Cuộc chiến xe ôm công nghệ cao bùng phát ở Đông Nam Á

Trung Mễn |

Đông Nam Á là một trong những “chiến trường” vô cùng khốc liệt của các ứng dụng chia sẻ xe.

Trong một buổi sáng lái xe của mình, anh Nasrun đón bốn đứa trẻ đến trường học, một người nhân viên văn phòng đi làm, mua thuốc từ hiệu thuốc, mua chút hàng hóa đồ dùng học tập lặt vặt và nhận đặt hàng Nhật đưa đến cho một người phụ nữ làm việc ở Sở giao dịch chứng khoán Indonesia.

Anh Irawan, một người đồng nghiệp khác của Narsun, bắt đầu ngày làm việc của mình thường vào lúc nửa đêm. Anh đưa một số người về nhà, sau đó mua gà KFC. Đến 4h sáng, anh đón một người đi bar về, người này say đến nỗi một tay anh lái xe và tay còn lại phải cố gắng giữ cho người phụ nữ ấy khỏi đổ ngang đổ ngửa ra khỏi xe máy.

Anh Narsun và anh Irawan làm việc cho Go-Jek, một công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ xe có thể được coi như đối thủ của Uber. Công ty đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Mỹ cũng như Trung Quốc.

Ứng dụng của công ty cho phép bạn có thể tìm được một người chủ sở hữu xe ô tô hoặc xe máy có thể chở bạn đi với mức chi phí hợp lý, hoặc có thể người đó sẽ đi mua cho bạn chút rau quả, hoặc chuyển quà cho ai đó trong thành phố.

Với một ứng dụng khác cũng do Go-Jek quản lý có tên Go-Life, bạn có thể nhờ ai đó chở đi cắt tóc, mát xa cho bạn hoặc thay dầu xe ô tô. Và với số tiền bạn nạp trong ví điện tử Go-Jek, bạn có thể trả hóa đơn tiền điện, mua dung lượng Internet và đặt vé xem phim, tất cả chỉ bằng một ứng dụng.

Go-Jek bắt đầu chạy các ứng dụng trên vào năm 2015 và hiện Go-Jek là ứng dụng duy nhất ở Indonesia cung cấp các dịch vụ như vậy. Go-Jek đang đặt trọng tâm vào giữ chân những khác hàng trung thành vốn đã quen sử dụng dịch vụ của công ty. Xét trên toàn thị trường Đông Nam Á, Go-Jek đang rất cố gắng để cạnh tranh với Uber, Grab vốn đã có sự hiện diện tại bảy nước Đông Nam Á.

“Chúng tôi rất đánh giá cao sự thành công của Uber, thế nhưng chúng tôi rõ ràng đang đi trước họ về công nghệ”, nhà sáng lập kiêm CEO của Go-Jek, ông Nadiem Makarim, tuyên bố.

Đông Nam Á, thị trường rộng lớn với tổng dân số khoảng 600 triệu người với tỷ lệ tăng trưởng người dùng Internet cao nhất thế giới đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư công nghệ. Còn đối với Uber, Đông Nam Á là một trong những “chiến trường” khốc liệt nhất nơi mà hãng đang phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ và phải cố gắng giảm lỗ trước thêm IPO vào năm sau.

Grab, công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ xe tương tự như Uber, được định giá 6 tỷ USD trong lần gọi vốn gần nhất, mới đây công bố hãng đã có một tỷ lượt gọi xe. Cùng lúc đó, đối thủ của Uber lớn nhất trên thị trường Bắc Mỹ là Lyft cũng đã có được số lượt gọi xe bằng một nửa con số trên.

“Thị trường Đông Nam Á tăng trưởng khủng khiếp. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi mà ở thị trường này luôn có quá nhiều sức ép cạnh tranh”, trưởng bộ phận kinh doanh tại châu Á của Uber, ông Brooks Entwistle, nhận xét.

Những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc tất nhiên không bỏ qua cơ hội tranh giành thị phần và kiếm tiền ở Đông Nam Á.

Chính Go-Jek được bảo trợ bởi tập đoàn Tencent, tập đoàn lớn về trò chơi điện tử và truyền thông xã hội ở Trung Quốc. Còn trong năm nay, Grab cũng đã nhận được 2 tỷ USD vốn đầu tư từ Didi Chuxing - công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ xe đã chiến thắng Uber và tập đoàn SoftBank của Nhật.

Ngoài lĩnh vực giao thông, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc sau khi chiếm lĩnh thị trường mua hàng trực tuyến tại nước này đã đầu tư vào Tokopedia, một trang mua sắm của Indonesia. Ngoài ra, Tencent cũng đang là cổ đông lớn của Sea, một công ty Singapore chuyên vận hành hệ thống trò chơi điện tử, trang mua sắm và dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Có lẽ cũng không ngạc nhiên khi mà cho đến nay có quá nhiều công ty công nghệ thế giới muốn đổ xô đến Jakarta – Indonesia. Thủ đô 10 triệu dân của đất nước đông dân thứ tư trên thế giới này vốn quá đông đúc nhưng không hề có hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống giao thông gây mệt mỏi đến nỗi nhiều người dân cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

“Tại Đông Nam Á, phương tiện giao thông chưa mấy phát triển, các thành phố đông chật chội và tỷ lệ sở hữu xe ô tô thấp. Chính vì vậy, các ứng dụng chia sẻ xe ở đây có sức hút hơn nhiều so với ở Ấn Độ hay Trung Quốc”, chủ tịch của Grab, ông Ming Maa, nhận xét.

Trước khi có sự xuất hiện của Go-Jek tại Indonesia, người dân Jakarta đã sử dụng rất nhiều xe ôm, tuy nhiên việc tính giá cước của những người làm nghề này thường có nhiều vấn đề, ngoài ra, họ cũng chưa thực sự đảm bảo được an toàn cho khách, đặc biệt với phụ nữ.

Go-Jek nhờ vậy đã mang đến một giải pháp giao thông mới với chi phí hợp lý hơn cho người dân Jakarta. Nhiều người dân Jakarta giờ đây đặt hàng đồ ăn, thức uống qua Go-Jek, mua tạp chí, tất cả mọi thứ đều được mang đến tận nhà mà khách không cần thiết phải ra đường trong bối cảnh tình trạng tắc đường ngày một tồi tệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại