chóng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ.

Điển hình như 2 ngày trước khi số tiền này giảm giá trị xuống gần 10.000 USD nhưng chưa đầy 24 giờ sau nó đã phục hồi và đạt 15.000 USD. Tín hiệu này khiến nhiều người đầu tư vào Bitcoin có niềm tin trở lại, thậm chí cho rằng lúc giá Bitcoin giảm chính là thời điểm tốt để mua vào.

Trên thực tế, kể cả khi người nắm Bitcoin cảm thấy đây là thời điểm cần phải bán trước khi giá giảm xuống thì do phải mất hàng giờ để hoàn tất giao dịch sẽ khiến việc “rút êm” không hề dễ dàng.

Từ tháng 5/2016 đến nay, không chỉ giá Bitcoin tăng lên mạnh mẽ mà thời gian chờ xác nhận giao dịch cũng tăng chóng mặt. Trung bình hiện nay, để xác nhận 1 giao dịch Bitcoin sẽ phải mất tới hơn 4,5 tiếng.

Trong khi còn nhiều tranh cãi về xu hướng của Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo nói chung trong tương lai, nhiều chuyên gia tiếp tục cảnh báo rằng bản chất của Bitcoin là bất ổn, không có sự kiểm soát, không có sở dự đoán và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI trong một buổi tọa đàm về Bitcoin tuần trước cho biết, Bitcoin có thể ví như bong bóng hoa Tulip thế kỷ 17, khi sập sẽ gắn với khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ông nói: “Có 2 lý do khiến Bitcoin tăng phi mã: nó là công cụ mang tính đầu cơ, cũng có thể là công cụ chuyển tiền bất hợp pháp bởi tính ẩn danh của công nghệ này. Nhưng ai là người cuối cùng cầm cục than nóng ấy, người đó sẽ "chết”.

Cũng chia sẻ quan điểm về Bitcoin, trong buổi giao lưu trực tuyến mới đây với Cafef và báo điện tử Trí thức trẻ, ông Trương Văn Phước – quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có nói:

“Chúng ta đều biết, hiện nay, việc tạo ra Bitcoin dựa vào thuật toán thông qua phần mềm mở mà mọi đối tác tham gia vào đều ẩn danh. Cũng không thể xác định ai là người sở hữu bitcoin đấy. Tôi cho rằng, tham gia vào việc giao dịch Bitcoin là vô cùng rủi ro”.

Nếu Bitcoin sụp đổ, điều gì còn lại?

Bong bóng Bitcoin vỡ là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tương lai và nếu đến ngày đó thì liệu ngoài những khủng hoảng và mất mát, Bitcoin còn để lại gì tích cực hay không?

Theo ông Dominik Weil - đồng sáng lập Bitcoin Việt Nam, nếu có lúc bong bóng bitcoin vỡ thì bitcoin vẫn có thể để lại một hạ tầng cơ sở nhất định chính là hệ thống siêu máy tính vốn dùng để “đào” coin.

So sánh với bong bóng Dotcom, ông cho biết: “Các công ty lớn như Google hay Facebook đều trưởng thành từ bong bóng Dotcom.

Nếu so sánh, tiền điện tử cũng là bong bóng nhưng công nghệ gắn với tiền điện tử là công nghệ của tương lai, mỗi nhà đầu tư cần so sánh lợi nhuận và rủi ro, còn nhìn về lâu về dài chúng tôi vẫn tin tưởng vào tiền diện tử và công nghệ gắn liền với nó - blockchain”.

Ông Trần Hữu Đức- chủ tịch câu lạc bộ Fintech nói về công nghệ để lại sau Bitcoin, cho rằng blockchain được coi là công nghệ đáng quan tâm nhất sau thời Internet. Nhìn nhận về việc nhiều bạn trẻ ngày nay quan tâm tới Bitcoin, ông cho rằng họ không chỉ quan tâm tới chuyện đầu cơ mà còn có công nghệ đằng sau.

Ông Đức chia sẻ, hiện có nhiều bạn Startup đã nhập máy đào bitcoin về và lập "trang trại" để đào tiền ảo ở Lào, Campuchia, Lâm Đồng,...

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cũng đánh giá đây là công nghệ mới đáng hứa hẹn, có lẽ là điểm tích cực khi việc đầu cơ vào bitcoin trên thị trường hiện nay khi góp phần khuyến khích giới trẻ phát triển công nghệ blockchain.

Ông chia sẻ "Bong bóng Bitcoin vỡ vẫn có thể để lại hạ tầng công nghệ tốt. Nhưng cần nhìn nhận đây chỉ là một sản phẩm sử dụng công nghệ blockchain"

Trong khi tính rủi ro, bất ổn của Bitcoin khiến nhiều người lo ngại thì công nghệ tạo nên đồng tiền này lại đang được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ đem lại thay đổi trong tương lai trong đó có cả hệ thống ngân hàng truyền thống hiện tại.

Sự khác biệt của công nghệ Blockchain so với những công nghệ bảo mật, lưu trữ thông thường là nó không tồn tại ở một địa điểm cụ thể nào.

Ngoài ra, lợi thế lớn nhất của blockchain là giúp các bên tham gia một giao dịch không cần phải tin tưởng vào nhau mà mọi thứ vẫn trơn tru, đảm bảo, lại còn bảo mật, không có nguy cơ lừa đảo hay tội phạm tài chính.

Trong vấn đề tính ứng dụng của blockchain cho ngành ngân hàng, ông Dominik Weil cho rằng nếu các Ngân hàng Trung ương có thể phát hành tiền điện tử riêng thì có thể giúp minh bạch hóa hệ thống và các giao dịch vì những dữ liệu được lưu lại sẽ không thể bị sửa hay xóa đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại