Ông Putin thành "người lập trật tự" Syria, 2 trung tâm quyền lực mới làm đồng minh Mỹ e sợ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Bản tuyên bố chung ở Sochi cho thấy bộ ba Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mới là những tác nhân chính quyết định tương lai chính trị của Syria và đã có kế hoạch vận hành thời hậu chiến.

Việc ngay trước đó tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón người đồng cấp Syria Bashar al-Assad cũng tại Sochi hàm ý không chỉ mối quan hệ giữa Nga và Syria hiện rất tốt đẹp, mà còn chính ông Assad sẽ vẫn đóng vai trò rất quyết định ở Syria thời hậu chiến.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chuẩn bị chiến lược và phối hợp hành động cho thời hậu chiến ở Syria, tức là tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Xem ra, ba nước cho rằng hoạt động quân sự của họ ở Syria cho tới nay đã thành công, đến mức khía cạnh quân sự của giải pháp cho vấn đề Syria đã được xử lý cơ bản.

Chẳng phải như thế hay sao khi Iran cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tận thế, còn Nga tuyên bố chấm dứt thời kỳ hoạt động quân sự tích cực ở Syria? So với Mỹ và đồng minh, như thế đâu có khác gì ba nước này đi sau mà lại tới đích trước trong cục diện xung đột ở Syria, trước tiên về phương diện quân sự và bây giờ về khía cạnh chính trị.

Cái đích mà "bộ ba" nhắm đến trong lộ trình chính trị cho Syria trong thời gian tới là soạn thảo hiến pháp mới và tổng tuyển cử, để thành lập thể chế chính trị và chính quyền mới trên cơ sở hiến pháp mới và kết quả các cuộc bầu cử.

Nghe đơn giản và sách vở vậy, nhưng thực chất ở đây là cơ chế nhằm ngăn cản sự áp đặt về thể chế chính trị và chính quyền từ bên ngoài, mà ngay từ đầu phải để cho người dân tự quyết định. Họ tránh mô hình giải pháp như Mỹ từng áp dụng ở Afghanistan và Iraq.

Ông Putin thành người lập trật tự Syria, 2 trung tâm quyền lực mới làm đồng minh Mỹ e sợ - Ảnh 1.

Từ phải qua: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Tổng thống Iran Hassan Rouhani gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh quan trọng về Syria tại Sochi, Nga, ngày 22/11/2017(Ảnh: AP)

Các trung tâm quyền lực mới của Trung Đông

Ba nội dung chính và đồng thời cũng gần như ba tiêu chí tiên quyết của Nga-Iran-Thổ là chính ba nước này, chứ không phải ai khác, đảm trách vai trò đảm bảo thực hiện giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, ông Assad hợp tác trong việc soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức bầu cử, và sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria được gìn giữ.

Có thể thấy qua đó, "bộ ba" đặt ra luật chơi thời hậu chiến ở Syria và các đối tác khác muốn tham gia tình hình khu vực. Lộ trình thực hiện được đề ra là tổ chức Dại hội các dân tộc Syria ở Sochi để thương thảo về hiến pháp mới và bầu cử.

Trên thực tế, đó là một khuôn khổ diễn đàn khác với sự tham gia của tất cả các đảng phái cùng các lực lượng chính trị, xã hội ở Syria, chứ không chỉ gồm các phe chống chính quyền Assad và phía chính phủ Syria.

Từ hơn một năm nay, giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã có cơ chế trao đổi là hội nghị cấp cao ở Astana, Kazakhstan. Nhưng ở đó cho tới nay chỉ xử lý khía cạnh quân sự của vấn đề Syria nên họ cần khuôn khổ diễn đàn mới ở Sochi. Đấy cũng còn là cách giúp họ hạ thấp vai trò của vòng hòa đàm về Syria ở Geneve, Thụy Sĩ, do Liên hợp quốc dẫn dắt.

"Bộ ba" muốn luôn nắm thế chủ động và luôn dẫn dắt chứ không để bị dẫn dắt trong thời hậu chiến ở Syria. Họ đặt Mỹ và đồng minh trước những sự đã rồi ở Syria, và giờ tận dụng kết quả ấy làm điểm xuất phát để đi trước Mỹ và đồng minh một vài bước.

Việc giải quyết vấn đề Syria theo định hướng của Nga, Thổ, Iran sẽ làm thay đổi rất cơ bản cục diện tình hình và tương quan lực lượng ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, cũng như trong thế giới Ả Rập và thế giới Hồi giáo.

Nó giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể trở thành hai trung tâm quyền lực mới ở khu vực, và khiến Saudi Arabia - đồng minh thân cận của Washington trong liên minh chống lại Iran - trở nên yếu thế hơn. 

Nó xác lập vai trò "lập trật tự" của Nga ở khu vực này và tạo thế mới cho Moskva trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ ở khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.

Ông Putin thành người lập trật tự Syria, 2 trung tâm quyền lực mới làm đồng minh Mỹ e sợ - Ảnh 2.

Lộ trình nói trên khi được tiến hành ở Syria sẽ không tương thích với mục tiêu và lợi ích mà Mỹ/đồng minh theo đuổi lâu nay ở Syria. Washington khó có khả năng cho phép "bộ ba" dễ dàng thành công với mục tiêu đó.

Điểm yếu của Mỹ lúc này là không còn đủ khả năng thực tế để xoay chuyển tình hình ở Syria theo hướng chỉ có lợi cho họ. 

"Bộ ba" dường như cũng đã tính đến thực tế ấy nên để ngỏ cửa cho Mỹ/đồng minh/đối tác tham gia chứ không dành cho họ quyền cùng quyết định.

Thời hậu chiến ở Syria, vì thế, sẽ là cuộc chơi mới không kém phần gay cấn và quyết liệt.

Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran gặp nhau tại Sochi ngày 22/11/2017 bàn giải pháp chính trị cho Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại