Thủ tướng: Hậu Giang cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang hữu cơ

Đức Tuân |

Tối 27/9, sau khi kết thúc chuyến công tác tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới TP. Vị Thanh và có cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, một trong 4 tỉnh khó khăn nhất của ĐBSCL và chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng: Hậu Giang cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang hữu cơ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang, một trong những trung tâm lúa gạo của Tây Nam Bộ, 9 tháng đầu năm 2017, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khoảng 1,7% trong bối cảnh thời tiết bất lợi, giá nông sản bấp bênh.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh xây dựng và công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số được công nhận lên 19 xã, đạt hơn 35% tổng số xã.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện hơn 12.885 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 761 triệu USD, tăng 38,8%.

Báo cáo cho biết, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã được thành lập và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng với quy mô 5.200 ha, bao gồm các loại hình sản xuất chủ lực là lúa chất lượng cao, thủy sản nước ngọt, chăn nuôi, nấm và chế phẩm vi sinh, cây ăn quả, hiện nay đang triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết và lập các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, do lĩnh vực công nghệ cao là lĩnh vực mới, nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn đầu tư.

Nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai còn hạn chế. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy và sạt lở đất diễn biến ngày càng tăng.

Hạ tầng giao thông chưa mang tính kết nối cao, còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm.

“Chúng ta là một tỉnh nghèo do xuất phát điểm thấp, là một tỉnh còn dựa vào trợ cấp ngân sách, có thể chưa chủ động trong chi tiêu, đầu tư còn khó khăn.

Tôi nói tình hình đó để thấy là không phải Trung ương không thấy hết khó khăn của các đồng chí”, Thủ tướng phát biểu và chỉ ra một số mặt được cũng như tồn tại, hạn chế của tỉnh.

Tỉnh đã xây dựng được một số vùng nông nghiệp đặc hữu quy mô khá lớn, lúa chất lượng cao, mía, dứa, cây ăn trái đặc sản, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm.

Tỉnh có nhiều hộ gia đình có mô hình sản xuất tốt, hiệu quả. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo hướng tới nền nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, tỉnh có vị trí địa lý thấp cùng với thời tiết cực đoan, nên hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp. Cơ cấu lao động nông thôn còn lớn, chuyển dịch chậm.

Nông nghiệp chiếm 27,7% cơ cấu kinh tế nhưng có tới trên 75% lực lượng lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Số lượng doanh nghiệp còn quá ít với tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số chỉ bằng 1/3 cả nước.

“Có 3 xã chưa có đường ô tô đến thì hôm nay tôi giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải đề xuất nguồn lực, Trung ương sẽ hỗ trợ. Một xã đồng bằng mà không có đường ô tô đến thì quá vô lý”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2017, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm, trong đó lưu ý 3 chỉ tiêu có khả năng chưa đạt là tăng trưởng GDP, thu ngân sách và chỉ tiêu môi trường.

“Ngay sau đây, các đồng chí phải họp lại với các ngành, các đơn vị có liên quan được giao để kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu nộp thuế và các khoản thu”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nêu rõ, Hậu Giang cần phấn đấu là tỉnh đổi mới sáng tạo, năng động để phát triển thịnh vượng, dựa vào tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, trong đó cần tập trung phát triển nền nông nghiệp đa chức năng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp.

Hậu Giang cần nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, cần phổ biến trong các hộ dân, các đơn vị sản xuất nông nghiệp về tiêu chuẩn nông sản sạch, an toàn.

Hậu Giang phải căn cứ quy hoạch toàn vùng ĐBSCL, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch đất lúa, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu suất sử dụng đất, sử dụng nước ngọt, tránh khai thác hạ tầng mức nước ngầm.

Tỉnh cần tìm lợi thế so sánh, có lối đi để có điều kiện phát triển, ví dụ xây dựng các khu, cụm công nghiệp có đất sạch để thu hút doanh nghiệp hay có diện tích để làm nông nghiệp công nghệ cao.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục quảng bá thương hiệu chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất; tiếp tục phát triển một số cây trồng vật nuôi chủ lực.

Tìm phương án, cách làm tốt nhất để tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường đến trung tâm xã. Chú trọng bảo vệ môi trường. Trong phát triển kinh tế, phải kết nối với các tỉnh trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh cần phát huy hơn nữa thành tích xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch; gia cường nền tảng xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại