Bảo mẫu bạo hành bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi có thể bị xử lý như thế nào?

Hoàng Hải |

Theo quan điểm của luật sư, việc người giúp việc bạo hành cháu B.N. đã cấu thành tội "hành hạ người khác".

Liên quan đến vụ việc bé B.N (SN 5/10, con của vợ chồng chị T.N.P, thường trú phường Quang Trung, TP. Phủ Lý, Hà Nam) bị người giúp việc bạo hành gây xôn xao dư luận, chiều 23/11, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng đoàn Luật sư Nguyễn Anh về mức hình phạt mà người bạo hành cháu bé có thể phải đối diện

Theo quan điểm của Luật sư Thơm, những năm gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc bạo hành các cháu bé tại các cơ sở trông giữ trẻ và đã được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Hành vi của người giúp việc này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe bình thường của cháu bé. 

Bảo mẫu bạo hành bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi có thể bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Người dân ở phường Quang Trung, TP. Phủ Lý bàn tán xôn xao về sự việc.

"Để xem xét hành vi phạm tội của người phụ nữ có hành vi bạo hành cháu B.N. thì cần căn cứ vào tính chất mức độ và hậu quả gây ra cho cháu bé.

Nếu kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định cháu bé không bị thương tích thì hành vi phạm tội của đối tượng cấu thành Tội "hành hạ người khác". 

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự.

Kết quả giám định thương tật của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xử lý đối tượng tương ứng theo quy định về "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác" theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp tỷ lệ thương tật của cháu B.N. là dưới 11% nhưng do phạm tội với trẻ em nên đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật...", Luật sư Thơm đưa ra quan điểm. 

Clip bé gái gần 2 tháng tuổi bị bạo hành.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 110. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại