Cất cánh từ TP. Cần Thơ, “thủ phủ” vùng ĐBSCL và bay dọc khu vực ven biển, tới tận mũi Cà Mau, chuyến thị sát nhằm chuẩn bị cho Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) mà Thủ tướng sẽ chủ trì phiên toàn thể vào ngày mai, 27/9.
Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đây được xem là “Hội nghị Diên hồng” nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100.
Với ý nghĩa đó, việc thị sát, kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, cung cấp một góc nhìn trực quan đối với người đứng đầu Chính phủ trước những tác động ngày càng rõ nét của BĐKH, chứ không chỉ qua các con số từ báo cáo của các bộ, ngành, tổ chức, để những quyết sách được đưa ra “trúng và đúng”, với ý nghĩa sống còn cho “vựa lúa” của cả nước.
Ngoài ra, thích ứng BĐKH cũng cần một cái nhìn tổng thể, toàn diện, “chứ không phải mạnh anh nào anh nấy làm trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế” như Thủ tướng từng nói trong một cuộc họp gần đây.
Trước đó, cách đây hơn 2 tháng, trong chuyến thăm Hà Lan, Thủ tướng đã bay trực thăng khảo sát quy hoạch vùng đồng bằng và quan sát các công trình trị thuỷ, đê biển ở một số vùng lưu vực, duyên hải trọng yếu của Hà Lan, một quốc gia điển hình về ứng phó cũng như thích ứng với BĐKH.
Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, theo cách thức kết hợp khoa học công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. |
Theo nhiều báo cáo, ĐBSCL được đánh giá là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng.
Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương.
Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 độ C, nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5-20% ở đa số khu vực.
Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775 km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng.
Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm.
Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).
Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số.
Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 trong tất cả các vùng kinh tế của cả nước (chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng).